| 12-07-2023 | 15:12:50

Chính trường Thái Lan trước "giờ G": Ai sẽ trở thành Thủ tướng?

Ứng viên Thủ tướng của đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat.

Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Thái Lan để chọn một thủ tướng mới đã được ấn định vào ngày 13/7 và sự mọi quan tâm của người dân giờ đây đổ dồn vào việc đoán xem ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của đất nước.

Sau chiến thắng bất ngờ của đảng Tiến bước (MFP) trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5 vừa qua với việc giành được 151/500 ghế hạ viện, nhà lãnh đạo trẻ tuổi Pita Limjaroenrat đã trở thành ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc đua để trở thành thủ tướng.

Ông nhanh chóng liên kết với 7 đảng khác, bao gồm cả đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đứng vị trí thứ hai với 141 ghế, để lập ra một liên minh tiềm năng cho việc thành lập chính phủ sau này.

Với Hạ viện khóa mới đã khai mạc ngày 3/7 và sau đó bầu ông Wan Muhamad Noor Matha làm Chủ tịch Hạ viện, Quốc hội Thái Lan đã sẵn sàng cho cuộc bầu chọn thủ tướng.

Nhưng nếu quá trình bầu chọn chủ tịch Hạ viện đã diễn ra suôn sẻ bất chấp mâu thuẫn đến phút chót giữa đảng MFP và đảng Pheu Thai về vị trí người đứng đầu cơ quan lập pháp, thì cuộc bầu cử thủ tướng được dự báo sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Theo Hiến pháp Thái Lan, một ứng cử viên thủ tướng đắc cử sẽ phải nhận được ít nhất 376 phiếu bầu trong số 500 nghị sỹ và 250 thượng nghị sỹ.

Liên minh 8 đảng do đảng MFP lãnh đạo hiện kiểm soát 312 ghế hạ viện và như vậy sẽ cần sự ủng hộ của ít nhất 64 phiếu bầu từ các thượng nghị sỹ hoặc nghị sỹ bên ngoài để đảm bảo cho nhà lãnh đạo MFP Pita trở thành thủ tướng.

Tuy nhiên, việc có được 64 phiếu bầu không phải là điều dễ dàng. Cho đến thời điểm này, bản thân ông Pita cũng như liên minh của ông vẫn đang nỗ lực vận động và trông chờ vào sự ủng hộ của các nghị sĩ nằm ngoài liên minh cũng như các thượng nghị sỹ đã bày tỏ tôn trọng ý nguyện của số đông cử tri (và do đó sẽ bỏ phiếu cho ông Pita).

Nhưng trên thực tế, chính MFP cũng không chắc chắn liệu mình có nhận đủ phiếu bầu từ các thượng nghị sỹ vốn do chính quyền thân quân sự bổ nhiệm hay không, xuất phát từ quan điểm cấp tiến của đảng này liên quan đến cải cách quân đội và sửa đổi luật khi quân.

MFP giữ lập trường kiên quyết đối với việc thay đổi Mục 112 hoặc luật khi quân mà nhiều thượng nghị sĩ và ngay cả một số đảng trong số 8 đối tác trong liên minh tiềm năng phản đối.

Có thể thấy, chính sách tranh cử cấp tiến của MFP là điểm thu hút cử tri Thái Lan mong muốn sự thay đổi của đất nước sau 9 năm dưới sự lãnh đạo của các tướng lĩnh quân đội, song giờ đây quan điểm này cũng đang trở thành rào cản ngăn ông Pita trong hành trình trở thành người đứng đầu chính phủ.

Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Thái Lan để chọn một thủ tướng mới đã được ấn định vào ngày 13/7

Trong phát biểu ấn định lịch trình bầu thủ tướng vào các ngày 13, 19 và 20/7, tân Chủ tịch Hạ viện Wan Noor cho biết nếu ông Pita không nhận được đa số phiếu bầu từ lưỡng viện trong lần bỏ phiếu đầu tiên, ứng cử viên này có thể một lần nữa được đề cử.

Tuy vậy, ông Wan Noor thừa nhận rằng nếu những nỗ lực lặp đi lặp lại vẫn thất bại thì phải đưa ra các giải pháp tiếp theo vì chủ tịch Hạ viện không thể nhiều lần thúc đẩy cùng một ứng cử viên.

Với phương án này, việc thành lập liên minh có thể sẽ thay đổi nếu ông Pita không thể tập hợp đủ sự ủng hộ để đáp ứng ngưỡng 376 phiếu bầu sau vòng thứ hai. Trong trường hợp đó, giới quan sát đưa ra 2 kịch bản có thể xảy ra.

Ở kịch bản thứ nhất, đảng Pheu Thai có thể đề cử một trong 3 ứng cử viên thủ tướng của họ là ông Srettha Thavisin và một phiên họp chung của quốc hội có thể bỏ phiếu bầu ông Srettha làm thủ tướng.

Theo giới quan sát, dù cùng ở bên phe ủng hộ dân chủ, nhưng đảng Pheu Thai có lợi thế hơn MFP để giành được chức vụ thủ tướng vì đảng này phản đối việc sửa đổi luật khi quân.

Còn ở kịch bản thứ hai, đảng Pheu Thai sẽ dẫn đầu liên minh và bắt tay với các đối tác mới hoặc thậm chí thành lập một liên minh mới mà không có MFP.

Theo nhận định của Thượng nghị sỹ Somchai Sawaengkarn, mục tiêu của đảng Pheu Thai là tham gia chính phủ nên họ sẽ đàm phán để trở thành một phần của chính phủ liên minh tiếp theo.

Nếu có thể thay thế, đảng này có khả năng từ bỏ MFP và bắt tay với đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai) hiện có 71 ghế và thậm chí với đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân (PPRP) của Tướng Prawit Wongsuwon hiện có 40 ghế. Theo đó, ông Srettha có thể được bầu làm thủ tướng, trong khi MFP có thể bị đẩy sang phe đối lập.

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng không loại trừ một khả năng khác là các đảng trong chính phủ liên hiệp hiện tại có thể nỗ lực thành lập một liên minh thiểu số với tổng cộng 188 ghế.

Theo kịch bản này, Tướng Prawit sẽ được đề cử làm ứng cử viên thủ tướng của khối và quá trình lựa chọn thủ tướng có thể sẽ kết thúc trong một vòng bỏ phiếu duy nhất vì Tướng Prawit có mối quan hệ chặt chẽ với các thượng nghị sỹ.

Tuy nhiên, trong các tuyên bố mới nhất, đảng Bhumjaithai và đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) đều lên tiếng phản đối thành lập chính phủ thiểu số với lý do chính phủ thiểu số sẽ không tồn tại lâu dài và không giúp ích gì cho đất nước hiện nay.

Trong trường hợp quốc hội không chọn được thủ tướng mới từ danh sách ứng cử viên do các đảng đưa ra, Mục 272 của Hiến pháp cho phép một nửa trong số 750 nghị sỹ và thượng nghị sỹ khởi xướng đề nghị đình chỉ quy tắc yêu cầu các ứng cử viên thủ tướng phải nằm trong danh sách đảng.

Khi đó, đề nghị này sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội và cần được 2/3 tổng số nhà lập pháp, tương đương với 500 nghị sỹ, ủng hộ. Một chính khách nằm ngoài danh sách ứng cử viên được đề cử cũng cần ít nhất 376 phiếu bầu để trở thành thủ tướng.

Có thể nói, 2 tháng sau cuộc tổng tuyển cử, hơn bao giờ hết, cử tri Thái Lan cũng như giới doanh nghiệp xứ Chùa Vàng mong muốn chính phủ mới nhanh chóng được thành lập để xử lý những vấn đề cấp bách, bao gồm nhiệm vụ trước mắt là thông qua dự luật ngân sách tài khóa 2024 và khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư.

Một sự ổn định chính trị rõ ràng sẽ là chìa khoá giúp Thái Lan có thể tập trung vào thiết lập và thực hiện các mục tiêu dài hạn để phát triển mạnh mẽ trở lại./.

Theo TTXVN

Chia sẻ