| 22-07-2023 | 06:10:34

Cảnh báo xu hướng trẻ hóa đối tượng lây nhiễm HIV

Hiện nay, vấn đề lây nhiễm HIV đang chuyển dịch qua nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và có xu hướng trẻ hóa đối tượng. Để tiến tới mục tiêu thanh toán căn bệnh thế kỷ này vào năm 2030, Bình Dương đang chú trọng đến các nhóm đối tượng nói trên và truyền thông thành nhóm nhỏ trong các công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ...

Số ca nhiễm HIV tăng ở nhóm MSM

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh phát hiện hơn 800 ca nhiễm HIV, trong đó người lao động ngoại tỉnh chiếm gần 80%. Trong khoảng 10 năm gần đây, đường lây nhiễm HIV đã thay đổi, chuyển dịch qua MSM. Năm 2012, trong tổng số người nhiễm HIV, tỷ lệ nhiễm qua quan hệ tình dục đồng giới là 36%, nhưng đến năm 2022 thì tỷ lệ nhiễm mới trong nhóm này đã tăng lên 78%. Điều đáng báo động là sự trẻ hóa của độ tuổi nhiễm HIV với nhóm tuổi 15-25 chiếm đa số ca nhiễm mới. Năm 2022, số ca nhiễm mới tại tỉnh tăng 25% so với năm 2021. Đây là năm có số ca nhiễm tăng đột biến và cao nhất trong 10 năm qua (2012-2022).

ThS. bác sĩ Cao Kim Thoa, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) cho biết: “Hiện số ca nhiễm HIV ghi nhận tại Việt Nam và Bình Dương nói chung đều tăng ở nhóm trẻ và nhóm MSM. MSM quan hệ có nguy cơ cao nhiễm HIV do họ thường có nhiều bạn tình, không sợ mang thai, đường quan hệ dễ lây nhiễm. Hàng năm, tỷ lệ ca nhiễm mới của Bình Dương là rất cao. Tính từ tháng 10-2022 đến tháng 3-2023, tỉnh chiếm 40% số ca HIV của dự án “Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS” (EPIC) và khoảng 10% số ca nhiễm mới của toàn quốc”.

Cũng theo bác sĩ Cao Kim Thoa, các hoạt động duy trì chăm sóc, điều trị dự phòng PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV) của Bình Dương đạt chỉ tiêu Trung ương giao. Bình Dương cũng là tỉnh có nhiều sáng kiến trong tìm ca (xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích, tiếp cận mạng lưới) và luôn duy trì mối liên hệ với khách hàng (kể cả các khách hàng cũ), sẵn sàng mời khách hàng tham gia làm cộng tác viên tìm ca. Theo bác sĩ Thoa, việc này không hề dễ vì mọi người ngại bị kỳ thị nên giấu bệnh.

Thực tế, Bình Dương luôn đặt chỉ tiêu cụ thể, có khen thưởng kịp thời để khích lệ sự nhiệt tình của cán bộ y tế, nhóm cộng đồng CBO (các nhóm tự lực dựa vào cộng đồng) để mời họ tự làm xét nghiệm HIV sàng lọc. Trong trường hợp dương tính, giới thiệu họ đến cơ sở y tế làm xét nghiệm khẳng định. Nếu không dương tính nhưng có hành vi nguy cơ, họ sẽ được tiếp cận thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).

Truyền thông phòng, chống HIV cho người lao động tại công ty

Xu hướng trẻ hóa

Trao đổi với P.V, bác sĩ CK1 Vương Thế Linh, Trưởng khoa HIV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết qua sàng lọc, toàn tỉnh phát hiện 2 ca dưới 15 tuổi lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đồng giới. Các em rất khó khăn trong việc chia sẻ thông tin với gia đình, người thân về việc nhiễm HIV, nhưng cũng rất lo lắng. Các em cần có sự chấp nhận của gia đình hoặc người bảo lãnh hợp pháp, trong khi các em lại có thể không nói được với gia đình. Hiện theo quy định, khi đủ 15 tuổi các em mới được tự nguyện đi làm xét nghiệm HIV để can thiệp dự phòng ngừa nhiễm HIV bằng thuốc PrEP. “Chúng tôi mong muốn các trẻ vị thành niên được đưa vào chương trình xét nghiệm, tiếp cận thuốc điều trị PrEP sớm để không bị lây cho thế hệ F1, F2, F3... Hiện chương trình đang rất quan tâm nhóm này”, bác sĩ Linh nói.

Cách làm của một số nhân viên y tế hiện nay là tìm đến nơi trọ của công nhân vào lúc họ vừa kết thúc ngày làm việc để phát tờ rơi, nói chuyện về nguy cơ lây nhiễm và nguy hại của vi rút HIV trong các công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ. Việc làm này nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về HIV cho người lao động, cộng đồng để khuyến khích người nguy cơ cao kết nối điều trị dự phòng. Hoạt động đáp ứng y tế công cộng tại Bình Dương được cung cấp gần như toàn diện, bảo đảm bí mật tuyệt đối cho người sử dụng dịch vụ. Các dịch vụ mà Bình Dương đang triển khai, gồm: Tìm ca, tư vấn xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế, triển khai nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh, cấp phát sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua các kênh VCT/OPC, trang web, nhà thuốc...

Dự báo trong những năm tới số người nhiễm HIV là MSM có gốc ngoại tỉnh sẽ tiếp tục tăng trong làn sóng di chuyển vào các khu công nghiệp. Đây là một bài toán khó cho Bình Dương trong việc kiểm soát, nâng cao nhận thức của nhóm lao động này về kiến thức HIV. Tiến tới mục tiêu thanh toán dịch bệnh vào năm 2030, Bình Dương đang chú trọng đến các nhóm nguy cơ cao là MSM và tập trung đẩy mạnh các biện pháp can thiệp.

Cách làm của tỉnh hiện nay là chia thành nhóm nhỏ truyền thông trong các khu công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ. Các biện pháp can thiệp gồm cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nguy cơ cao, điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, dự phòng trước phơi nhiễm và triển khai chiến dịch K=K (Không phát hiện = Không lây truyền)…

HOÀNG LINH

Chia sẻ
Tags
HIV