Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Chuyển đổi số đang là xu hướng được nhiều quốc gia quan tâm. Tại Việt Nam, mục tiêu chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: Xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số. Trong đó, xã hội số được hình thành từ những công dân số.
Theo “Cẩm nang Công dân số văn minh” do CFC Việt Nam biên soạn, một công dân kỹ thuật số hay công dân số là người có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để giao tiếp với người khác, tham gia vào các hoạt động xã hội, kinh doanh và chính trị trên nền tảng kỹ thuật số.
Hội thảo ISC 2023 được tổ chức bằng hình thức online, thu hút nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước tham gia
Công dân số là người có kỹ năng, kiến thức và có thể truy cập internet thông qua máy tính, điện thoại di động và các thiết bị kỹ thuật số khác để tương tác với cá nhân, tổ chức và cộng đồng.
Trong một thế giới số, công dân số có thể sử dụng các quyền công dân và thực hiện nghĩa vụ công dân của họ, am hiểu pháp luật và nắm được các quy định được phép hay cấm thực hiện. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai sử dụng internet cũng là công dân số.
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về đặc điểm để xác định một công dân số, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc IOC Bình Dương, cho biết một công dân số được mô tả là người đạt trình độ nhất định về công nghệ; hiểu được thực tế của thế giới ảo và văn hóa số; có khái niệm sâu rộng về internet. Bên cạnh đó, còn phải có trách nhiệm và đạo đức thông tin; hiểu biết về luật truyền thông số và cẩn trọng trong giao tiếp; tích cực với truyền thông xã hội đa phương tiện; nhận thức được sự tôn trọng quyền riêng tư trên mạng; ủng hộ việc tham gia xã hội một cách tự chủ.
Một công dân số văn minh có đầy đủ đặc điểm của một công dân số và cũng có các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức, hành vi của con người trong môi trường số. Bộ quy tắc chung của một công dân số văn minh bao gồm các tiêu chí: Ứng xử văn minh trên mạng; sống thật trên mạng; phòng tránh cạm bẫy trên mạng.
Các đại biểu, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và sinh viên ưu tú chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo ISC 2023 do Phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế trường Đại học Bình Dương tổ chức
Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP.Hồ Chí Minh năm 2020, PGS-TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, cho biết theo dự báo của tổ chức McKinsey công bố năm 2018-2030, có 70% công ty khắp thế giới sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo và GDP toàn cầu sẽ tăng 13.000 tỷ USD. Đến năm 2030, tỷ lệ tự động hóa đối với tất cả các công việc ở Hoa Kỳ sẽ là 38%, ở Nhật Bản là 24% và ở Hàn Quốc là 22% và trung bình ở các nước thuộc OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) sẽ là 14%. Điều này có nghĩa là nhiều việc làm sẽ được tự động hóa, robot hóa, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng.
Nhằm giúp các sinh viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của số hóa và trí tuệ nhân tạo trong tương lai, Phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế trường Đại học Bình Dương đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “The International Scientific Conference 2023 - ISC 2023”. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức online, thu hút nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước tham gia.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 3 bài diễn thuyết đến từ khách mời, 8 bài tham luận được trình bày bởi các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và sinh viên ưu tú có bài tham luận hội thảo.
Theo ông Vũ Đức Quý, Phụ trách Phòng Quản lý khoa học và quan hệ đối ngoại trường Đại học Bình Dương, Hội thảo ISC 2023 là cơ hội để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của số hóa và trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Qua đó, giúp chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu để nâng cao năng lực học thuật và nghiên cứu khoa học, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước và thế giới.
MINH HIẾU