Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bài 2: 14 năm nắng, gió nuôi hoài bão
(BDO) Vào thời điểm năm 2009, khi Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I mới được thành lập để đầu tư vào dự án Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái, Liêm đã tình nguyện quản lý dự án mới với lời cam kết: Nếu không thành công sẽ không quay về lại vị trí cũ ở tập đoàn. Năm ấy, Liêm mới 28 tuổi và đang giữ vị trí Giám đốc nhân sự của Tập đoàn U&I (công ty mẹ của Unifarm).
Liêm (giữa) và ông Aviel Sade, chuyên gia người Israel thảo luận về nông nghiệp
Học không bao giờ là đủ
Hành trang dấn thân vào nông nghiệp của anh vỏn vẹn bằng con số không, có chăng là tình yêu mãnh liệt đối với quê hương vùng đất cây, trái Lái Thiêu nức tiếng của Bình Dương.
Với quan niệm không biết thì phải học, từ đó, bên cạnh việc quản lý công ty, Liêm còn sắp xếp thời gian để bắt đầu hành trình “tầm sư học đạo” của riêng mình. Thầy của anh có thể là bất cứ ai, từ những người chuyên gia nông nghiệp ở các quốc gia hàng đầu thế giới nơi anh đặt chân đến, tới những lão nông giỏi tại Việt Nam. Không chỉ học về kỹ thuật trồng trọt, anh còn trau dồi cho mình kiến thức và kỹ năng về quản trị trang trại, quản lý hợp tác xã trên quy mô lớn cùng với việc ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ số, đến kiến thức về kinh doanh quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Nếu như từ năm 2015 trở đi, khi quyết định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, người ta có thể chọn ngay mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính hoặc trồng chuối với cánh đồng lớn, bởi các loại cây trồng này đã chứng minh được hiệu quả của mình. Số kỹ sư và lao động lành nghề được đào tạo để làm các ngành trên cũng đã có sẵn ở Việt Nam. Nhưng tại thời điểm Unifarm bắt đầu làm nông nghiệp, mọi thứ là chưa hề có tiền lệ. Chúng tôi phải tìm con đường riêng của mình”. Liêm nhớ lại.
“Con đường riêng” đó, trong thực tế, không hề có hoa hồng. Dù bằng rất nhiều nỗ lực cộng với sự giúp sức của các chuyên gia nước ngoài đến từ Israel, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, nhưng những mô hình trồng trọt của Unifarm trong những năm đầu vấp phải những khó khăn chồng chất, từ cả yếu tố kỹ thuật lẫn thị trường.
Cánh đồng chuối của Unifarm
“Unifarm làm nông nghiệp không phải để thay thế vai trò của người nông dân, mà để xây dựng những mô hình tốt về nông nghiệp với cả chuỗi giá trị khép kín từ khâu chọn lựa sản phẩm, công nghệ, sản xuất đến việc tổ chức logistics, khai thác thị trường… để sản phẩm của chúng ta có thể cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào đang sản xuất sản phẩm cùng loại. Từ các mô hình này, Unifarm muốn trở thành đầu tàu để chuyển giao tất cả nền tảng và chuỗi giá trị nói trên cho các đối tượng có liên quan, bao gồm các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông hộ, qua đó có thể hình thành chuỗi liên kết bền vững, cùng nhau thực hiện lý tưởng hóa nền nông nghiệp của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Với cách làm hiện nay của mình, tôi tin tương lai ấy đang đến rất gần”. |
Có những mô hình hiệu quả về mặt kỹ thuật như cà chua, ớt chuông, măng tây thì lại khó khăn về mặt thị trường do các sản phẩm này chủ yếu chỉ được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Có những sản phẩm có thị trường xuất khẩu tốt như dự án trồng cà tím chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản thì cây trồng lại không thích nghi được với điều kiện nóng, ẩm, nhiều mưa của vùng đất An Thái.
Ngay cả với các dự án mà Unifarm đã thành công như dưa lưới và chuối thì khâu kỹ thuật và thị trường chưa bao giờ là dễ dàng. Trong nhiều năm đầu, có thời điểm Liêm và các chuyên gia của mình thường xuyên phải “thức” với cây trồng, mỗi ngày làm việc gần như 24 tiếng trong nhiều ngày liên tục để có thể “hiểu” về cây trồng và có thể chăm sóc chúng tốt hơn. Mỗi thị trường xuất khẩu được mở ra là một câu chuyện đáng nhớ về sự dấn thân, không ngại khó cùng chiến lược đúng đắn của Unifarm mà Liêm luôn là người dẫn đầu.
“Nắng, gió” là cách diễn tả hành trình của Liêm và các cộng sự của mình đúng về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Trong chừng ấy thời gian, không một ngày nào Liêm cho phép mình được nghỉ ngơi với tâm lý “chúng ta đã về đích”. Anh quan niệm có được thành công bước đầu tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái chỉ là một phần trong hành trình thực hiện hoài bão đưa Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung vươn lên trở thành địa chỉ uy tín về nông sản của cả thế giới theo hướng an toàn và bền vững.
Người đi tiên phong
Chúng tôi cùng nhau đi tham quan nông trại của U&I. Từng luống chuối thẳng hàng tăm tắp, hệ thống tưới tiêu tự động nằm xen lẫn giữa rừng chuối bao la. Chuối sau khi được thu hoạch sẽ được vận chuyển bằng ròng rọc đi vào khu xử lý. Tại đây từng tốp công nhân sẽ loại bỏ những quả chuối không đạt tiêu chuẩn, tiếp đến chuối sẽ được xử lý gột rửa sạch sẽ, đóng gói cho vào kho lạnh đợi tới ngày xuất khẩu. Từng khâu một không được thừa, thiếu dù chỉ một vài giờ.
Liêm thảo luận về kinh nghiệm trồng bơ Hass với đại diện một HTX trồng bơ tại New Zealand
Sau hơn 14 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I đã phủ xanh toàn bộ diện tích Khu Nông nghiệp An Thái với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường phù hợp và có khả năng nhân rộng cho người nông dân. Cụ thể, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính công nghệ Israel điều khiển tự động bằng máy tính theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng/ha/năm, hay mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản cho doanh thu từ 500 triệu đồng/ha/năm. |
Bộ phận kỹ thuật giám sát toàn bộ quá trình từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm chuối “made in Unifarm thông qua hệ thống máy tính. Công nghệ được áp dụng gồm: công nghệ thông tin (hệ thống kiểm soát nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng bằng máy tính...); công nghệ sinh học (nuôi cấy mô tế bào, chế phẩm sinh học...); công nghệ vật liệu mới (công nghệ nhà kính, hệ thống làm lạnh, phun sương...), công nghệ tự động hóa (tưới nhỏ giọt tự động theo mô hình Israel...).
Toàn bộ qui trình trồng và xuất khẩu nông sản công nghệ cao của nông trại Unifarm không chỉ có vậy. Mà còn đến từ sự tâm huyết của những con người yêu đất, yêu cây quyết tâm đưa nền nông nghiệp của tỉnh Bình Dương vươn tầm quốc tế.
Unifarm và các đối tác của mình có được thành công như hôm nay trước tiên là nhờ vào những chính sách đúng đắn về phát triển nông nghiệp ứng dụng nghiệp công nghệ cao, điều đó càng trở nên đặc biệt đối với một địa phương phát triển công nghiệp như Bình Dương.
Chuối Unifarm tại hệ thống siêu thị của Nhật Bản - Aeon Bình Dương Canary
Với quãng hành trình đầy nắng gió, nhiều mô hôi và cả nước mắt để thực hiện hoài bão của mình, Liêm xứng đáng được gọi là người đi tiên phong trong hành trình ấy.
Phùng Hiếu