| 09-04-2021 | 07:46:55

Chuyển đổi số, cơ hội để phát triển - Kỳ 2

Kỳ 2: Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp

 Tiếp nối đà tăng trưởng của thương mại điện tử (TMĐT), năm 2021 và những năm tiếp theo, các cấp, các ngành của Bình Dương sẽ chú trọng phát triển hạ tầng TMĐT, hỗ trợ nâng cao năng lực, xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển.

 TMĐT sẽ hỗ trợ cho sản xuất cũng như tiêu dùng theo hướng hiện đại hóa. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Gre Apha Electronics (KCN VSIP 2 mở rộng)

 Thích ứng để tăng trưởng

Là một trong những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, những năm qua Bình Dương đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển của các DN thông qua việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội.

Theo nhìn nhận của bà Tina Phan, Giám đốc khu vực Đông Dương, Cục Phát triển mậu dịch Hồng Kông, Bình Dương là tỉnh có độ mở về tư duy của bao thế hệ lãnh đạo, đây chính là “nguồn lực lớn nhất” cho TMĐT, cũng như DN phát triển. Bà Tina Phan bày tỏ sự kỳ vọng lớn vào tầm nhìn và sự nhạy bén tiếp nối của đội ngũ lãnh đạo mới sẽ là cú hích lớn để tạo tiềm lực phát triển trong giai đoạn mới. Cục Xúc tiến thương mại mậu dịch Hồng Kông sẽ tăng cường kết nối, hỗ trợ các DN Bình Dương phát triển thị trường này. Bà Tina Phan nhấn mạnh thêm, các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ không cần quá lo ngại khi bắt đầu phát triển TMĐT. Chỉ cần có định hướng đúng, nỗ lực không ngừng, các DN sẽ bước vững vàng phát triển.

Khẳng định ưu thế của tỉnh nhà, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, việc Bình Dương xây dựng thành phố thông minh là cơ hội để các DN đầu tư phát triển TMĐT phù hợp với xu thế mới, mang lại hiệu quả và giá trị lợi nhuận cao. Khi hệ thống giao thông và đô thị được đầu tư bài bản, hiện đại sẽ tiếp tục tạo ra môi trường thuận lợi để DN phát triển. Các DN hãy nhanh chóng chuyển đổi mô hình hoạt động linh hoạt cùng với chuyển đổi số kịp thời để thích ứng trong tình hình mới, trong đó TMĐT ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho rằng những năm gần đây, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết. Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mở ra cánh cửa mới, tạo động lực cho sự phát triển của cả nền kinh tế đất nước nói chung và các DN xuất khẩu nói riêng. Các DN cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua TMĐT. Trong xu hướng mới, Nhà nước và các ngành cần tạo thuận lợi hơn nữa về thuế, chi phí cảng biển, kho bãi, thanh toán quốc tế… để tăng tính cạnh tranh của DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thiết thực hỗ trợ

Theo ông Võ Văn Khanh, đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam, việc bán hàng qua các sàn TMĐT cũng là một trong những cách nhanh nhất để các DN có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình, từ đó đưa hàng xuất khẩu ra toàn cầu, mở rộng kinh doanh nhưng không mất nhiều chi phí đầu tư. Thời gian tới, Hiệp hội TMĐT Việt Nam sẽ phối hợp với ngành công thương tăng cường kết nối, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đồng thời nắm bắt sâu sát hoạt động các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN, qua đó xác định rõ các mặt hàng có lợi thế nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy để xác lập vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, củng cố niềm tin của DN vào sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới.

Ông Khanh cũng cho rằng làm TMĐT không hề đơn giản, người bán hàng chuyển sang kênh online không phải chỉ thuê 1 - 2 gian hàng trên sàn TMĐT là sẽ bán được. Sự cạnh tranh trên sàn khác hẳn với kênh offline. Xu hướng chuyển đổi số, bán hàng online là xu hướng phổ biến. Đặc biệt, hệ sinh thái của Việt Nam về TMĐT gần như hoàn chỉnh về giao hàng, thanh toán… Vì vậy, các DN muốn lên sàn cần có nguồn hàng, kỹ năng tốt, tập trung tối ưu chi phí. Đồng thời cần bảo đảm chất lượng hàng hóa để giữ vững niềm tin của người mua.

Theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bình Dương khuyến khích thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là logistics trên nền tảng công nghiệp 4.0. Theo đó, TMĐT là lĩnh vực tỉnh tập trung thu hút đầu tư, vừa góp phần hiện đại hóa các ngành dịch vụ của tỉnh, đặc biệt là logistics 5 PL, vừa hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất cũng như tiêu dùng theo hướng hiện đại hóa. Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu tổng hợp cho UBND tỉnh các quyết sách về phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng cứng và hạ tầng mềm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. TMĐT sẽ là ưu tiên hàng đầu, hy vọng mang đến triển vọng mới cho Bình Dương.

Để thiết thực hỗ trợ DN, bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới Bình Dương (WTC BD) cho biết, hiện nay WTC BD đã xây dựng giải pháp tổng thể cho việc hỗ trợ DN phát triển TMĐT. Ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng tới tăng năng suất chất lượng, xúc tiến bán hàng TMĐT dựa trên tiềm lực sẵn có mà WTC BD tạo dựng và mối quan hệ trong hệ thống Trung tâm Thương mại thế giới.

 Hạ tầng viễn thông của Bình Dương liên tục được đầu tư, phát triển theo hướng ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Mạng cáp quang đã phủ sóng đến cấp xã, sóng thông tin di động phủ 100% địa bàn, hạ tầng thông tin di động 3G, 4G đã phủ khắp các khu đô thị và khu công nghiệp với gần 2.000 trạm thu phát sóng. Bình Dương đẩy mạnh triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, thực hiện chính quyền điện tử thông qua việc đầu tư khá đầy đủ hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan hành chính các cấp. Tỉnh đã tổ chức các đoàn nghiên cứu tại các thành phố có nền công nghệ tiên tiến trên thế giới như Eindhoven (Hà Lan), Incheon (Hàn Quốc)... để học tập, mang những mô hình mới về ứng dụng xây dựng thành phố thông minh.

 TIỂU MY

Chia sẻ