Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đối với con em công nhân lao động (CNLĐ) nghèo, xa quê, để được đến trường là điều vô cùng khó khăn. Trước trăn trở đó, tỉnh Bình Dương và Công đoàn cơ sở (CĐCS) các công ty, chủ doanh nghiệp (DN) đã có những chính sách, hoạt động chăm lo để “chắp cánh”, giúp con em họ được đến trường; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhân tài cho tỉnh nhà nói riêng, đất nước nói chung.
Ban Giám đốc và cán bộ CĐCS Công ty TNHH K.J VINA (TX.Thuận An) trao học bổng cho HS là con em CNLĐ đang làm việc tại công ty. Ảnh: T.LÝ
Con cố gắng học giỏi để có học bổng
Đó là tâm sự mộc mạc của tất cả con em CNLĐ khó khăn được Công ty TNHH K.J VINA (TX.Thuận An) trao tặng học bổng. Chương trình tặng học bổng cho con em CNLĐ khó khăn, vươn lên trong học tập trong công ty được hình thành từ năm 2012 đến nay. Mỗi năm, công đoàn công ty trích số tiền khoản 100 triệu đồng tặng học bổng cho các em. Mỗi suất học bổng có giá trị từ 400.000- 800.000 đồng, tùy thuộc vào lớp học, học lực của các em. Chị Trần Thị Lanh, CN công ty có con được nhận học bổng cho biết, con chị năm nay học lớp 7. Trước đây đến ngày tựu trường, chị phải lo lắng tiền học, sách vở, quần áo cho con. 3 năm nay, con chị được công ty trao tặng học bổng trị giá 500.000 - 600.000 đồng, số tiền đủ để mua quần áo, sách vở cho con đến lớp. “Thấy con học giỏi và nhận được sự quan tâm của công ty, bản thân tôi rất vui. Từ đó, tôi và các bạn CNLĐ nhắc nhở nhau làm việc cho xứng đáng với sự quan tâm này”.
Chương trình hỗ trợ con em CNLĐ đến trường tại Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (TX. Thuận An) ra đời hơn 10 năm nay. Mỗi năm, chuẩn bị cho ngày khai giảng, công ty thông báo xuống các xưởng để CNLĐ biết. Con em CNLĐ có học lực từ khá trở lên sẽ đăng ký với công đoàn và nhận những suất học bổng gồm tiền, tập, cặp sách, quần áo… Ngoài ra, vào dịp Tết Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, công ty còn tổ chức ngày hội cho con em CNLĐ với các hoạt động thiết thực. Anh Phan Khắc Thành, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết ngoài chăm lo đời sống cho CNLĐ, công ty còn chú trọng đến thế hệ con em của họ. Những hoạt động đó đã đưa vào thỏa ước lao động giữa công ty và người lao động (NLĐ) nên hàng năm công ty đều phải thực hiện. Đây cũng là cách giúp công ty giữ chân NLĐ.
Ngoài việc tặng học bổng, tổ chức sân chơi cho con em CNLĐ, CĐCS các công ty còn đưa các em đến tham quan nơi làm việc của ba mẹ, anh chị mình. Thấy cảnh làm việc, hiểu được đồng tiền ba mẹ làm ra vất vả, các em càng ý thức hơn trong học tập, hoàn thiện nhân cách sống. “Trước đây, em không biết ba mẹ làm ra được đồng tiền vất vả nên tiêu tiền phung phí, mặt khác lại lười biếng học tập. Được đến nơi làm việc của ba mẹ, cảm nhận sự vất vả, em càng thương ba mẹ và cố gắng học tốt để mai sau phụng dưỡng ba mẹ”, em Nguyễn Chánh Hùng, con CN đang làm việc tại Công ty TNHH Greatree Industrial (phường An Phú, TX.Thuận An) nói.
Nỗ lực vun đắp “mầm non”
Trao đổi với chúng tôi về việc các DN tạo điều kiện cho con em CNLĐ đến trường, chị Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn KCN VSIP, cho biết trong KCN có nhiều DN thực hiện việc chăm lo cho thế hệ mai sau của NLĐ. Hoạt động thiết thực này tạo niềm vui cho NLĐ. Nhiều con em CNLĐ khi thấy các bạn được nhận học bổng cũng đã cố gắng học giỏi để năm sau được nhận. Nhiều em ham học nhưng gia đình khó khăn đã cố gắng học thật giỏi để mỗi năm đều được nhận học bổng, đỡ phần nào lo toan cho ba mẹ mùa tựu trường. Với hoạt động thiết thực đó, Công đoàn KCN VSIP cũng đã khuyến khích, động viên các DN tích cực chăm lo, tặng học bổng cho con em CNLĐ.
Ngoài việc chủ động của các DN, CĐCS, UBND tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng trường lớp phục vụ nhu cầu học tập cho con em CNLĐ ngoại tỉnh. Trong những năm qua, tỷ lệ gia tăng dân số cơ học khá cao (chủ yếu do số lao động nhập cư lớn) đã gây áp lực đối với vấn đề xây dựng cơ sở vật chất trường học. Theo thống kê, số học sinh (HS) hàng năm tăng nhanh: Năm 2011-2012 tăng 14.000 HS; năm học 2012-2013 tăng 22.000 HS; năm học 2013- 2014 tăng 25.000 HS, chủ yếu ở mầm non và tiểu học, tập trung ở các khu, cụm công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư. Do đó, nhu cầu chi đầu tư cho giáo dục để đáp ứng yêu cầu học tập cho HS hiện tại và tăng hàng năm là hết sức bức xúc.
Theo ông Trần Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chăm lo cho giáo dục, hàng năm tỉnh đã bố trí khoảng 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc vốn ngân sách tỉnh cùng với việc huy động từ các nguồn lực xã hội để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục xây dựng trường học. Ngoài ra, tỉnh cũng bố trí quỹ đất và vốn đầu tư hợp lý để phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới trường mầm mon và tiểu học đáp ứng yêu cầu cấp bách của 3 đô thị: TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An. Đây là những nơi tập trung lực lượng lao động đông của các tỉnh, thành đến làm việc trên địa bàn tỉnh nên góp phần giải quyết một phần nơi học tập cho con em NLĐ. Bên cạnh đó, tỉnh còn đưa ra chính sách miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho HS nghèo là con em NLĐ thuộc dạng nghèo.
Với sự quan tâm của tỉnh, DN, CĐCS, những HS khó khăn, đam mê học tập như được “chắp” thêm “cánh” để chinh phục ước mơ tri thức của mình. Đó cũng là tín hiệu vui cho việc xây dựng đội ngũ lao động kế thừa có tri thức, năng lực, chuyên môn cho đất nước.
THIÊN LÝ