Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Nhằm góp phần nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ trong công tác giảng dạy và nghiên cứu cho giảng viên, học viên, khoa Công nghiệp văn hóa, trường Đại học Thủ Dầu Một đã phối hợp với Vietnam Tourism Research (Mạng lưới nghiên cứu du lịch Việt Nam) tổ chức buổi trao đổi chuyên đề “Chat GPT trong nghiên cứu định tính”. Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều giảng viên, học viên đến từ các trường đại học thuộc khu vực phía Nam.
Tiến sĩ Lương Hà trao đổi, chia sẻ ứng dụng của Chat GPT trên Google Sheet trong nghiên cứu định tính
Thời gian qua, sự xuất hiện của ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer), một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển đã làm giới công nghệ quan tâm dùng thử. Điểm đặc biệt của công cụ này là có kho kiến thức mà ChatGPT đã học được trong một thời gian dài để hoàn thiện.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và thực hiện các đề tài, dự án về du lịch, tiến sĩ Lương Hà, giảng viên trường Kinh doanh IÉSEG (Pháp) đã giới thiệu và trình bày các ứng dụng của Chat GPT trên Google Sheet trong nghiên cứu định tính đối với các công trình nghiên cứu nói chung, về lĩnh vực du lịch nói riêng.
Diễn giả Lương Hà cho biết, Chat GPT là một mô hình máy học dựa trên mạng neural, được huấn luyện trước để sinh ra các đoạn văn bản tự động. Nó được xây dựng bởi OpenAI và là một trong những mô hình truyền thông NLP (Natural Language Processing - Xử lý ngôn ngữ tự nhiên) phổ biến nhất hiện nay. Chat GPT có thể được sử dụng để tạo ra các phản hồi tự động trong các ứng dụng chatbot, hỗ trợ khách hàng, hỏi đáp và nhiều ứng dụng khác trong lĩnh vực NLP.
TS. Trần Cẩm Thi, Trưởng khoa Công nghiệp văn hóa tặng quà lưu niệm cho TS. Lương Hà
Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, Chat GPT hiện nay đóng một vai trò quan trọng trong hỗ trợ nghiên cứu với nhiều ưu điểm do có khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu văn bản và trích xuất thông tin. Từ đó, giúp tiết kiệm thời gian so với việc tính toán thủ công.
Nhằm cung cấp cái nhìn chi tiết về cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra mô hình nghiên cứu, phân tích dữ liệu và trả lời các câu hỏi nghiên cứu một cách hiệu quả, diễn giả đã chia sẻ ứng dụng ChatGPT trong việc “coding” các chủ đề từ kết quả phỏng vấn cũng như việc phân tích các nguồn dữ liệu khác.
Tuy nhiên, diễn giả cũng đã nhấn mạnh, ChatGPT chỉ là một công cụ hỗ trợ cho việc phân tích dữ liệu định tính, nó không thể thay thế vai trò phân tích dữ liệu của con người, đặc biệt trong một số giai đoạn nhất định của nghiên cứu, ví dụ như tổng quan tài liệu (literature review), các nhà nghiên cần phải đích thân thực hiện...
Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm tham gia của toàn thể cán bộ - giảng viên khoa Công nghiệp văn hóa, trường Đại học Thủ Dầu Một và các nghiên cứu sinh đến từ các trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Hiến, ĐH Văn Lang, ĐH Lạc Hồng, ĐH Quốc tế Miền Đông.
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều giảng viên, học viên đến từ các trường đại học khu vực phía Nam
Trong khuôn khổ tọa đàm, TS. Lương Hà đã dành thời gian giải đáp thắc mắc của giảng viên, học viên về cách sử dụng ChatGPT trong việc hỗ trợ phân tích dự liệu có phải là đạo văn không, các công cụ khác trong phân tích định tính, Chat GPT phiên bản miễn phí và phiên bản có phí (ChatGPT addon) có những chức năng gì khác nhau,…
Theo TS. Trần Cẩm Thi, Trưởng khoa Công nghiệp văn hóa, trường Đại học Thủ Dầu Một, ChatGPT hiện nay đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hỗ trợ nghiên cứu với nhiều ưu điểm đáng chú ý do có khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu văn bản và trích xuất thông tin quan trọng. Từ đó, giúp tiết kiệm thời gian so với việc tìm kiếm thủ công. Buổi tọa đàm giới thiệu và khám phá ứng dụng của ChatGPT trên Google Sheet trong lĩnh vực nghiên cứu định tính. Bên cạnh đó, tọa đàm cũng cung cấp một cái nhìn chi tiết về cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ này để tạo ra mô hình nghiên cứu, phân tích dữ liệu và trả lời các câu hỏi nghiên cứu một cách hiệu quả.
Hy vọng rằng tất cả giảng viên, nhà nghiên cứu sẽ có những cập nhật mới nhất về cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu định tính...
MINH HIẾU