Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Trước thông tin cơn bão số 3 (Yagi) đang có xu hướng mạnh dần lên thành siêu bão, khi đổ bộ vào đất liền sẽ gây mưa to đến rất to, trong mưa có dông lốc, sấm sét gây nguy hiểm, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã khẩn trương triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra nếu có để bảo vệ an toàn tài sản, sức khỏe và tính mạng người dân.
Nhiều hộ dân chủ động chặt bỏ cây để đề phòng các sự cố xảy ra khi siêu bão Yagi tiến sâu vào đất liền. Trong ảnh: Một hộ kinh doanh ở Khu dân cư Chánh Nghĩa, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một chủ động chặt bỏ cây sát đường dây điện
Sáng 6-9, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tuyến, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Bình Dương cho biết, đài thường xuyên cập nhật tình hình, theo dõi sát diễn biến, đường đi của bão Yagi để có những thông báo cụ thể liên quan. Do ảnh hưởng của bão Yagi, thời tiết tỉnh Bình Dương trong sáng và trưa nay trời nắng, chiều và tối có mưa, nhiều nơi có dông lốc, xảy ra mưa to và rất to. Người dân cần đặc chú ý thực hiện các biện pháp đề phòng trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh để tránh các sự cố, tai nạn liên quan…
Trước đó, vào chiều ngày 5-9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chuyển tiếp các bản tin cảnh báo mưa, dông hàng ngày đến Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó.
Trong sáng nay, Công ty Công trình đô thị Bình Dương đã tiến hành mé nhánh cây đề phòng nguy cơ gãy đổ do mưa lớn, dông lốc do ảnh hưởng của bão Yagi
Để chủ động phòng, chống thiên tai khi bão Yagi đổ bộ vào đất liền, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn triển khai phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Ban Chỉ huy yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo về mưa lớn, dông lốc; thông tin kịp thời đến Ban Chỉ huy các xã, phường, thị trấn, người dân để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người và tài sản; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời khi xảy ra thiên tai và nhanh chóng thực hiện thủ tục, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nếu có để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của mùa mưa, bão lũ những tháng cuối năm 2024, đặc biệt là ảnh hưởng của bão Yagi, để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ do ảnh hưởng của bão, đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất về tài sản cho người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập, sinh hoạt, đi lại của người dân trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các đồng chí Tỉnh ủy viên, đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau: Chủ động theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa lũ do ảnh hưởng của bão, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân; căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương, chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão và mưa lũ do ảnh hưởng của bão, trong đó triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị, khu dân cư và khu công nghiệp.
Công ty Điện lực Bình Dương cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tại các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, khẩn trương xử lý các vị trí trọng yếu có nguy cơ gây mất an toàn do ảnh hưởng của siêu bão Yagi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, kịp thời có phương án chống gãy, đổ cây xanh trên các tuyến đường giao thông, khu vực công cộng, dân cư, trường học, cơ quan, đơn vị; thường xuyên khơi thông dòng chảy tại sông, suối, kênh rạch, miệng thu nước trên các tuyến đường, trong các khu dân cư, đô thị để tăng khả năng tiêu, thoát nước khi xảy ra mưa, bão; chỉ đạo các đơn vị điện lực, viễn thông trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác giằng, néo các trụ điện, trụ viễn thông, bó gọn dây điện, cáp viễn thông, thực hiện thay thế ngay các trụ yếu, có khả năng gãy đổ khi xảy ra mưa bão.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian mưa lũ lớn, gió giật mạnh để đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực ngập sâu, nước chảy siết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả mưa bão nếu xảy ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Đảng ủy Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó tình hình mưa, bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai công tác phòng, chống bão, mưa lũ do ảnh hưởng của bão theo quy định…
Minh Duy