Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đó là tâm sự của bà Huỳnh Kim Oanh, nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sông Bé. “Tôi vẫn đau đáu nhớ về những đồng chí, đồng đội không tiếc tuổi xuân, xương máu, dũng cảm chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc. Tôi vẫn nhớ từng hạt gạo, nắm cơm nặng nghĩa tình đồng bào một thuở. Tất cả vẫn vẹn nguyên trong ký ức”… Và có lẽ chính từ những lời tâm sự gan ruột này đã thôi thúc bà Huỳnh Kim Oanh gõ cửa các cơ quan chức năng để làm công tác đền ơn đáp nghĩa; bôn ba, chạy ngược chạy xuôi để tập hợp chị em nữ kháng chiến vào tổ chức...
Bà Huỳnh Kim Oanh thời tuổi trẻ
Tuổi thơ không bình yên...
Tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều cán bộ lão thành cách mạng, những người từng tham gia kháng chiến qua các thời kỳ và hôm nay nhiều người đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng cảm nhận trong mỗi câu chuyện ở họ, trong tôi vẫn luôn là “bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ còn đọng mãi”. Và bà Huỳnh Kim Oanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ kháng chiến cũng là một người như thế.
Nhiều người nói bà “Bôn-sê-vich” lắm! Và tôi cũng nhận định như thế. Mỗi lần gặp bà thì cứ xoay đi xoay lại chuyện những năm tháng kháng chiến; những đồng chí, đồng đội đã anh dũng ngã xuống… Bởi, với bà Huỳnh Kim Oanh, những năm tháng kháng chiến vô cùng ác liệt, cái chết luôn cận kề nhưng họ luôn giữ vững khí tiết cách mạng, góp phần chung vào đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Và bà Huỳnh Kim Oanh đã kể về cuộc đời của mình. Bà sinh ra ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, tỉnh Gia Định xưa (nay thuộc TP.Hồ Chí Minh), vùng đất thép anh hùng. Bà cũng như nhiều người con của quê hương Củ Chi, có một tuổi thơ không yên bình. Khi mới lớn lên, cả gia đình 8 người (gồm cả cha và anh chị em ruột) của bà đã bị chiến tranh cướp đi mạng sống. Và quê hương Củ Chi, từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp đã có những chiến khu Hố Bò, Phú Mỹ Hưng… là trọng điểm tập trung những cuộc hành quân càn quét, khủng bố của giặc. Khắp xóm làng đi đến đâu cũng thấy nhà cửa bị đốt phá, bao nhiêu người bị giết hại dã man. Không có chồng, mẹ của bà phải một mình tần tảo nuôi con. Chuyện đời ngổn ngang nhưng mẹ của bà vẫn luôn giáo dục con cái theo cách mạng. Mẹ của bà vận động anh chị theo bộ đội, còn bản thân mình cũng tham gia công tác Hội Mẹ chiến sĩ. Vì vậy, cho đến hôm nay, bà Huỳnh Kim Oanh cũng vẫn không hình dung được mái nhà gắn liền của tuổi thơ của mình như thế nào! Ký ức tuổi thơ của bà gắn liền với cảnh “ăn nhờ ở đậu”, hết nhà người này đến nhà người kia, toàn chạy giặc và chạy giặc. Năm 1951, sau nhiều lần chạy trốn giặc, mẹ của bà dẫn bà và anh trai lên Đồn điền cao su Dầu Tiếng sinh sống. Lúc ấy, bà Huỳnh Kim Oanh tròn 8 tuổi.
Ở Dầu Tiếng, chứng kiến sự đàn áp dã man của kẻ thù đối với nhân dân, bà Huỳnh Kim Oanh càng nung nấu lòng căm thù. Khoảng tháng 10-1959, thông qua ông Vũ Trọng Tam và Sáu Mạnh, bà tham gia hoạt động bí mật, làm liên lạc. Địa điểm chính là “Hòm thư chết” ở Lô 38 - Làng 10 (nay là xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng), đây chính là “nghĩa địa chôn những công nhân công tra từ trần”, những người mà mạng sống của họ rẻ hơn cỏ rác dưới gốc cây cao su...
Năm 1962, bà Huỳnh Kim Oanh chính thức thoát ly theo cách mạng, công tác tại Đoàn công tác B23, phụ trách Làng 6 - 6 Bis, Làng 7 (Đồn điền cao su Dầu Tiếng). Bà Huỳnh Kim Oanh kể: “Năm ấy, những cơn mưa đầu mùa ở rừng bất chợt đến thật nhanh. Mỗi buổi chiều về trong căn cứ, tôi nghe buồn làm sao, dù trước đây luôn mong sớm được thoát ly. Một nỗi nhớ nhà da diết”. Nhưng không có quá nhiều thời gian để suy nghĩ về chuyện nhà, nhiệm vụ bám địa bàn xây dựng cơ sở còn rất nhiều khó khăn mà bà phải tập trung giải quyết. Đó là việc phải đứng trước đám đông công nhân hàng ngàn người để diễn thuyết về việc tham gia cách mạng, con đường cách mạng…
Khi đó, đội công tác B23 chỉ có 4 anh em, nhưng phụ trách tới 3 làng. Vũ khí trang bị chỉ có 2 cây súng, chiến trường lại rất ác liệt, nhưng đội vẫn bám địa bàn hoạt động tích cực và đạt nhiều kết quả. Nhờ đó, đội góp phần bồi dưỡng được cơ sở mật ở các làng và phát triển thêm nhiều nhân tố mới.
Sống cho mọi người
Dù trở về đời thực là một thương binh, nhưng với bà Huỳnh Kim Oanh thì cuộc đời hoạt động cách mạng là một chuỗi ngày với biết bao niềm vui sướng! Bà bảo: “Vui nhất là sau ngày giải phóng, mỗi lần anh chị em về quây quần bên má lại được nghe má kể chuyện ngày xưa. Về những ngày má tảo tần ngược xuôi lo cơm áo giữa bom đạn giặc giã triền miên. Những đứa con làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc… Riêng chị Hai Nhơn được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng...”.
Dẫu biết rằng sự hy sinh máu xương là vô bờ bến và không có gì bù đắp được, nhưng với bà Huỳnh Kim Oanh thì đền đáp phải trở thành lẽ sống, là tâm nguyện của bản thân để phần nào xoa dịu được những nỗi đau đó. Vì vậy, sau khi nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 1987, bà bắt tay ngay vào việc. Bà tổ chức ngay việc khảo sát cuộc sống của đối tượng chính sách. Và một con số khiến bà nhức nhối: 35% gia đình chính sách đang có cuộc sống vất vả, thiếu thốn dù tỉnh đã có nhiều chính sách quan tâm…
Bà Huỳnh Kim Oanh nói: “Trong chiến tranh, tôi đi sâu làm công tác vận động đưa con em của các mẹ đi tòng quân đánh giặc. Khi đó, hòa bình rồi mà nhìn cuộc sống của các mẹ, các chị trống trước hụt sau, nhiều mẹ còn lại trơ trọi một mình, nhiều người con trở về là một thương binh hạng nặng, nhiều vợ liệt sĩ không nơi nương tựa… Nỗi đau như chồng lên nỗi đau!”.
Từ những trăn trở đó, bà Huỳnh Kim Oanh quyết tâm phải tham mưu đề xuất phương án chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình thương binh, liệt sĩ. Và chuyên mục truyền hình đầu tiên “Khoảng trống cuộc đời” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sông Bé phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Sông Bé đã ra đời. Một chuyên mục đi sâu vào đời sống còn nhiều thiệt thòi, nhất là vấn đề nhà cửa của các gia đình thương binh, gia đình chính sách. Ở đó có những hình ảnh của bà Nguyễn Thị Mai ở xã Phú An với 4 tấm bằng Tổ quốc ghi công của 4 liệt sĩ, cùng với 7 hay 8 huân chương kháng chiến được treo trên tấm vách của ngôi nhà tranh rách nát, trống trước trống sau… đã lay động trái tim những người đang sống.
Sau khi xem xong phóng sự, đồng chí Nguyễn Văn Luông, Bí thư Tỉnh ủy lúc ấy, nói: “Nếu Mỹ nó lấy được cuốn phim này tụi bây sẽ được thưởng to đó”. Song song đó, đồng chí Nguyễn Văn Luông chỉ đạo ngay: “Giao thừa năm nay phải có 200 căn nhà tình nghĩa bàn giao cho gia đình thương binh, liệt sĩ”. Và, tết năm 1989, hơn 200 căn nhà tình nghĩa được bàn giao cho các gia đình chính sách. Tiếp sau đó, những thước phim trong “Khoảng trống cuộc đời” trở thành “công cụ” đi vận động xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Để năm 1990, tỉnh tiếp tục vận động thêm được 190 căn nhà tình nghĩa. “Nhìn những căn nhà được xây dựng khang trang. Những người thương binh, những gia đình liệt sĩ có mái ấm, tôi thật sự ấm lòng”, bà Huỳnh Kim Oanh tự hào cho biết.
Được sống như người bình thường
40 năm công tác liên tục, chưa tính thời gian hoạt động bí mật trước khi thoát ly có thể nói là quá trọn vẹn với cuộc đời mỗi con người. Nhưng với bà Huỳnh Kim Oanh vẫn còn nhiều điều trăn trở. Vì vậy, sau ngày về hưu năm 2001, bà Huỳnh Kim Oanh đã không chọn cuộc sống an nhàn như nhiều người. Được sự động viên của lãnh đạo tỉnh, bà tiếp tục nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi tỉnh.
Bà Huỳnh Kim Oanh chia sẻ: “Khi còn là Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bà đã tham mưu thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi tỉnh. Chính sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… đã đem đến cho người tàn tật, trẻ mồ côi của tỉnh động lực để sống, niềm tin yêu vào tương lai phía trước. Nhờ đó, nhiều mảnh đời kém may mắn đã vượt lên số phận, hòa nhập cộng đồng, sống một cuộc đời có ý nghĩa. Những việc tôi làm chỉ mong muốn giúp họ có được cuộc sống như những người bình thường khác”.
Năm tháng qua đi, thời gian chẳng chờ, chẳng đợi ai… và với bà Huỳnh Kim Oanh cũng vậy. “Mỗi bước đi là một nỗi niềm. Vui có, buồn có, mất mát hy sinh có… Tuổi thơ vất vả. Những năm tháng chiến đấu gian khổ. Những nắm cơm nặng nghĩa của đồng bào vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. “Tất cả đã làm nên cuộc đời của tôi”, bà Huỳnh Kim Oanh chốt lại một câu trong cuộc trò chuyện với tôi như vậy.
THU THẢO