Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giúp khai thác hiệu quả thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, đóng góp hiệu quả xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bưởi da xanh của HTX Nông nghiệp Dân Tiến (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên) được đánh giá là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao
Mở ra nhiều cơ hội
Thực hiện OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được các địa phương xúc tiến đăng ký tham gia, tập trung ở 6 nhóm sản phẩm chính (thực phẩm; đồ uống; dược liệu; vải và may mặc; trang trí, nội thất, lưu niệm; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch). Đối với nhóm sản phẩm trồng, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung chủ yếu vào sản phẩm đặc trưng như bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, rượu bưởi, cam sành, chuối, măng cụt, hoa lan, sơn mài, gốm sứ, chạm trổ điêu khắc…
Từ lâu, thương hiệu bưởi Bình Dương cũng đã có tiếng, nhưng nhìn chung đầu ra của sản phẩm còn phụ thuộc phần nhiều vào thương lái. Với việc được chọn làm sản phẩm OCOP, kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho người trồng bưởi. Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên) cho hay, trước đây đa số bà con canh tác theo hướng tự phát, lợi dụng thuốc bảo vệ thực vật nên giá bán không được cao. Qua nhiều năm, bà con đã rút ra được kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc bưởi theo hướng VietGAP nên sản phẩm làm ra được thương lái săn đón, giá lại ổn định. “Chúng tôi kỳ vọng OCOP sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho HTX và người dân địa phương trong việc quảng bá thương hiệu, nhất là cơ hội để tiếp cận và mở rộng thị trường”, ông Thành bộc bạch.
Ở xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên), bưởi đường lá cam Bạch Đằng đã khẳng định được thương hiệu với gần 400ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân mà còn là sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng sạch và an toàn. Ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bạch Đằng, chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi sản phẩm bưởi địa phương được đưa vào tham gia OCOP và được đánh giá 3 sao”. Tuy Bình Dương có số lượng sản phẩm lớn, chủng loại đa dạng, song giá trị đạt được chưa cao, phát triển chưa bền vững. Để nâng tầm giá trị, tỉnh đã triển khai Chương trình OCOP với kỳ vọng tạo “cú hích” làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống.
Phát huy lợi thế, tiềm năng
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, OCOP là chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Hiện chương trình đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Ông Nguyễn Phong Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết các địa phương cần xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Các chủ thể cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để nâng cấp sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ tham gia, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm. UBND các huyện, thị, thành phố cần đôn đốc, chỉ đạo đánh giá, xếp hạng loại sản phẩm OCOP cấp huyện theo đúng quy định, minh bạch, hình thức; cần phối hợp chặt với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh và đơn vị tư vấn để hỗ trợ trong quá trình đánh giá sản phẩm.
Triển khai thực hiện tốt OCOP là một hướng đi tất yếu, nhằm phát triển các hình thức để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn tỉnh nhà theo hướng bền vững.
THOẠI PHƯƠNG