Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Gần đây, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò xuất hiện và lây lan tại nhiều tỉnh. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp bệnh VDNC trên trâu bò, tuy nhiên trước tình hình này, ngành chức năng Bình Dương đã và đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.
Chăn nuôi bò theo hướng tập trung là một trong những giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong ảnh: Mô hình nuôi bò sinh sản, bò thịt ở trang trại bò Bình Minh (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo)
Không lơ là, chủ quan
Là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu bò, không gây bệnh trên người, đường truyền lây qua côn trùng đốt. Bệnh cũng có thể lây truyền qua vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh; sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Dịch bệnh xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh, gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%.
Triệu chứng chính của bệnh, bao gồm: Sốt cao (có thể trên 41 độ C), bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2 - 5cm, đặc biệt là vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao, các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử, vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh VDNC trên trâu, bò tại Việt Nam xuất hiện lần đầu vào tháng 10-2020. Đến cuối tháng 5-2021, dịch bệnh đã xảy ra tại hơn 2.300 xã của 32 tỉnh, thành với tổng số hơn 60.100 con gia súc mắc bệnh, hơn 9.000 con chết và bị tiêu hủy. Hiện nay, cả nước có hơn 1.400 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại hơn 200 huyện của 27 tỉnh, thành với hơn 48.600 con gia súc mắc bệnh, hơn 7.000 con chết và bị tiêu hủy... Dự báo thời gian tới, dịch bệnh VDNC sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi, mùa phát triển của các loại véc-tơ truyền bệnh, như: Ruồi, muỗi, ve, mòng…
Tăng cường giám sát, kiểm tra
Ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo, cho biết dù trên địa bàn huyện chưa có bệnh VDNC trên trâu bò, nhưng để chủ động ngăn chặn dịch bệnh, lực lượng thú y huyện tăng cường bám địa bàn; rà soát thống kê toàn bộ các hộ chăn nuôi trâu bò để triển khai tiêm phòng theo kế hoạch. Đồng thời, trạm chỉ đạo các xã chủ động triển khai phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi; khuyến cáo các hộ phun thêm hóa chất diệt ruồi, muỗi, ve, mòng… để hạn chế vật trung gian truyền bệnh; tập trung chăm sóc, bổ sung thêm thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho trâu, bò.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết trên toàn tỉnh hiện có tổng đàn trâu, bò hơn 23.000 con. Trước tình hình trên, chi cục đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị, thành phố rà soát, thống kê số lượng trâu, bò tại địa phương, xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò bảo đảm hiệu quả. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai các biện pháp quyết liệt phòng chống, kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào địa phương và kiểm tra lâm sàng tại các cơ sở giết mổ gia súc. Mặt khác, thông tin, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve… tại khu vực chăn nuôi. Chủ động kiểm tra, phát hiện các trường hợp trâu, bò mắc bệnh và kịp thời tổ chức tiêm vắc xin VDNC theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
THOẠI PHƯƠNG