| 05-03-2024 | 09:11:59

Chuyển đổi số, thay đổi vùng quê

Các tuyến đường Hùng Vương, Thống Nhất, Tự Do, Độc Lập... tại thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng trong những tháng qua trở thành nơi khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Hàng quán ăn, quán cà phê đã có mã QR-code để thực hiện thanh toán.

Người dân hưởng ứng

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các tuyến đường Hùng Vương, Thống Nhất, Tự Do, Độc Lập… của thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng hiện nay cũng không khác gì các tuyến phố ở các đô thị. Hàng ăn, quán nước, nhà hàng và các nơi mua sắm hàng hóa đều khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt.

Chị Lê Thi Loan, ngụ đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ: “2 năm rồi tôi mới về thăm quê ngoại ở thị trấn Dầu Tiếng. Bây giờ, quê ngoại tôi thay đổi nhiều quá. Tôi mua sắm, ăn uống gì cũng đều quét mã QR-code để thực hiện thanh toán, rất hiện đại và tiện ích cho người dân. Điều này cho thấy thói quen thanh toán của người dân vùng quê Dầu Tiếng ngày càng chuyển biến rõ nét, từ mua sắm truyền thống chuyển sang các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt”.

Tuyến đường Hùng Vương, khu phố 4B, thị trấn Dầu Tiếng diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt

Theo các chủ quán ăn, cà phê trên đường Hùng Vương, sau gần 1 năm triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, người dân đã quen dần. “Có những người cả tháng không dùng tiền mặt tại quán tôi, họ đều quét thẻ để thanh toán, tiện lắm, giúp chúng tôi tiện quản lý dòng tiền ra vào”, anh Phi, chủ quán cà phê vỉa hè trên đường Hùng Vương chia sẻ.

Chủ động chuyển đổi số

Khuyến khích người dân không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp giúp huyện Dầu Tiếng chuyển động mạnh mẽ trong chuyển đổi số (CĐS). Thực tiễn, thời gian qua, các nhân viên của ngân hàng, đơn vị viễn thông và các đoàn viên thanh niên đã tích cực tham gia hướng dẫn các cơ sở kinh doanh trên các tuyến trung tâm huyện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ cài đặt tài khoản ngân hàng và tạo các mã QR-code để thực hiện thanh toán. Đây là việc làm thường xuyên và tích cực để huyện chủ động tuyên truyền đến người dân trong CĐS các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số. Ghi nhận cho thấy, toàn huyện có 89 tổ công nghệ số cộng đồng của với 520 thành viên là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin, tuyên  truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác CĐS đến với nhân dân. Các tổ đã trực tiếp truyền thông, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện CĐS trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tích cực tuyên truyền

Hiện tại, UBND huyện Dầu Tiếng đã giao cho Đoàn Thanh niên làm lực lượng nòng cốt, tình nguyện hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện và bộ phận “một cửa” cấp xã nhằm tạo chuyển biến quan trọng trong CĐS.

Từ cơ sở, các tổ công nghệ số cộng đồng đi từng nhà hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, vay vốn sản xuất, điện, nước, thông tin liên lạc, bưu chính, vệ sinh môi trường, giao thông công cộng, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số VNeID, VssID, Bình Dương số… Từ đó, cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại tổ dân phố. Song song đó, trong năm 2024, UBND huyện tiếp tục phối hợp VNPT Bình Dương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ tổ chức tập huấn triển khai Hệ thống thông tin báo cáo và chỉ đạo điều hành; Hệ thống đặt lịch, đánh giá và quản lý chất lượng thông minh (VNPT iQMS); tổ chức tập huấn cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích; tập huấn ký số văn bản điện tử trên môi trường mạng và trao đổi triển khai CĐS trên địa bàn huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2022-2025 với quyết tâm CĐS toàn diện trên các lĩnh vực…

Từ cơ sở, các tổ công nghệ số cộng đồng đi từng nhà hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, vay vốn sản xuất, điện, nước, thông tin liên lạc, bưu chính, vệ sinh môi trường, giao thông công cộng, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số VNeID, VssID, Bình Dương số…

SÔNG TRÀ - TÚ BÌNH

Chia sẻ