| 05-05-2014 | 00:00:00

Chủ động phòng chống dịch bệnh!

Năm 2014, hơn 4 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp. Sau nhiều năm ổn định, năm nay bệnh sởi bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, làm cho trên 130 người tử vong. Bệnh này vừa lắng dịu thì bệnh thủy đậu, tay - chân - miệng (TCM) đang có chiều hướng bùng phát. Đáng lưu ý, năm 2011, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành có dịch TCM bùng phát.

Bệnh TCM thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, do đó, thời gian tới, vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch TCM. Theo thống kê của ngành y tế, từ đầu năm đến nay cả nước có trên 17.400 trường hợp bệnh TCM, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng và nổi bóng nước… bệnh này nguy hiểm vì lây qua đường tiêu hóa. Khoảng 90 - 95% trẻ mắc bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể xảy ra biến chứng đe dọa đến tính mạng của trẻ, điển hình là viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh…

Trước tình hình bệnh TCM có thể bùng phát trong thời gian tới, mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo sở y tế các địa phương tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe trong nhân dân, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt. Do bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em nên ngành y tế cần phối hợp tốt với ngành giáo dục - đào tạo để tuyên truyền trong nhà trường, đặc biệt là nhà trẻ, trường mẫu giáo. Các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát bệnh.

Bình Dương gần TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, những nơi đang có số trường hợp mắc bệnh TCM tăng cao. Do đó, Sở Y tế, Sở GD-ĐT cũng đã kịp thời có những văn bản chỉ đạo cơ sở tăng cường công tác phòng chống bệnh. Bình Dương đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh TCM. Bộ Y tế cũng đã từng đánh giá cao tình hình phòng, chống dịch bệnh TCM trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, việc phòng chống dịch bệnh không thể chủ quan. Thực tế, trong đợt dịch năm 2011, tính đến cuối tháng 10, trên địa bàn tỉnh đã có gần 10 trường hợp tử vong trong số gần 2.300 ca bệnh. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tuy bệnh TCM nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được. Hơn ai hết, các bậc cha mẹ và cô giáo nhà trẻ, mẫu giáo nên tuân thủ các biện pháp phòng bệnh để bảo đảm sức khỏe, sự an toàn cho con em. Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà bông. Thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ mút tay, ngậm mút đồ chơi. Theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Trong thời điểm hiện tại, việc phòng chống dịch bệnh TCM là công tác trọng tâm không chỉ của ngành y tế, cần tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân nhận biết về bệnh TCM cũng như cách hạn chế lây lan bằng cách giữ vệ sinh thường xuyên cho trẻ, cho trẻ ăn uống đủ dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng…

DÂN THƯỜNG

Chia sẻ