Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Mọi giao dịch, chi tiêu, mua sắm… tất tần tật đều sử dụng tiền mặt đã không phù hợp, bất tiện, không bảo đảm an toàn. Hiện tại, công cuộc chuyển đổi số đang được thúc đẩy, khuyến khích, thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang dần được mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ưu tiên. Đó cũng là sự chuyển đổi đúng hướng, phù hợp, tạo lập thói quen thanh toán văn minh, hiện đại, tiện ích.
Dẫu vậy, trong những thời điểm, điều kiện nhất định, tiền mặt vẫn phải được ngành ngân hàng chủ động cung ứng kịp thời để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Câu chuyện “nghẽn” máy ATM vì hết tiền, vì công nghệ, đường truyền không bảo đảm vẫn thường xảy ra vào dịp cuối năm âm lịch, đặc biệt là thời điểm các doanh nghiệp chi trả tiền lương, thưởng tết. Hình ảnh những dòng người dài xếp hàng chờ đợi tại các điểm đặt máy ATM trước mỗi mùa tết chắc chưa mấy ai quên, đặc biệt là công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh. Người rút tiền mệt mỏi, mất thời gian, lại còn không bảo đảm an ninh trật tự, mất an toàn cần phải khắc phục, tránh tái diễn.
Hệ thống máy ATM của ngành ngân hàng tỉnh khá nhiều, phân bố rộng khắp các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, chú trọng đặt nhiều máy ở các khu vực tập trung đông dân cư, công nhân lao động chính là một trong những giải pháp giải quyền sự cố “nghẽn ATM” mà ngành ngân hàng đã thực hiện. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng xây dựng phương án cung ứng đủ tiền mặt tại thời điểm cuối năm để đáp ứng như cầu rút tiền tăng cao. Ngành ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng cần chọn thời điểm, vị trí đặt máy ATM để rút tiền nhằm bảo đảm an toàn cũng như khỏi mất thời gian chờ đợi.
Ưu tiên, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng trong hiện tại hình thức thanh toán này chưa thể phổ biến bởi nhiều nguyên nhân. Hoạt động mua sắm hàng hóa tiêu dùng liên quan cả người mua, người bán, đặc biệt là tại các chợ truyền thống, của hàng tạp hóa nhỏ lẻ, địa bàn vùng xa, nông thôn… có thể chưa đủ điều kiện để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Mặt khác, dù đủ điều kiện nhưng việc chi tiêu bằng tiền mặt đã ăn sâu vào suy nghĩ, trở thành thói quen lâu ngày của nhiều người dân, việc “từ bỏ” thói quen này cần phải có thời gian.
Dù muốn hay không, việc chuyển đổi, tạo lập thói quen thanh toán không dùng tiền mặt là việc gần như bắt buộc trước xu hướng phát triển của xã hội. Mọi thao tác thanh toán dễ dàng, nhiều dịch vụ đi kèm rất tiện ích, bảo đảm an toàn, mỗi một người dân cần ưu tiên sử dụng.
TRIỆU PHONG