| 15-06-2014 | 11:11:02

Chiêu lừa với iPhone

(BDO) Nắm bắt tâm lý người dân, đối tượng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn hòng chiếm đoạt tài sản những người nhẹ dạ. Đưa điện thoại iPhone ra “dụ” là một hình thức lừa đảo mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Những vở kịch “như thật” được trình diễn mà đạo diễn và diễn viên chính không ai khác là những kẻ lừa đảo…

Đang đi trên đường Đại lộ Bình Dương thì xe gần hết xăng, chị T.H ghé vào cây xăng tại vòng xoay Sân banh Gò Đậu, thuộc phường Phú Hòa (TP.TDM) để đổ xăng. Vừa trả tiền xong, đang định quay xe đi tiếp, chợt chị H. có cảm giác như ai đó thúc vào tay mình. Chị ngoảnh lại thì thấy một phụ nữ trạc trên 40 tuổi, dáng người luộm thuộm, khắc khổ. Người phụ nữ luống tuổi cầm xấp vé số mời mọc khách mua bằng giọng nói thành khẩn. Chị H. lắc đầu từ chối, định nổ máy xe đi thì người đàn bà lý nhí “Cô có biết cách tắt điện thoại iPhone không? Tắt dùm tôi với”. Nói rồi bà ta lấy chiếc iPhone 4 từ trong túi quần ra cho chị H. xem. Dù biết cách tắt nhưng thấy kiểu cách kỳ lạ, mờ ám của bà bán vé số, chị H. không khỏi sinh nghi nên nói “không biết tắt”.

 Người dân cần cảnh giác với chiêu lừa “tắt điện thoại iPhone” bắt đầu xuất hiện ở Bình Dương trong thời gian gần đây

Bà bán vé số với vẻ ngoài khốn khó nài nỉ chị H. đi lại vỉa hè để bớt ồn ào. Chị H. đi theo nhưng thấy có điều mờ ám bèn dò hỏi điện thoại iPhone trên có phải người đàn bà lấy cắp từ ai không? Bà này lắc đầu nói rằng “mới lượm được”. Rồi thị kể lượm được của một người đàn ông trong quán café lúc đi bán vé số. Nghe vậy, chị H, mượn điện thoại xem, trong lòng có ý định liên lạc với nạn nhân để tìm cách trả lại của rơi cho “khổ chủ”. Thấy vậy, bà này tỏ ý không bằng lòng nên lấy lại điện thoại và nói muốn đi bán lại. Thấy điện thoại còn mới, chị H. hỏi người đàn bà có chịu bán lại cho mình không thì bà ta đồng ý. Thỏa thuận giá 2.000.000 đồng, chị H. định trả tiền nhưng lại sợ điện thoại có vấn đề kỹ thuật nên ngỏ ý sẽ nhờ người kiểm tra hộ. Nói rồi chị H. cầm điện thoại mình gọi cho chồng đang ở gần đó đến. Tình huống bất ngờ này làm người đàn bà đối diện bối rối, thị tỏ ý lo lắng. Bà ta hỏi dồn chị H. người mà chị muốn gọi ra là ai? làm nghề gì? có quan hệ gì? Trong vòng chưa tới 5 phút, chồng chị H. xuất hiện. Bà bán vé số thấy người đàn ông đến thì vội giật lại điện thoại rồi bỏ đi không một lời giải thích.

Câu chuyện của chị H. không phải là duy nhất bởi thời gian gần đây dân mạng xôn xao vụ một cô gái đăng trên Facebook kể lại sự việc mình bị lừa tắt điện thoại Iphone như thế nào. Trường hợp khác, một nhân vật nữ cũng bị chuốc thuốc mê rồi bị khiêng lên taxi sau khi cầm điện thoại ngả giá hòng mua chiếc Smartphone này với giá rẻ. Thủ đoạn lừa đánh thuốc mê bằng điện thoại Iphone xuất hiện nhiều ở TP.HCM, gần đây lan rộng ra các tỉnh lân cận, trong đó có Bình Dương. Kẻ lừa đảo thường là nữ, giả danh làm những người dân nghèo khổ đi bán vé số, tăm bong... để tạo lòng tin và sự thương hại cho người đối diện. Nạn nhân mà bọn chúng hướng tới là phụ nữ ở tuổi thành niên hoặc trung niên, có vẻ ngoài tương đối khá về vật chất. Nắm tâm lý một số người ham rẻ, đối tượng sẽ dụ mua điện thoại “xịn” với giá “rẻ”. Hầu hết, nạn nhân trong những trường hợp như vậy đều khó thoát bẫy trước chiếc điện thoại nhãn hiệu quả táo mới cáu và giọng điệu đáng thương của kẻ gian. Nhiều người khi mua được còn cho thêm tiền vì thấy nhân vật quá tội nghiệp, và vì mình vừa kiếm được một món “hời” với giá rẻ. Thực tế, những chiếc iPhone được đem đi “chiêu dụ” nạn nhân đều là điện thoại “dỏm”, hoặc có chăng những chiếc iPhone cũ được nâng cấp, “độ” lại thành điện thoại đời sau với chiếc vỏ mới cáu cạnh.

Thủ đoạn “Nhờ tắt điện thoại” này đã được cảnh báo ở TP.HCM bởi cư dân mạng và lực lượng công an. Tuy nhiên, tại Bình Dương và nhiều tỉnh thành, vẫn còn rất nhiều con mồi hàng ngày vẫn đang sa bẫy bọn xấu. Mong rằng, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh vì một chút lòng tham dẫn đến trường hợp “Tiền mất tật mang”

TÂM TRANG

Chia sẻ