| 22-12-2022 | 08:49:37

Cấp khống giấy nghỉ bệnh, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội – Bài 1

LTS: Hiện nay, tình trạng cấp khống giấy chứng nhận nghỉ bệnh (giấy nghỉ ốm), để trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) đang âm thầm diễn ra tại một số cơ sở y tế trong tỉnh bất chấp các quy định của pháp luật. Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm qua. Và nếu các cơ quan quản lý không có biện pháp chế tài mạnh sẽ ảnh hưởng tới quỹ BHXH của Nhà nước cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.  

Bài 1: Không khám vẫn ra bệnh

Từ những thông tin phản ánh, một số bệnh viện, phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh cấp khống giấy chứng nhận nghỉ bệnh cho người lao động (NLĐ), P.V Báo Bình Dương đã vào cuộc tìm hiểu tình hình tại một số phòng khám, bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận thực tế tại Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh (đường D1, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát) cho thấy nơi đây đang diễn ra thực trạng cấp khống giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng BHXH cho NLĐ.

Không khám vẫn có giấy nghỉ bệnh

P.V có mặt tại Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh và nhận thấy nhiều NLĐ có nhu cầu xin giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng BHXH. Thời gian qua, phòng khám này là địa chỉ “thân quen” và NLĐ ở khu công nghiệp thường lui tới khi muốn làm giấy nghỉ bệnh hưởng BHXH. Có mặt tại đây trong khoảng thời gian hơn 1 giờ đồng hồ, P.V quan sát thấy có 3 NLĐ ở các công ty khác nhau đều có nhu cầu xin giấy chứng nhận nghỉ bệnh.


​Quầy tiếp nhận bệnh của Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh

Những ngày cuối năm, chị H.T.H., công nhân lao động tại TX.Tân Uyên được bạn bè giới thiệu đến Phòng khám Đa khoa T.Đ.M. xin giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng BHXH. Trong vai công nhân lao động đi xin giấy nghỉ bệnh, cùng chị H., chúng tôi theo lời của người bảo vệ giữ xe hướng dẫn đi thẳng vào quầy nhận bệnh. Ở đây có 3 - 4 nhân viên phòng khám đang ngồi đợi. Chị H. mở lời: “Dạ, em muốn lấy giấy nghỉ bệnh”. Nữ nhân viên tiếp nhận bệnh mặc áo xanh gần như không ngước nhìn, tự động trả lời: “Nghỉ tối đa 2 ngày”. Chị H. tiếp tục hỏi: “Có phải khám không”. Nữ nhân viên tiếp nhận bệnh trả lời lí nhí “khỏi khám” và đưa ra một mảnh giấy nhỏ kêu ra ngoài điền thông tin. Cầm tờ giấy ra ngoài, người bảo vệ giữ xe hướng dẫn chị H. ghi tên, công ty, số ngày cần nghỉ. Sau khi điền xong thông tin, chị đưa vào quầy lấy thuốc và trả kết quả. Nhân viên tiếp nhận bảo chị ngồi dưới chờ gọi tên.

Sau thời gian khoảng 15 phút, tiếng loa phát ra từ quầy lấy thuốc và trả kết quả mời 3 người lên lấy giấy. Nhân viên phát cho 3 người 3 tờ giấy A4 gấp đôi che các thông tin phần trên còn phần dưới yêu cầu người nhận giấy nghỉ bệnh ký, ghi rõ họ tên. 3 người nhận giấy chứng nhận nghỉ bệnh ký vào giấy theo yêu cầu. Sau các thủ tục, nhân viên đưa cho họ giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng BHXH (chỉ áp dụng cho điều trị ngoại trú) được đóng dấu Công ty Cổ phần Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh. Trong giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng BHXH do Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh cấp cho chị H.T.H., bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (K21) với số ngày nghỉ là 2 ngày. Phần phía dưới người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ký tên bác sĩ Trần Thị Kim Trung; còn phía bên trái xác nhận ký tên, đóng dấu của thủ trưởng đơn vị là bác sĩ Trần Đức Minh.

Cầm giấy chứng nhận nghỉ bệnh ra ngoài, chị H.T.H. quên không đóng tiền liền quay vào hỏi “đóng tiền không chị” thì nhân viên trả kết quả chỉ lắc đầu. Chị tiếp tục lặp lại câu hỏi đó nhưng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu lạnh lùng của người này. Sau một hồi đi lòng vòng, chị H. quay lại quầy lấy thuốc và trả kết quả tiếp tục hỏi thêm “2 ngày sau nghỉ hết qua xin cấp giấy lại được không?” thì nhân viên này cho biết “10 ngày sau mới được cấp giấy lần nữa!”.

Vài ngày sau chúng tôi lại tiếp tục quay trở lại phòng khám Trần Đức Minh với 2 công nhân khác cũng xin giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng BHXH. Anh B.M.K. yêu cầu nhân viên được khám bệnh và được hướng dẫn vào phòng nội 2 gặp bác sĩ. Tại đây, bác sĩ không thăm khám nhưng vẫn cấp cho anh K. đơn thuốc với chẩn đoán bệnh loét dạ dày - tá tràng (K28). Anh K. hỏi: “Không khám gì hết trơn hả chú”, thì bác sĩ này trả lời: “Xin giấy bệnh mà khám cái chi”.

Hay trường hợp của chị L.T.T.Q. cũng xin giấy nghỉ bệnh, được phòng khám Trần Đức Minh cấp cho giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng BHXH 2 ngày. Không khám nhưng bác sĩ chẩn đoán chị Q. bị bệnh viêm phổi do adenovirus (J12.0), bệnh trào ngược dạ dày - thực quản không có viêm thực quản (K21.9). Cũng như nhiều trường hợp khác, phòng khám Trần Đức Minh không thu tiền cấp giấy nghỉ bệnh của chị Q.

Rời Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh, chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa Châu Thành Nam Tân Uyên (ĐT746 phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên) để tiếp tục đóng vai NLĐ đi khám bệnh theo chế độ BHXH. Chị H., công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Đại Đăng (TP. Thủ Dầu Một), sau khi đăng ký khám bệnh được chỉ định vào phòng khám số 3 để gặp bác sĩ. Vị bác sĩ lớn tuổi tóc bạc thăm khám, khai thác tiền sử bệnh. Khi người bệnh không hề giấu ý định xin nghỉ bệnh để hưởng BHXH, những tưởng sẽ bị từ chối nhưng câu trả lời của bác sĩ khiến chúng tôi không khỏi có sự hoài nghi về nhu cầu cấp giấy nghỉ bệnh là thực sự có và thực hiện việc cấp giấy bệnh cũng hoàn toàn dễ dàng. Vị bác sĩ này nói: “Thường thường cho nghỉ 3 ngày, 5 ngày, mai mốt muốn nghỉ nữa vô khai bệnh khác nghỉ tiếp hoặc vô nói tôi muốn nghỉ, giờ cho bệnh gì… nghỉ, tôi cho. Đăng ký ngoài kia… gặp người nào cũng được. Vô đăng ký nói giờ tôi còn mệt quá thuốc uống chưa hết, muốn xin nghỉ tiếp… nói vậy nếu toa thuốc này còn. Còn nếu hết thuốc, trước khi vô, khai nói tôi đau nhức mình mẩy giờ muốn nghỉ bệnh…”.

Có cung ắt có cầu

Thực tế hiện nay có một bộ phận NLĐ muốn nghỉ việc nhưng vẫn hưởng lương, chế độ mà không bị trừ phép năm nên tìm đến các phòng khám, bệnh viện xin hoặc mua giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng BHXH. Chị N.T.H., công nhân Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát, cho biết: “Khi tôi bị bệnh cảm, sốt, đau bụng… đều làm đơn xin phép và được công ty duyệt nghỉ, vẫn được hưởng lương nhưng bị trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do tôi đã nghỉ hết phép năm và muốn được nghỉ thêm 2 ngày để giải quyết việc gia đình nên một số bạn bè công nhân chỉ tôi xin giấy nghỉ bệnh”. Trong khi đó, nam công nhân T.V.Đ., Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, TX.Tân Uyên, cho biết: “Xin giấy nghỉ bệnh khống này là sai nhưng em không có ý định mang về thanh toán tiền BHXH vì số tiền bảo hiểm thanh toán 2 ngày nghỉ không đáng là bao (BHXH chi trả 75% ngày lương). Cha em bị đột quỵ, cuối năm xin nghỉ phép mà công ty không cho nên buộc phải nghĩ ra cách này”.

Việc khai khống, xin khống giấy nghỉ bệnh của NLĐ là hoàn toàn sai trái, góp phần tiếp tay cho một số phòng khám lợi dụng để trục lợi. Hiện nay, tình trạng một số phòng khám tìm cách hợp thức hóa giấy nghỉ bệnh, làm giả chữ ký của bác sĩ, của đơn vị khám chữa bệnh để cấp khống cho NLĐ vẫn diễn ra. Nếu không xử lý mạnh tay, việc này sẽ ảnh hưởng tới quỹ BHXH. Nhiều y, bác sĩ trong ngành y tế đặt câu hỏi cơ sở khám chữa bệnh cấp khống giấy chứng nhận nghỉ bệnh cho NLĐ thì số thuốc bảo hiểm NLĐ được cấp sẽ đi về đâu?

Nói về hoạt động của Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh, ông L.T.N.T., nhà ở đường D1, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, cho biết: “Đầu năm 2015, khi tôi đến đây ở thì đã có phòng khám này. Trước đây, nhiều người bệnh lui tới đây để khám, chữa bệnh nhưng thời gian gần đây lao động trong khu công nghiệp chuyền tai nhau về việc phòng khám cấp, cho không giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng BHXH cho NLĐ. Thực hư thế nào tôi cũng không rõ”. (còn tiếp)

Một số phòng khám hợp thức hóa giấy nghỉ bệnh bằng cách giả chữ ký của bác sĩ, của đơn vị khám chữa bệnh để có giấy nghỉ bệnh khống trong khi không ít NLĐ có nhu cầu. Đây là những hành vi trục lợi quỹ BHXH. Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm qua. Các cơ quan quản lý không có biện pháp chế tài mạnh sẽ ảnh hưởng tới quỹ BHXH của Nhà nước cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

HOÀNG LINH

Chia sẻ