| 22-02-2023 | 08:40:15

Chung tay gỡ khó, xây dựng ngành y tế phát triển toàn diện, hiện đại

* Đến cuối năm 2023, đưa Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường vào hoạt động

Sáng 21-2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cho ý kiến về tình hình hoạt động của ngành y tế và kết quả thực hiện các chủ trương, kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lĩnh vực y tế. Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế và yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cùng hệ thống chính trị chung tay tháo gỡ vướng mắc để đưa y tế tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới.

Khó khăn đủ đường

Năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nhưng ngành y tế tỉnh đã phấn đấu thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, ngành y tế đã thực hiện 4 nội dung liên quan đến các chủ trương, kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó có kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về triển khai dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường và dự án bệnh viện tuyến cuối.

Tại cuộc họp diễn ra vào sáng qua (21-2), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng hoa chúc mừng lãnh đạo ngành y tế nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2023). Ảnh: KIM HÀ

Với dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, ngành y tế gặp vướng mắc trong thực hiện mua sắm, cung cấp thiết bị sau khi bệnh viện hoàn thành. Cùng với đó, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ về thành lập Bệnh viện Đa khoa tuyến cuối tại tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác theo dõi, tham mưu việc thực hiện dự án Bệnh viện Đa khoa tuyến cuối tại tỉnh. Dự kiến bệnh viện đặt tại Trung tâm thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. UBND tỉnh đang lập đề án thành lập bệnh viện trình cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến và chủ trương chấp thuận vị trí xây dựng Bệnh viện Đa khoa tuyến cuối quy mô 2.000 giường.

Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, ngành y tế cần nhanh chóng đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường vào cuối năm 2023; hoàn thiện đề án “Phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; tháo gỡ khó khăn nguồn nhân lực y tế; quyết tâm xây dựng mô hình bệnh viện thông minh; kiên quyết triển khai Luật Khám chữa bệnh mới; sắp xếp lại các cơ sở y tế công lập tuyến huyện, thị, thành phố; thực hiện đấu giá điện tử…

Trong quá trình thực hiện những chủ trương, kết luận này, ngành y tế tỉnh gặp không ít khó khăn. Đội ngũ nhân viên y tế có trình độ, tay nghề, thâm niên nghỉ việc hoặc chuyển sang y tế tư nhân và không thể tuyển mới điều dưỡng, hộ sinh. Ngành thực hiện cơ chế tự chủ tài chính nhưng giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành dẫn đến các bệnh viện chỉ bảo đảm lương mà không có thu nhập tăng thêm cho đội ngũ y, bác sĩ. Công tác tổ chức đấu thầu, mua sắm thiết bị vật tư y tế cũng gặp không ít khó khăn do tâm lý e ngại, trong khi các văn bản hướng dẫn đấu thầu còn chưa rõ ràng, phù hợp. Thực trạng này khiến một số gói thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chưa thể thực hiện được, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số đơn vị.

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Vấn đề thiếu điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên ngày càng trầm trọng, không những ở tỉnh Bình Dương mà ở tất cả các tỉnh, thành. Hiện tỷ lệ bác sĩ/điều dưỡng của tỉnh chỉ đạt 1,2, rất thấp so với thế giới. Ngành đã đề xuất sửa Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh và chuyển hướng đặt hàng đào tạo bác sĩ sang hỗ trợ, đặt hàng đào tạo điều dưỡng. Sở Y tế đã đăng ký trình HĐND tỉnh nghị quyết đào tạo cho các đối tượng này. Tuy nhiên, các sở, ngành chưa thống nhất quan điểm do điều kiện đặt hàng phải đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương hỗ trợ, đặt hàng đào tạo cho đối tượng điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên”.

Đưa Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường vào hoạt động từ cuối năm

Theo lãnh đạo ngành y tế tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Sở Y tế đã tiến hành thuê Công ty Mediconsult viết đề án di dời Bệnh viên Đa khoa cũ và vận hành Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường. Tuy nhiên, khi tiến độ công trình thực hiện gần xong, công ty hủy bỏ. Các công ty tư vấn rất e ngại khi nhận viết các đề án tư vấn cho ngành y tế. Sở Y tế đã tìm được một công ty khác để viết đề án nhưng tiến độ thực hiện vẫn chậm. Hiện chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án sử dụng cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ (đường Phạm Ngọc Thạch) nên gây nhiều khó khăn trong việc xây dựng các phương án di dời, mua sắm, quy hoạch.

Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2023. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án xây dựng tỉnh, công trình Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường có thể hoàn thành vào đầu năm 2024. Dự án mua sắm trang thiết bị y tế cho bệnh viện được UBND tỉnh phê duyệt năm 2018 đang được triển khai thực hiện với tổng dự toán khoảng 790 tỷ đồng, bao gồm các trang thiết bị y tế, nội thất (giường bệnh, tủ cho bệnh nhân, trang thiết bị văn phòng...) và công nghệ thông tin. Khó khăn lớn nhất hiện nay là các trang thiết bị y tế trong dự toán năm 2018 đã lạc hậu, thay đổi giá, một số danh mục cần điều chỉnh vì đã có nhiều trang thiết bị được mua, viện trợ trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Dự án gồm 3 phần hoàn toàn khác biệt nhưng trang thiết bị y tế là khó mua sắm nhất. Nếu chờ đợi phải mua sắm đầy đủ trang thiết bị thì không thể xác định thời gian đưa bệnh viện vào hoạt động. Sở Y tế đã thành lập Hội đồng Khoa học kỹ thuật cho dự án mua sắm trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu của bệnh viện. Dự kiến đến cuối tháng 2-2023, Hội đồng Khoa học kỹ thuật sẽ trình danh mục, cấu hình các trang thiết bị cần mua.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi đã chia sẻ với những khó khăn hiện nay của ngành y tế, đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, ngành y tế cần nhanh chóng đưa Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường vào hoạt động từ cuối năm 2023; hoàn thiện đề án “Phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; tháo gỡ khó khăn nguồn nhân lực y tế; quyết tâm xây dựng mô hình bệnh viện thông minh; kiên quyết triển khai Luật Khám chữa bệnh mới; sắp xếp lại các cơ sở y tế công lập tuyến huyện, thị, thành phố; thực hiện đấu giá điện tử và công khai, minh bạch… 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Cần tách các gói thầu mua sắm trang thiết bị
Để đưa Bệnh viện 1.500 giường vào hoạt động vào cuối năm 2023 chúng ta cần phải đấu thầu được phần cứng bao gồm cơ sở vật chất, sau đó tạm thời lấy phần công nghệ thông tin Bệnh viện Đa khoa cũ sang hoạt động. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu mua sắm trang thiết bị. Nhiệm vụ của tỉnh giao cho ngành y tế phải thành lập bệnh viện hiện đại, thông minh, không chỉ phục vụ trước mắt mà còn hướng đến lâu dài, trở thành Trung tâm Y tế mạnh ở miền Đông Nam bộ. Chúng tôi cùng với Ban Quản lý dự án tỉnh cân đong, mua sắm những vật tư y tế tốt nhất, tận dụng tối đa phương tiện tốt nhất và triển khai từng bước vững chắc. Chúng tôi đã đề xuất tỉnh cần tách các gói thầu mua sắm trang thiết bị Bệnh viện 1500 giường thành các gói: Mua sắm trang thiết bị y tế, nội thất văn phòng, công nghệ thông tin. Gói trang thiết bị văn phòng sẽ tiến hành mua sắm trước, sau đó tận dụng các trang thiết bị y tế sẵn có để vận hành Bệnh viện 1.500 giường.
Hiện Bình Dương không thiếu nhân viên y tế, cái thiếu ở đây là thiếu chất lượng, trình độ tay nghề đội ngũ y, bác sĩ. Số lượng nhân viên y tế bệnh viện hiện nay nhiều hơn thời chống dịch. Bác sĩ giỏi đang thiếu, điều dưỡng hộ sinh có kinh nghiệm cũng thiếu vô cùng. Chúng tôi đã đề xuất, tổ chức đào tạo theo 3 nhóm mô hình ngắn, trung và dài hạn. Chính nhờ sự đào tạo này, nguồn nhân lực tỉnh phát triển lên, thu hút đội ngũ y, bác sĩ về học tập, cống hiến. Vì vậy, tỉnh cần sớm thông qua nghị quyết hỗ trợ đào tạo nhân lực y tế.

KIM HÀ

Chia sẻ