Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Tôi thường ghét nhân vật nữ chính khi coi phim, đọc truyện. Đó là những nàng èo uột, cứng đơ cảm xúc và luôn được nhiều anh chàng đem lòng yêu. Nàng chẳng làm gì cả. Liệng qua liệng lại, hiền và cười. Tính cách của nàng là do một dì ghẻ hắc ám, một người cha nát rượu, một lũ bạn ganh ghét vẻ đẹp (hay cái gì đó của nàng) tạo nên… Nàng cũng là kẻ chuyên gây rắc rối cho người khác phải điên đầu lên và chạy đi tìm kiếm. Có khi, nàng là nguyên nhân của một mớ những bất hòa cho những người xung quanh còn mình thì thản nhiên… bệnh! Một thứ bệnh nan y nào đó để những người thân thương, nhất là người yêu phải thắt ruột thắt gan vì lo, vì buồn.
Những cô gái thứ ba thì sao? Họ yêu đơn phương. Nhưng họ mạnh mẽ. Họ muốn có tình yêu và thể hiện tình yêu. Đương nhiên họ bị ghét. Lên án kết tội tùm lum. Tính cách của họ tự họ làm nên. Không dựa vào một dì ghẻ hắc ám, một người cha nát rượu, một lũ bạn ganh ghét… Có người may mắn thì được yêu theo kiểu tàm tạm (là chấp nhận làm người lấp vào chỗ trống khi nhân vật chính đi lấy chồng hay… chết chẳng hạn, vì bệnh). Người không may thì bị người yêu đuổi thẳng cẳng, không thương tiếc. Họ sẽ trở về hoang hoải nhưng không buồn bởi đã chiến đấu đến cùng. Xiêm áo còn nguyên và họ sẽ tiếp tục yêu người khác…
Tôi ghét nữ nhân vật chính vì mình từng là người như thế. Nhẹ nhàng, trong suốt và chỉ biết âm thầm yêu thương. Anh ở đầu làng. Tôi sống cuối làng. Từ nhà anh đến nhà tôi có vô số cô gái là người thứ ba. Chung một con sông. Nhà anh gần bến Thượng nhưng chiều nào cũng kiếm cớ đi loanh quanh ngoài đồng ruộng để ghé bến Hạ gần nhà tôi tắm táp. Sông quê xưa trong xanh, mát rượi. Chiều chiều các chàng trai cởi trần vâm vuốc, gái làng mặc yếm lụa, quần đen vừa tắm vừa liếc nhìn nhau. Luôn luôn cái liếc mắt của anh dành về phía tôi và cả hai sung sướng đến run người khi ánh mắt chạm nhau. Tôi nhớ hoài ánh mắt ấy.
Tôi nhớ, nhớ đến khủng khiếp. Nhưng như những nhân vật nữ chính khác, chỉ biết hấc hấc cái mặt lên mà chờ đợi. Chờ đợi mẹ anh mang cau trầu sang nhà tôi. Chờ đợi mẹ tôi sẽ nói ừ, mẹ gả con cho nhà tử tế đó. Tôi chưa bao giờ để nỗi nhớ nói lên thành tiếng. Năm đó, ông ngoại tôi ở làng bên bị bệnh nặng. Mẹ tôi và mấy dì thay nhau trông nom. Một lần tôi thay mẹ trông ông. Anh lấy cớ đi cùng tôi khi tắm ở bến Hạ về. Ngang qua tôi, anh nói rất nhỏ: “Tối, anh đi thăm ông ngoại với em nhé!”. Tôi run đến khuỵu chân nhưng lại hỏi cắc cớ: “Ai mượn anh?”. Anh tiu nghĩu vượt lên đi trước một đoạn. Còn tôi thì ở nhà ông nhưng cả đêm cứ ngóng ra ngõ khi có tiếng chó sủa xa gần. Thầm trách giá như anh cứ đến. Đêm, tôi thức xuống bếp bẻ mấy nhánh củi nhỏ hâm lại nồi cháo cho ông. Nhớ, tôi lấy cây củi di di xuống nền nhà đất rồi viết tên anh đầy… bếp. Viết - xóa, viết - xóa cả đêm nên hôm sau, khi mẹ tôi thay ca cho tôi về đi học, bà càm ràm: “ Cha tổ con gà mái bươi bếp dữ quá”…
Mẹ anh cũng đi hỏi vợ cho anh nhưng là người thứ ba cách nhà tôi mấy xóm. Cô gái hớn hở đi khoe khắp bạn bè cùng lứa trong đó có tôi. Đau đến tận cùng, thẳm sâu. Trái tim nhói lên dữ dội như có ai bóp chặt vậy mà tôi vẫn giữ nét mặt nhợt nhạt của… Lâm Đại Ngọc - một nhân vật nữ chính trong Hồng Lâu Mộng để nói lời chúc mừng. Anh có đọc được tình yêu sau nỗi nhớ như gà bươi của tôi? Người ta ăn hỏi rộn ràng, tôi nằm khóc. Nhân vật nữ chính nhớ chịu không thấu nên một buổi hoàng hôn âm thầm cầm cái dây thừng đi ra khu nghĩa địa. Đang chuẩn bị quàng vô cổ thì anh xuất hiện và ôm lấy tôi. Em ơi, đừng dại. Sao em không như… người ta, không nói lời yêu thương ra miệng mình? Tôi khóc như mưa và lạ, tỉnh táo ra, thấy đủ đầy chỉ vì một cái ôm thật chặt. Vậy là hạnh phúc cho em rồi. Anh về làm chú rể đi…
Vẫn nhớ. Hồi đó còn thắp đèn dầu. Để khỏi bị gió lùa tắt, người ta nghĩ ra cách làm cái bóng đèn bằng thủy tinh để chụp lên. Tôi thì nghĩ ra cách lấy tờ giấy trắng hứng muội đen đèn dầu rồi lấy ngón tay viết tên anh lên đó. Khuya, không ngủ được cứ ngồi ngắm cái tên. Rồi tôi bệnh. Mẹ lo thắt lòng. Mấy tháng trời tôi nghe bước chân anh bồn chồn ngang ngõ nhà tôi hàng đêm. Hết bệnh, mới ngoài đôi mươi, tôi đăng ký đi kinh tế mới. Chiếc xe tải chở mấy gia đình lỉnh kỉnh giường tre, chiếu, nồi niêu, trẻ con, người lớn… Ngay khi tới vùng đất mới, bà con đãi chúng tôi bữa cơm trắng, lần đầu tiên tôi không phải ăn cơm độn.
Lăn lộn làm việc, tôi gầy dựng một cơ ngơi kha khá, một chức vụ kha khá ở một công ty nhà nước kha khá. Hôm trước, trưởng phòng nhân sự nói em làm thủ tục nghỉ hưu cho chị nhé. Tôi ừ, nghỉ thôi. Tôi ngồi trong phòng làm việc sang trọng của những ngày cuối cùng mà tổng kết đời mình. Cô gái quê - ánh mắt liếc nhìn sâu thẳm của anh - nụ hôn vội - cái ôm siết chặt và nỗi nhớ. Hết! Tuyệt nhiên không còn gì trong đầu. Trống rỗng dễ sợ. Người ta nói đàn ông trọng sự nghiệp. Đàn bà trọng tình cảm quả không sai. Nhưng chỉ nhớ thôi thì chẳng nên cơm nên cháo gì.
Anh giờ nghe kể đủ thứ bệnh. Vợ anh chắc cũng mệt mỏi khi phải chăm ông già gần sáu mươi. Con cái đều đi làm ăn xa. Lần này tôi không chỉ nhớ nữa. Lần này tôi đóng vai người thứ ba. Sẽ về quê. Sẽ đến nhà anh. Sẽ nói chị ơi cho em chăm anh một tay. Mấy chục năm qua em vẫn nhớ kinh khủng, cô đơn kinh khủng, buồn mênh mông buồn.
Chắc chị sẽ cho tôi đôi lần đến bệnh viện, chăm anh…
Truyện ngắn TRẦN QUỲNH NHƯ