Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Tự tin trước dự án phát triển khu dân cư Đại Nam của mình, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đại Nam kỳ vọng dự án của mình sẽ góp phần tạo nên “cú hích”cho sự phát triển của TP mới Bình Dương.
Khu dân cư Đại Nam được kỳ vọng sẽ là “cú hích” của TP mới Bình Dương
Lực đẩy từ vùng đệm
Tâm nguyện biến khu dân cư Đại Nam, nằm trong Khu liên hợp – Dịch vụ - Đô thị - Công nghiệp thành một khu đô thị đẹp, ông Huỳnh Uy Dũng kỳ vọng sẽ thu hút đông người dân về an cư, lập nghiệp, chung tay vì một Bình Dương phát triển văn minh, giàu đẹp.
“Xây dựng thành phố mới Bình Dương đòi hỏi phải có lộ trình. Hiện tỉnh Bình Dương đang xây dựng một thành phố thông minh, với rất nhiều nỗ lực. Tôi cho rằng đến một giai đoạn nào đó TP mới Bình Dương sẽ có một bước nhảy vọt để vươn mình trở thành một đô thị thông minh, hiện đại”, ông Dũng bày tỏ.
Cũng theo ông Huỳnh Uy Dũng, TP mới Bình Dương không chỉ đơn thuần là một khu dân cư mà nó là một khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị. Do đó khi hình thành khu đô thị mới này sẽ kéo theo các có dịch vụ, tiện ích, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, những khu vực này sẽ tạo nên vùng đệm để khu vực trung tâm phát triển... Những cư dân mới ở vùng đệm sẽ kéo theo nhu cầu tiêu dùng rất lớn, phát sinh dịch vụ mua sắm, ngân hàng... Chính nguồn thu này sẽ giúp phát triển TP mới. Để đạt điều này thì TP mới Bình Dương cần những lực đẩy, tác động hỗ trợ qua lại giữa khu vực trung tâm cũng như vùng đệm, tạo ra sức bật phát triển mạnh mẽ chung cho toàn thành phố.
Là một người có hơn 30 năm phát triển dự án khu dân cư tại Bình Dương, ông Dũng “lò vôi” cho rằng, TP mới Bình Dương thực sự là một vùng sáng của một đô thị tầm cỡ, hiện đại. Tuy nhiên, vùng sáng này chưa có những vùng đô thị vệ tinh để kết nối, tạo ra cú hích mạnh cho đô thị phát triển.
Câu chuyện phát triển đô thị, khu dân cư của ông Dũng “lò vôi” được nhiều người biết đến gắn liền với việc ông là người tiên phong xây dựng thành công khu công nghiệp Sóng Thần, khu dân cư Bình Đường, khu trung tâm hành chính thị xã Dĩ An… Các dự án đó do ông Dũng “lò vôi” đầu tư cũng để phục vụ cho nhu cầu giải quyết chỗ ở của công nhân làm việc tại các công ty, xí nghiệp thời bấy giờ.
Ông Dũng quyết định đầu tư các nhà xử lý nước thải tại các “điểm nóng” ô nhiễm từ chất thải của KCN
Theo ông Huỳnh Uy Dũng, diễn đàn cộng đồng thông minh Thế giới (ICF) vừa công bố danh sách 21 thành phố, khu vực, trong đó có Bình Dương được vinh danh là các tỉnh thành có chiến lược phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu của Thế giới. Điều này càng tạo thêm cho ông có thêm nhiều động lực để có những bước chuẩn bị, đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu dân cư Đại Nam với diện tích rộng hơn 100 ha, tổng vốn đầu tư là hơn 2.300 tỷ đồng.
“Chúng tôi sẽ tập trung đầu tư hạ tầng, các tiện ích, công trình công cộng phục vụ cho cư dân tại khu đô thị, đảm bảo các quy chuẩn của một khu dân cư vệ tinh hiện đại, sẵn sàng kết nối với khu vực thành phố thông minh Bình Dương. Chúng tôi hy vọng việc thu hút cư dân đến sinh sống sẽ mở đường cho cư dân đến những khu vực trung tâm thành phố mới. Từ đó thúc đẩy khu vực trở thành khu đô thị phồn thịnh”, ông Dũng chia sẻ.
Nhiều chuyên gia địa ốc tại Bình Dương cũng nhận định, những dự án phát triển đô thị vệ tinh như khu dân cư Đại Nam sẽ tạo điểm bứt phá, mở đường cho thị trường địa ốc tại khu vực trung tâm TP mới Bình Dương. Các chuyên gia này khẳng định, giá trị bất động sản tại khu vực sẽ không thuyết phục được nhà đầu tư, người có nhu cầu mua nhà ở nếu không có những “phép so sánh” từ các khu vực lân cận, cũng như thấy được những triển vọng sinh lợi ở khu vực đó trong tương lai.
“Mình phải có trách nhiệm với cộng đồng…”
“Ở độ tuổi 60 như tôi đúng ra đã nghỉ ngơi, nhưng tôi không thể dừng lại và luôn trăn trở vì mình phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội đối với những cái mà tôi tâm huyết mình cần phải thực hiện cho cộng đồng, vì các thế hệ con cháu mai sau. Tôi là một trong những người tiên phong xây dựng KCN đầu tiên ở Việt Nam. Trải qua hàng chục năm, KCN đã giúp kinh tế đất nước phát triển. Song, cùng với sự phát triển đó, thì môi trường cũng bị ô nhiễm từ chất thải của KCN. Vì vậy, tôi nhận thấy bổn phận mình phải khắc phục hệ quả này. Nếu chậm trễ, môi trường bị huỷ hoại, thì chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ con cháu sau này”, ông Dũng trăn trở.
Từ đó, ông Dũng quyết định sẽ đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải tại các KCN trong cả nước. Trước mắt, sẽ thực hiện xử lý nước thải ở các KCN ở Bình Dương và Bình Phước, góp phần vào sự phát triển bền vững của 2 tỉnh này. Ông Dũng cho biết, các nhà máy xử lý nước thải của ông đầu tư sẽ xử lý nước thải thành nước sinh hoạt, có thể tái sử dụng... Vợ chồng ông Dũng xem đây như là một sứ mệnh cao cả và dành cả phần đời còn lại để thực hiện việc xử lý ô nhiễm nước thải tại các KCN trong cả nước.
P.V