Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 5-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Công an Bình Dương đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực...
Các cá nhân được UBND tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp cho công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ảnh: NGỌC HÀ
Các cấp, các ngành cùng chung tay
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tầng lớp nhân dân, thời gian qua, người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương được các cấp chính quyền thăm hỏi, động viên, tuyên truyền kiến thức pháp luật và giới thiệu vay vốn để có việc làm, thu nhập ổn định, từng bước tái hòa nhập cộng đồng.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cho biết công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước. Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, tư vấn về công tác đào tạo nghề cho người chấp hành xong án phạt tù tại 9 huyện, thành phố với 650 lượt người tham gia. Sở cũng cử thành viên cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tư vấn định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và triển khai chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù tại Trại giam Bố Lá 2 đợt cho 123 phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù. Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với Trại giam Phú Hòa (Cục C10 - Bộ Công an) ký kết kế hoạch phối hợp tổ chức tư vấn hướng nghiệp đào tạo nghề và cấp chứng chỉ cho phạm nhân giai đoạn 2024-2030 để người chấp hành xong án phạt tù được đào tạo nghề, có chứng chỉ nghề nhằm dễ dàng tìm kiếm việc làm. Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, sở đã gửi văn bản đến các doanh nghiệp đề nghị phối hợp thông qua việc tuyển dụng họ vào làm việc tại doanh nghiệp, qua đó góp sức với chính quyền hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, để nâng cao kiến thức pháp luật, khơi dậy khát vọng cống hiến cho các phạm nhân nữ, hội đã chỉ đạo các cấp hội phối hợp tổ chức tuyên truyền và tổ chức các hoạt động giao lưu, nói chuyện chuyên đề, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều chủ đề “Không bao giờ từ bỏ”, “Đồng hành cùng ước mơ hoàn lương”, “Sống đẹp, sống có ích, biến ước mơ hoàn lương thành hiện thực” “Mục đích, lý tưởng sống cao đẹp cho thanh niên, phụ nữ hoàn lương”, chuyên đề “Hành trình của niềm tin” và tặng nhiều giỏ sách pháp luật cho các phạm nhân nữ. Ngoài ra, đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội trực tiếp tham gia giúp đỡ các nữ phạm nhân, trại viên ma túy bằng nhiều hình thức như thăm hỏi, động viên tinh thần, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ xe đạp cho con đối tượng, hỗ trợ chữa bệnh, sửa chữa mái ấm tình thương với 634 lượt người, tổng số tiền giúp đỡ hơn 7 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cuộc sống góp phần làm giảm tỷ lệ tái phạm tội. Qua đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 47 người vay vốn với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng, số đang làm thủ tục vay vốn là 144 người.
Nhân rộng mô hình
Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh, đánh giá cao đóng góp của các cấp, các ngành trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019; chỉ thị, nghị định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như các văn bản chỉ đạo và quy chế phối hợp về công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và công tác tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, lực lượng công an địa phương cần tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, phòng ngừa tái phạm, phạm tội mới.
Hiện nay, toàn tỉnh có 30 mô hình và câu lạc bộ giúp đỡ hàng ngàn người chấp hành xong án phạt tù. Từ các mô hình này, cần lựa chọn mô hình phù hợp để xây dựng, củng cố, nhân rộng hoạt động gắn với trách nhiệm, điều kiện, khả năng của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan để phát huy vai trò của tổ chức, doanh nghiệp và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình đã thành lập. Đối với những cá nhân chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương tập trung làm ăn, phát triển cơ sở cần được biểu dương để tiếp thêm động lực giúp họ phát triển.
“Để phòng ngừa người chấp hành xong án phạt tù tái phạm, cần sự chung tay của các tổ chức để đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp; vận động người dân và toàn xã hội tích cực tham gia xóa bỏ mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ổn định cuộc sống, tích cực lao động, học tập đóng góp vào sự phát triển của địa phương”, Đại tá Nguyễn Thanh Điệp chia sẻ.
Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 2.904 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương được hướng dẫn làm thủ tục cấp căn cước công dân là 1.268 người; hướng dẫn, tư vấn làm thủ tục xóa án tích 1.021 người; làm thủ tục đăng ký cư trú 615 người. |
QUỲNH ANH - THANH TUYÊN