Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trước những đổi thay của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, Bình Dương vẫn giữ được những vẻ đẹp dung dị đời thường. Bình Dương có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, trong đó có 3 cây vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Với các văn nghệ sĩ, 3 cây di sản ấy không chỉ góp phần tạo cảnh quan, giá trị sinh thái, mà còn là chứng nhân lịch sử, nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của bao thế hệ.
Cây trôm là chứng nhân lịch sử nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật của Bình Dương
Hay tin Bình Dương có 3 cây cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam, nghệ sĩ Lý Bạch Huệ vui mừng chia sẻ với chúng tôi về niềm tự hào và những kỷ niệm không thể nào quên. Ấn tượng về cây trôm trong khuôn viên trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương đã làm nữ nghệ sĩ bật khóc. Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ kể, ngày ấy về trường để trình diễn thơ nhân dịp Tết Nguyên tiêu, nhìn thấy cây trôm với dáng vẻ hùng vĩ, tỏa mát cả sân trường khiến lòng cô ngẩn ngơ. Cảm giác thật lãng mạn khi bỗng nhớ về cố nhà thơ Thu Bồn (chồng của nghệ sĩ Lý Bạch Huệ) “Anh là bóng cây che mát một đời em…”.
Nhắc đến cây kơ nia và cây đa ôm nhau ở đình Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một), trong mắt nghệ sĩ Lý Bạch Huệ lại ánh lên nhiều kỷ niệm. Khi nhìn thấy hình ảnh 2 cây ôm nhau, nữ nghệ sĩ đã nhớ đến bài hát “Bóng cây kơ nia”, nhưng cũng chính vì nó ôm nhau trông rất độc đáo cho nên cô đã chọn nơi đây quay trích đoạn cải lương “Lan và Điệp” và bài “Đường và đạo”.
Trong ký ức của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Hồng Long (hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh), trước đây cây trôm bên cạnh bến sông, có hàng phượng đỏ, nhà hàng nổi… tạo nên một cảnh quang rất đẹp. Anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh thường chọn nơi này để chụp ảnh lưu niệm, săn ảnh nghệ thuật như để ghi lại những khoảnh khắc về một điểm đến không thể thiếu mỗi khi đến Bình Dương.
Với họa sĩ Trương Anh Dũng, giáo viên trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, cây trôm gắn bó suốt quãng đời học sinh của anh. Dưới bóng cây là nơi để xe của học sinh và che mát cả góc khuôn viên sân trường. Dưới gốc cây có đặt nhiều băng ghế cho học sinh và giáo viên trao đổi bài vở. Cạnh dòng sông gió mát lẫn vào tiếng sóng vỗ nhẹ, cây trôm không chỉ tỏa dáng uy nghi, mà còn lưu dấu mãi trong cuộc đời học sinh với màu xanh trường học và nét vạm vỡ như chở che… Nhờ dáng vẻ của cây, trong họa sĩ Anh Dũng dần hình thành một tình yêu thiên nhiên sâu đậm và nó cũng là sở trường của anh trong các tác phẩm về cây...
Phấn khởi kể với chúng tôi những câu chuyện về cây trôm, nhà điêu khắc Châu Trâm Anh, giáo viên trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, cho biết anh là học viên trưởng thành từ trường này nên rất tự hào về cây trôm gắn liền với lịch sử của trường, nơi đào tạo nhiều ngành nghề làm đẹp cho đời và nhiều thế hệ nghệ nhân, học viên đã góp sức làm rạng danh đất Thủ - Bình Dương trong các lĩnh vực nghề nghiệp thủ công truyền thống. Mỗi khi có ý tưởng về tác phẩm thì cây trôm là nơi anh thường chọn để có không gian vẽ ký họa. Biết ơn bóng mát của cây trôm, nhà điêu khắc trẻ này đã thực hiện tác phẩm phù điêu tại sảnh lớn của trường với hình ảnh các ngành nghề đang được đào tạo và có cả hình ảnh cây trôm tỏa bóng mát.
Bên cạnh niềm tự hào về 3 cây di sản ở Bình Dương, các văn nghệ sĩ cũng trăn trở những nỗi niềm về việc chăm sóc và bảo quản cây trong thời gian tới. Nghệ sĩ Trần Minh Hải (hội viên Phân hội Sân khấu, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh), cho biết 3 cây di sản ấy là chứng nhân lịch sử cho quá trình hình thành và phát triển của Bình Dương. Vì vậy, anh luôn mong các cây di sản sẽ được chăm sóc, giữ gìn như một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Bình Dương, nơi có 3 cây di sản được công nhận.
THỤC VĂN