| 29-06-2020 | 08:29:35

Chăm lo tốt đời sống người lao động sau dịch bệnh Covid-19

Kỳ 1: Linh hoạt các chính sách hỗ trợ

LTS: Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, thu hút lực lượng lao động lớn từ các tỉnh, thành trong cả nước. Trước sự tác động kéo dài của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, bằng sự năng động, nhạy bén trong chỉ đạo, điều hành kết hợp với sự vận dụng linh hoạt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cả hệ thống chính trị Bình Dương, từng doanh nghiệp đã chăm lo tốt đời sống NLĐ sau đại dịch này. Kể từ số báo này, Báo Bình Dương đăng loạt bài nhiều kỳ về Chăm lo tốt đời sống người lao động sau dịch bệnh Covid-19 gửi đến độc giả.

Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và Lao động trẻ tỉnh Bình Dương vận động tặng quà cho NLĐ bị giảm thu nhập trên địa bàn TX.Bến Cát

Thực hiện Nghị quyết 42/ NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Dương khắc phục khó khăn, vận dụng linh hoạt vào thực tiễn, đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi chính sách nhân văn của Chính phủ để triển khai hỗ trợ các nhóm đối tượng là người lao động bị giảm thu nhập sâu...

Không làm đơn xin hỗ trợ vì còn sức lao động

Những tháng trước đây khi biết thông tin Chính phủ hỗ trợ gói an sinh xã hội, ưu tiên người bị mất việc, giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, NLĐ vui mừng, phấn khởi và mong muốn gói hỗ trợ này sớm được triển khai. Tính đến ngày 31-5-2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến 289 doanh nghiệp trên địa bàn với khoảng 210.000 NLĐ bị ảnh hưởng với các hình thức, như: Chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm…

Thực tế hiện nay có rất nhiều NLĐ trên địa bàn không làm đơn xin hỗ trợ gói an sinh xã hội của Chính phủ mặc dù các ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng NLĐ nộp đơn còn hạn chế. Giải thích nguyên nhân không làm đơn xin đề nghị gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Hai, lao động tự do bị giảm sâu thu nhập, bán bánh mì tại khu 4, phường An Phú, TP.Thuận An cho biết: “Trước khó khăn do đại dịch Covid-19, gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, chăm lo, hỗ trợ người dân bị giảm sâu thu nhập. Tôi quyết định không làm đơn đề nghị bởi lẽ mình còn sức, còn làm việc, kiếm tiền”. Cũng với lý do này, anh Nguyễn Văn Xuân, công nhân may Công ty TNHH Yazaki và một số đồng nghiệp của mình cũng không làm đơn đề nghị hỗ trợ.

Bên cạnh bộ phận NLĐ không làm đơn hỗ trợ, khi triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội Bình Dương gặp rất nhiều khó khăn. Hiện toàn tỉnh có khoảng 300.000 NLĐ tự do và hơn 80% trong số này là người ngoài tỉnh, để được hỗ trợ NLĐ buộc phải có xác nhận địa phương nơi cư trú. Theo các cán bộ địa phương việc xác định lao động tự do là việc làm rất khó. Địa phương không biết công việc của họ thế nào, thu nhập ra sao, trước đại dịch có việc làm không và khi có dịch bệnh bị giảm sâu thu nhập như thế nào, căn cứ vào hồ sơ để xác định nhóm lao động tự do là chưa đủ vì các thông tin đều do người dân tự khai.

Liên quan đến nhóm lao động này, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng: “Với nhóm lao động không có giao kết HĐLĐ, bị mất việc làm, quy định trong Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, có những đối tượng chưa phù hợp, như: Thu gom rác; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe… đối tượng này có thể trùng với đối tượng hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Trong khi đó NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương muốn nhận hỗ trợ thì phải bảo đảm 3 điều kiện và buộc phải phụ thuộc vào tài chính của doanh nghiệp là rất khó để đáp ứng. Bởi khi doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải làm thủ tục phá sản. Do đó Bình Dương kiến nghị Chính phủ bỏ quy định điều kiện “Doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương” cho nhóm đối tượng này.

Gỡ khó để gói hỗ trợ của Chính phủ đến tay NLĐ

Trước những thách thức đặt ra, cả hệ thống chính trị Bình Dương quyết tâm khắc phục khó khăn, tăng cường kiểm tra giám sát, phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể. Bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết trên cơ sở kế hoạch giám sát đã đề ra, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiến hành giám sát trực tiếp tại các địa phương. Thông qua các cuộc giám sát, đoàn giám sát đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo UBND, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và một số ngành có liên quan để nghe các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện. Đặc biệt đoàn đã tập trung kiểm tra, giám sát công tác lập danh sách, niêm yết công khai danh sách các đối tượng được hỗ trợ, công tác phối hợp giữa UBND và các ngành trong quá trình thực hiện.

Ông Lê Long Hải, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, cho biết: “Do nhóm lao động tự do khó xác định điều kiện cư trú hợp pháp nên thị trấn đẩy mạnh công tác phối hợp với công an để xác minh điều kiện cư trú hợp pháp, là tạm trú hoặc thường trú. Để tránh trường hợp một đối tượng hưởng 2 lần, thị trấn cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát phát huy vai trò của các khu phố và Ban thanh tra nhân dân công khai, minh bạch danh sách được hỗ trợ”. (Còn tiếp)

Thông qua các hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, vận dụng linh hoạt nghị quyết, đến nay huyện Phú Giáo và TX.Tân Uyên là 2 địa phương thực hiện bài bản các quy trình, được UBND tỉnh phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ. Cụ thể, huyện Phú Giáo có 525 NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm, 3 NLĐ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ. Còn TX.Tân Uyên hỗ trợ cho 25 hộ kinh doanh bị tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

KIM HÀ

Chia sẻ
Tags
Phú Giáo