| 30-08-2022 | 16:15:20

Chuyên gia tư vấn cách để con bắt đầu đi học không khóc, không ốm

Năm học 2022-2023 chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh đang băn khoăn và lo lắng con mình đến tuổi đi học mầm non, sự khởi đầu không hề dễ dàng.


Trẻ đến trường sẽ được tham gia nhiều hoạt động học tập, trải nghiệm.

Có nên cho trẻ đi học mầm non sớm?

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho hay: "Trẻ mầm non học rất nhiều điều hay ở trường. Các bé được sống trong tập thể, vui chơi, chia sẻ với bạn bè, với cộng đồng riêng của mình.

Ngoài ra, trẻ đến trường mầm non học sống cùng người lớn khác (là các cô giáo), học cách tự mình ăn uống, đi lại, vệ sinh thân thể. Trẻ học nói năng chuẩn xác, cách chào hỏi lễ phép, học cách giao tiếp phù hợp theo kính ngữ (với người lớn chào và xưng hô khác với bạn bè). Trẻ học mặc quần áo, đi giày dép, đeo balo, đội mũ. Trẻ còn có vô khối các bài học khác như học hát, học múa, học nhảy, nghe đọc truyện, học thuộc thơ, học vẽ, học xé dán….

Ngoài ra, trẻ còn được các cô giáo tổ chức cho vui chơi dã ngoại, thăm thú và tìm hiểu về cuộc sống tự nhiên bên ngoài. Các cháu còn được học về Luật giao thông, các tín hiệu giao thông, cách thức tham gia giao thông đúng luật... Vì thế, cho con đi học mầm non là hợp lý và cần thiết".

Vậy đưa con đi thế nào để con không khóc, không ốm? Theo TS Thu Hương: "Điều đầu tiên cha mẹ cần chuẩn bị là đưa con đến ngôi trường đã chọn, cho con chơi ở đó 15 phút/ngày rồi về. Việc đó nên tiến hành khoảng 3 ngày. Thấy con không khóc, vui chơi thoải mái thì tăng thời gian ở đó lên 1 tiếng. 

Bố mẹ dắt con vào gần trong lớp học nhưng vẫn ngồi ngoài. Chắc chắn khi cô giáo giảng bài cho các bạn hay các bạn chơi trong lớp, con sẽ tự động lân la vào lớp học chơi cùng các bạn trong thời gian ở trường. Cha mẹ để con tự đi vào, nhớ là không dắt con vào. Trong thời gian con ở trong đó, cha mẹ vẫn ngồi ở ngoài đợi con. Kéo dài chuyện này trong 2 ngày. 

Nếu con vẫn không khóc, thích vào lớp đó chơi thì bố mẹ bắt đầu tránh ở đâu đó trong thời gian 15 phút. Nếu quay về con không khóc thì có thể tăng thời gian "trốn" lên 1 tiếng, 2 tiếng…. Đến khi con thực sự thoải mái với lớp thì cho con đi học cả ngày. Tuyệt đối không dặn dò hay nói chuyện lớp học gì khi con ở nhà. Làm sao để con thấy chuyện đến lớp cũng bình thường như lúc ở nhà.

Hãy trao đổi với cô giáo những đặc tính riêng của con, những thứ con thích và những thứ con không thích, con sợ. Yêu cầu cô giáo tuyệt đối không ép con ăn, để con tự do ăn theo sức. Như vậy con sẽ không sợ lớp và quen rất nhanh. Cha mẹ cần kiên nhẫn một chút để con có thể theo lớp dễ dàng.

Chuẩn bị cho con sức khỏe tốt

Đặc biệt, trong điều kiện môi trường đang có nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng như: Tay chân miệng, cúm A, COVID-19 diễn biến phức tạp… các bậc phụ huynh cần chuẩn bị cho con một sức khỏe tốt khi đi học.

TS.BS Phan Bích Nga, Trưởng khoa Khám Trẻ em, Viện Dinh dưỡng, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Nhi khoa cho biết, chuẩn bị cho con sức khỏe tốt, chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng như tấm lá chắn bảo vệ, tăng sức đề kháng cho trẻ khi năm học mới đang đến gần. Nếu không đảm bảo dinh dưỡng, thiếu chất, trẻ bị suy giảm đề kháng, trẻ dễ ốm vặt, mệt mỏi, hay ngáp vặt, buồn ngủ, thiếu tập trung, dễ cáu gắt... ảnh hưởng lớn đến học tập. 

Nhu cầu năng lượng sẽ nhân đôi nhân ba khi trẻ học tập nhiều hơn, phải thức khuya học bài và phải dậy sớm đến trường. Vì vậy, bổ sung dinh dưỡng rất quan trọng để trẻ bù đắp vào năng lượng bị tiêu hao và đủ năng lượng cho một ngày dài học tập. Cần đảm bảo đầy đủ các bữa trong ngày với: Đủ chất đạm, đường để duy trì năng lượng; đủ các vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng, tăng tập trung và tư duy cho trẻ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng sắt và kẽm có vai trò rất quan trọng với hệ miễn dịch. Tuy nhiên, thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2019 – 2020, toàn quốc có đến 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm và cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt. 

Tỉ lệ thiếu sắt và kẽm ở trẻ em Việt Nam nhất là trẻ dưới 5 tuổi vẫn đang ở mức cao. Trong khi đó, khả năng hấp thu sắt từ thực phẩm chỉ từ 5-15%, kẽm từ 10-30%. Đối với trẻ sau khi bị ốm, chậm lớn và biếng ăn, nên bổ sung sắt và kẽm. Phụ huynh nên chọn các sản phẩm có hàm lượng sắt và kẽm có thành phần hữu cơ sẽ dễ hấp thu.

Theo LĐO

Chia sẻ