Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chuyển đổi số (CĐS) và chuyển đổi xanh (CĐX) sẽ là 2 chuyển đổi quan trọng bậc nhất của nửa đầu thế kỷ XXI; là một “cặp song sinh”, đi liền với nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Điều này đã được “tư lệnh” ngành thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á năm 2024, với chủ đề “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số”, diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua tại Hà Nội.
CĐS và CĐX là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Muốn phát triển nhanh thì phải CĐS, muốn bền vững thì phải CĐX. Kinh tế số cũng đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng đưa thành một trong những chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới. Cụ thể, đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP; đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP...
Theo thống kê, thời điểm năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10%. Cũng năm này, kinh tế số đã đóng góp 12% GDP. Đến năm 2023, kinh tế số đã đóng góp khoảng 16,5% GDP với tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Hai lĩnh vực CĐS và CĐX có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP từ 2 - 4 lần...
Để hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cùng với cả nước, trong những năm qua, Bình Dương đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy nhanh việc CĐS trong hệ thống chính quyền; đồng thời tăng cường khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Tỉnh cũng tập trung nâng cao nhận thức và năng lực CĐS của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời đang vận động, khuyến khích các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp ở phía Bắc của tỉnh, trong đó ưu tiên thu hút những ngành công nghiệp công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và sở hữu các công nghệ tự động hóa, thông minh hóa cao...
Cùng với đó, tỉnh cũng đang hoàn thiện các bước để thành lập khu công nghệ thông tin tập trung nhằm tạo ra một hệ sinh thái đổi mới hoàn thiện, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào các hoạt động sản xuất chuyên môn cao tại các khu công nghiệp cũng như toàn bộ khu vực sản xuất trong vùng. Điều đó cho thấy sự quyết tâm của Bình Dương trong lĩnh vực CĐS và CĐX. Qua đó, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như quản lý điều hành, góp phần phát triển kinh tế số và xã hội số...
K.TÂN