| 08-04-2014 | 00:00:00

Chung một cội nguồn

 “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3”. Những ai là con dân của nước Việt thân yêu đều thuộc nằm lòng câu ca dao này. Nhớ về quê cha đất tổ, dù ai đi đâu, ở đâu, cứ vào ngày mùng 10 tháng 3, nhiều người lại tụ hội về vùng đất tổ, về đền Hùng để thắp nén hương tưởng nhớ các vua Hùng, những người đã có công dựng nước.

  Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, ngày 18- 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 22/SL-CTN công nhận ngày giỗ tổ Hùng Vương hàng năm. Trong lần về thăm đền Hùng vào ngày 19-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ “các vua Hùng đã có công dựng nước, nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ngày 2-4-2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10-3 âm lịch). Ngày 10-3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày quốc lễ. Với những ý nghĩa to lớn ấy, ngày 6-12-2012, UNESCO đã công nhận “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Riêng tại Bình Dương, lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương hàng năm đều được tổ chức. Tỉnh có ngôi trường chuyên mang tên Quốc tổ Hùng Vương. Ngày giỗ tổ hàng năm, trường đều tổ chức các hoạt động hướng về cội nguồn dân tộc. Phần lễ diễn ra thật trang trọng, dâng bánh, dâng hoa lên bàn thờ Quốc tổ; lễ dâng hương - tế văn - tế võ. Cùng với đó là chương trình sân khấu hóa tái hiện lại cuộc sống của người dân Việt xưa kia. Phần hội cũng diễn ra nhiều hoạt động vui tươi qua các trò chơi dân gian, thi gói bánh chưng, bánh tét…

Ý nghĩa sâu sắc nhất tục thờ cúng các vua Hùng là khẳng định sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Hoạt động này góp phần giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ, vun bồi lòng yêu nước, niềm tự hào các bậc cha ông đã có công xây dựng và gìn giữ bờ cõi non sông hàng ngàn năm nay. Tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc Việt Nam.

Vì vậy, giỗ tổ Hùng Vương mãi mãi là niềm động viên thôi thúc sự bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mở cửa, hội nhập. Đây không chỉ là hoạt động tâm linh, mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn. Và đặc biệt hơn, nhớ về cội nguồn, càng hun đúc trong mỗi người dân con Lạc cháu Hồng lòng yêu nước, yêu quê hương, cùng chung sức xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh và góp phần giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.

DÂN THƯỜNG

 

Chia sẻ