Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
“Ta muốn đốt tim ta thành ngọn nến/ Cháy đến kiệt cùng giọt sáp long lanh!”, một câu thơ mà tôi đã từng đọc được ở đâu đó cứ vang lên mãi trong đầu kể từ khi tôi được gặp, nói chuyện với bà và vô cùng ngưỡng mộ trước những việc mà bà đã học tập và làm theo Bác trong suốt những tháng năm qua. Đã ở vào tuổi 86, bao vất vả, thăng trầm bà từng nếm trải cả, nhưng ngọn lửa nhiệt tình và trái tim yêu thương với mọi người, với cuộc đời vẫn cứ luôn bừng cháy trong bà. Bà là Cao Huỳnh Mai, Tổ trưởng Tổ dân phố 3, khu phố Thống Nhất, phường Dĩ An, TX.Dĩ An.
Bà Mai thường nâng niu và ngắm chân dung của Bác Hồ mỗi khi nhớ về những lần được vinh dự gặp Bác. Ảnh: N.THANH
Những lần gặp Bác mãi không quên
Trong cái nắng gay gắt của một buổi trưa hè, anh chủ một tiệm tạp hóa ở khu phố Thống Nhất, phường Dĩ An, bỏ cả khách, nhiệt tình dẫn tôi vào đến tận nhà “bác Mai”. Đó là cái tên bà con ở đây thân mật gọi bà, nó đã gắn bó suốt những năm tháng qua, khi bà dành hết tâm huyết cho công việc của người tổ trưởng tổ dân phố. Dù đã 86 tuổi, nhưng bà vẫn đi đứng nhanh nhẹn, khỏe mạnh không thua một cô thiếu nữ nào! Bà Mai sinh năm 1929 trong một gia đình cách mạng tại Cà Mau. 17 tuổi bà đã thoát ly gia đình đi làm cách mạng. Bà làm quân báo tại Quân khu 9. Từ năm 1947-1950, bà là quân dân y phục vụ tại bệnh viện Quân khu 9.
Năm 1954, bà cùng đoàn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc và được đưa về làm y tá tại bệnh viện tỉnh Thanh Hóa nhằm hỗ trợ quân dân y miền Bắc cứu chữa thương bệnh binh. Đây là thời gian ấn tượng và nhớ mãi trong cuộc đời của bà Mai. Bởi tại đây, bà đã vinh dự được gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm cán bộ công nhân viên miền Nam ra tập kết. Bà xúc động kể: “Từ khi gặp Bác, tôi càng cố gắng phấn đấu nhiều hơn. Bác là một lãnh tụ nhưng rất giản dị, hiền từ. Đó là mùa đông năm 1954. Bác hỏi tôi: Cháu ở trong đó ra, rét như thế này có chịu đựng được không? Tôi thưa: Dạ thưa Bác, lúc đầu cháu chưa quen nhưng bây giờ thì quen rồi, cháu chịu được ạ! Bác gật đầu động viên: Cháu cố gắng lên nhé! Chỉ giây phút ngắn ngủi nhưng đối với tôi, giây phút đó thật thiêng liêng và tôi mãi tự hào, khắc ghi cho đến lúc chết…”.
Sau này, dù không được trực tiếp nói chuyện với Bác nhưng bà Mai cũng từng rất nhiều lần được nhìn thấy Bác. Đó là vào năm 1960, khi bà được chuyển ra Tổng cục Đường sắt, làm việc tại nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội. Nhà máy này nằm sát với sân bay Gia Lâm. Nhiều lần Bác ra sân bay đón các đoàn khách. Mỗi lần nghe tin Bác ra, cán bộ công nhân viên nhà máy, trong đó có bà, đều chạy ra đứng trên lề đường nhìn Bác từ xa, thấy Bác khỏe mạnh, ai cũng rất vui và phấn khởi. Bà bảo, những kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ luôn đi theo bà đến suốt cuộc đời, là động lực để bà học tập và phấn đấu cho đến tận bây giờ.
Báo ân cuộc đời
Năm 1975, đất nước thống nhất, bà được chuyển về công tác tại Nhà máy toa xe Dĩ An với nhiệm vụ mới là Trưởng phòng y tế của nhà máy. Tại đây, với sự nhiệt huyết trong công việc, năm nào bà Mai cũng đạt danh hiệu xuất sắc của đơn vị. Năm 1985, bà về hưu. Với những đóng góp tích cực của mình, bà Mai cũng đã vinh dự được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy chương Chiến thắng hạng nhì và nhiều danh hiệu chiến sĩ vẻ vang, huy chương vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, vì sự nghiệp chữ thập đỏ… Nghỉ hưu rồi, bà định nghỉ ngơi, không làm gì nữa, nhưng dường như chất “lính Cụ Hồ” và sự tín nhiệm, thương yêu của người dân tại địa phương khiến bà lại tự nguyện “vác tù và hàng tổng” với nhiệm vụ mới - Tổ trưởng tổ dân phố.
“Từ khi gặp Bác, tôi càng cố gắng phấn đấu nhiều hơn. Bác là một lãnh tụ nhưng rất giản dị, hiền từ. Đó là mùa đông năm 1954. Bác hỏi tôi: Cháu ở trong đó ra, rét như thế này có chịu đựng được không? Tôi thưa: Dạ thưa Bác, lúc đầu cháu chưa quen nhưng bây giờ thì quen rồi. Cháu chịu được ạ! Bác gật đầu động viên: Cháu cố gắng lên nhé! Chỉ là một giây phút ngắn ngủi nhưng đối với tôi, giây phút đó thật thiêng liêng và tôi mãi tự hào, khắc ghi cho đến lúc chết…”. (Bà Cao Huỳnh Mai) |
Việc gì bà cũng làm và làm rất nhiệt tình. Từ tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng hội phụ nữ, tham gia công tác mặt trận, chi hội phó chi hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh… Tuy đã quá cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng bà lúc nào cũng lạc quan yêu đời, nói năng hòa nhã với mọi người, mọi tầng lớp. Trước đây, khi còn khỏe thì bà tự chạy xe đạp đi. Bây giờ có tuổi tuổi rồi, không đạp được xe, mỗi lần đi xa bà nhờ con cháu chở đi. Nếu con cháu bận thì bà tự đón xe buýt đi, rồi lại đón xe buýt về. Trong những chuyến đi làm từ thiện bà luôn là người nhiều tuổi nhất. Mọi người ai cũng quan tâm lo ngại cho sức khỏe của bà, vậy mà bà chẳng biết mệt nhọc là gì. Sau mỗi chuyến đi, mọi người ai cũng bái phục bà sát đất.
Những ồn ào rồi cũng qua đi, khi bà được trở về nhà với con cháu. Sự ríu rít của đứa cháu gọi bà bằng cố giúp bà vơi đi tất cả những mệt nhọc trong công việc. Khi được hỏi, bí quyết nào mà dù tuổi đã rất cao, bà vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn và một tinh thần minh mẫn như vậy, bà bảo: “Chẳng có bí quyết gì cả, tôi chỉ luôn sống với một một tinh thần thật lạc quan, thoải mái. Mà muốn vậy thì phải để trôi đi hết mọi tị hiềm trong lòng”. Bây giờ trong phòng bà Mai, huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen rất nhiều và luôn được bà trân trọng và gìn giữ cẩn thận. Bà cũng được Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế, chữ thập đỏ tặng bằng khen vì những đóng góp cho xã hội. Bà bảo, những việc bà làm không phải để được khen thưởng mà chỉ là tâm nguyện suốt đời học tập, làm theo Bác, là mong muốn báo ân cuộc đời. Để có cuộc sống ấm no, hòa bình ngày hôm nay, biết bao người con ưu tú của đất nước, trong đó có những đồng chí, đồng đội, người thân của bà đã phải ngã xuống. “Đóng góp chút sức lực nhỏ bé này thì có thấm là bao…”, bà Mai nói.
NGỌC THANH