Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trước thực trạng trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cơ sở lắp ráp xe ba gác máy không có giấy tờ hợp lệ, chủ cơ sở lắp ráp xe sẵn sàng làm giấy tờ giả, biển số giả nhằm qua mắt lực lượng chức năng, P.V Báo Bình Dương đã vào cuộc điều tra để phản ánh sự việc.
Theo tìm hiểu của P.V, hiện trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn chiếc xe ba gác máy đang hoạt động, tuy nhiên không ít xe ba gác máy đều dùng giấy tờ giả để lưu hành.
“Cung” và “cầu”
Trong khi nhiều đơn vị của Công an tỉnh đang mở đợt cao điểm xử lý đối với loại xe ba gác, xe lôi tự chế và xe ba gác máy không có giấy tờ hợp lệ, thì hiện nay nhiều cơ sở lắp ráp xe ba gác máy vẫn ngang nhiên hoạt động. Tại những cơ sở lắp ráp xe ba gác này, cảnh mua bán xe diễn ra rất nhộn nhịp. Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao đơn vị chức năng vẫn chưa xử lý nghiêm đối với những cơ sở vi phạm để ngăn chặn việc xe ba gác máy dùng giấy tờ giả tuồn xe ra thị trường và ngang nhiên hoạt động?
Một cơ sở lắp ráp xe ba gác máy không có giấy tờ hợp lệ trên địa bàn phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một Ảnh: T.QUANG
Tương tự, khi trao đổi với P.V, một chủ cơ sở lắp ráp xe ba gác máy trên đường ĐT743, đoạn gần vòng xoay An Phú, phường An Phú, TX.Thuận An, cho hay: “Lốc máy thì tôi nhập từ ngoài Bắc vào, còn mọi linh kiện lắp ráp cho xe ba gác máy đều do cơ sở làm ra. Xe ba gác mới kèm với cà vẹt giả, biển số giả là 40 triệu/chiếc. Xe cũ sử dụng giấy tờ giả trên dưới 20 triệu/chiếc. Nếu cảnh sát giao thông có dừng xe thì các anh cứ đưa cà vẹt giả ra để trình. Hàng giả nhưng khó mà phát hiện được. Hiện nay cơ sở của tôi cũng nhận làm biển số giả, cà vẹt xe giả nhưng giống y như thật”.
Trong lúc đưa cho chúng tôi xem cà vẹt chiếc xe ba gác BS: 61L8-2609 đang chào bán cho khách, chủ cơ sở này nói: “Anh thấy đó, cà vẹt này chúng tôi làm y như thật, khó mà phát hiện. Kể cả biển số có dấu nổi của cơ quan chức năng thì cảnh sát giao thông (CSGT) khó mà phát hiện ra được”.
Hệ lụy khi mua phải xe giấy tờ giả
Nhằm cải thiện cuộc sống gia đình, nhiều người đã vay mượn tiền để mua xe ba gác máy hành nghề vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, loại xe này thường chở hàng cồng kềnh, ôm cua rộng đã ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Để lập lại TTATGT, trật tự xã hội trên địa bàn, thời gian qua lực lượng công an ở nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh đã mở đợt cao điểm nhằm xử lý xe ba bánh, xe ba gác máy và xe lôi tự chế. Trong đợt này, hàng trăm xe ba gác máy không có giấy tờ hợp lệ hoạt động trên địa bàn tỉnh đã bị lực lượng chức năng phát hiện và tịch thu. Từ đó, nhiều người đã rơi vào tình cảnh khó khăn khi nợ vay mượn mua xe ba gác máy chưa trả xong thì phương tiện lại bị tịch thu. Đối với những người rơi vào hoàn cảnh này xem như “cần câu cơm” của họ đã bị đánh mất, khiến cuộc sống của nhiều gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.
Là người vừa bị CSGT Công an TX.Thuận An bắt giữ xe ba gác máy khi đang chở hàng đi giao cho khách, ông Trần Thanh Trúc (ngụ xã Phú An, TX.Bến Cát), cho biết: “Vì cuộc sống gia đình rất khó khăn, đầu năm 2016 tôi vay mượn tiền để mua chiếc xe ba gác máy làm phương tiện mưu sinh. Ngày 8-11, khi bị CSGT Công an TX.Thuận An dừng xe để kiểm tra giấy tờ, tôi tá hỏa khi các anh CSGT cho biết cà vẹt xe của tôi là giả. Do thiếu hiểu biết, tôi đã không nhận ra được đó là giấy tờ giả. Khi xe bị bắt giữ, không có nguồn thu nhập, hoàn cảnh gia đình tôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều tôi mong muốn là ngành chức năng cần xử lý nghiêm đối với những cơ sở sản xuất xe lậu để không ai trở thành nạn nhân như tôi”.
Liên quan đến công tác quản lý nguồn của những linh kiện, phụ tùng lắp ráp xe ba gác máy trong tỉnh hiện nay, ông Trần Văn Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: “Trong năm 2015, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và bắt giữ hàng trăm bộ phụ tùng, linh kiện dùng để lắp ráp cho xe ba gác máy tại kho hàng ga Sóng Thần. Nhưng trong năm 2016, đơn vị không bắt giữ, xử lý được vụ nào có liên quan đến việc vận chuyển phụ tùng linh kiện cho xe ba gác máy. Để ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nhập vào thị trường Bình Dương, đơn vị đã đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở để theo dõi và kịp thời phát hiện các sai phạm”.
Tương tự, ngày 9-11, sau khi bị lực lượng CSGT Công an TX.Thuận An bắt giữ xe ba gác máy, gia đình ông Nguyễn Thành Lộc (ngụ KP.8, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) rơi vào tình cảnh khó khăn. Bởi hàng ngày nguồn thu nhập của gia đình ông đều phụ thuộc vào chiếc xe ba gác máy. Ông Lộc nói: “Để có tiền chu cấp cho hai đứa con ăn học, tôi đem giấy tờ nhà đất đi thế chấp ngân hàng để được vay 35 triệu đồng mua chiếc xe ba gác cũ. Nợ ngân hàng còn chưa trả xong thì xe đã bị công an giữ. Phương tiện hành nghề vận chuyển hàng hóa, nuôi sống gia đình của tôi xem như đã mất. Lúc mua xe, tôi không biết cà vẹt xe là giả. Hiện nay, chúng tôi mong muốn ngành chức năng, chính quyền các cấp cần có hướng hỗ trợ về mặt pháp lý, giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã lỡ mua phải những chiếc xe có cà vẹt không hợp lệ được gắn biển số thật để lưu thông”. (Còn tiếp)
THANH QUANG