Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đại tá Trần Thị Hường |
Nhân vật mà chúng tôi kể trong bài viết này là đại tá Trần Thị Hường (tức Hai Hường), nguyên chiến sĩ an ninh hoạt động trong lòng địch. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà Hai Hường làm Trưởng ban An ninh huyện Tân Uyên, Trưởng Công an huyện Phú Giáo, chức vụ sau cùng trước lúc về hưu là Phó Bí thư Đảng ủy Công an Sông Bé. Người phụ nữ này, sau giải phóng, trong đống hồ sơ của địch, công an ta tìm thấy hình ảnh của bà và bộ hồ sơ do địch xác lập với tiêu đề: “Tên nữ việt cộng cực kỳ nguy hiểm”…
Vào một đêm tối trời đầu những năm 60, từ phía cánh rừng cao su thuộc xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, một chiếc xe jeep rú ga lù lù tiến về phía trước, ánh đèn sáng quắc rọi xuống mặt đất loang lổ những hố bom. Băng qua đêm tối tĩnh mịt, chiếc xe bất ngờ dừng lại trước căn nhà khang trang. Cửa mở, người đàn ông trung niên dáng cao to và khuôn mặt lạnh lùng từ trên xe bước xuống. Bên hông ông ta lủng lẳng khẩu súng côn lúc nào cũng nạp đầy đạn. Ông nội về… Ông nội về…!. Dừng ngay! Cẩn thận! Sau góc cổ thụ ven đường, tiếng đồng chí chỉ huy tốp ám sát rít lên từng câu. Trẻ em không có tội, không ai có lỗi cả, chỉ tên này mới nợ máu cách mạng - người chỉ huy nhắc nhở. Nhìn kìa, đứa trẻ chạy vào nhà… Hành động! Người chỉ huy ra lệnh. Đoàng… Đoàng…! Tiếng súng cách mạng nổ vang trong đêm tối. Mấy hôm sau, cũng tại cánh rừng cao su giáp ranh xã Tân Bình, tiếng súng cách mạng lại vang lên một lần nữa dành cho kẻ nợ máu với nhân dân.
Hai vụ ám sát nổi tiếng trên diễn ra vào năm 1962 đối với hai tên cảnh sát, chỉ điểm khét tiếng là Trần Văn Thôi và Năm Be. Để quyết tâm bắt hai tên này phải đền tội, tổ chức của ta đã giao cho bà Hai Hường theo dõi trong một quá trình dài. Có lúc bà phải giả vờ đi học thợ may để tiếp xúc được với con gái của kẻ địch là chủ tiệm may; có khi bà phải ẩn nấp trong rừng cao su nhiều ngày để bám sát mục tiêu…
Sau cái chết của hai tên khát máu, những tên ác ôn khác lần lượt bỏ trốn vì sợ trừng trị. Phong trào cách mạng ở Tân Uyên tiếp tục trỗi dậy. Bà Hai Hường được tổ chức khen ngợi. Tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, bà đã lập nên những chiến công vang dội. Từ nay bà chính thức thoát ly, công khai hoạt động trên cương vị mới: Trưởng Công an xã Tân Bình và dần dần trở thành một cán bộ an ninh cực kỳ xuất sắc.
Bà Hai Hường (trái) cùng đồng đội trong thời gian hoạt động cách mạng (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cuộc đời hoạt động chiến đấu của đại tá Hai Hường là những chuỗi dài về thành tích và chiến công. Thế nhưng khi trò chuyện với chúng tôi bà nói rất ít về mình. Ở trong con người phụ nữ dày dạn trận mạc này, chúng tôi nhận thấy còn cả một tấm lòng đầy trắc ẩn. Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng trong bà luôn nhớ khôn nguôi về đồng đội, những người đã hy sinh cho sự nghiệp kháng chiến giành lại độc lập, tự do, hòa bình cho Tổ quốc. Trên bàn thờ của gia đình bà còn có di ảnh của một người đồng đội được bà thờ cúng từ lâu. Tôi tò mò hỏi về người nữ liệt sĩ ấy và được bà kể lại một câu chuyện rất hào hùng.
Một buổi sáng, trời vừa hừng đông, bỗng nghe tiếng quát tháo, hô hào - tụi lính Sư đoàn 5 ngụy, đóng ở Lai Khê bất ngờ xuất hiện. Địch bao vây áp chiến lược Chánh Lưu quyết liệt. Vòng ngoài là lính Mỹ, trong ấp có một tiểu đoàn ngụy và mỗi nhà có một tốp lính đến khám xét. Chúng đánh đập dã man những thanh niên trốn lính. Đau quá, một thanh niên chợt chỉ tay vào căn nhà ông Trần Văn Nữa (ba bà Hai Hường), nói: “Đừng đánh tôi nữa. Nhà ông này có cán bộ thường lui tới…”. Lập tức, một tiểu đội ngụy xông đến bao vây nhà ông Nữa. Chúng lôi ông ra đánh hộc máu miệng máu mũi. Khai mau! Hầm bí mật ở đâu - tụi lính hét vào mặt ông. “Không biết”! Chúng lại dội nước cho ông tỉnh rồi đánh tiếp. Chúng cho người cầm những thanh sắt dài, nhọn thọc xuống đất tìm hầm bí mật. Ông Nữa lúc tỉnh lại, lo lắng. Bởi trong vườn nhà ông có 3 hầm bí mật gồm hầm chứa vải, hậu cần của bộ đội; hầm chứa thuốc y tế của chiến khu và hầm cho cán bộ ở. Ha… ha…! Tên sĩ quan ngụy cười hô hố khi thanh sắt trong tay hắn vừa chọc đúng lỗ thông hơi một căn hầm. Hàng sống, chống chết! Chúng gọi hàng oang oang vào lỗ thông hơi. Mặt đất vẫn yên tĩnh như không hề có chuyện gì xảy ra.
Dưới căn hầm có ba người. Lý lịch trích ngang: 1- Đồng chị Phạm Thị Phi, bí danh Phạm Thị Nhàn, Bí thư Chi bộ xã Tân Bình, người từng giao nhiệm vụ cho bà Hường theo dõi, tiêu diệt hai tên ác ôn Thôi, Be, chức vụ khi đó của bà Nhàn là Thường vụ Hội Phụ nữ tỉnh Sông Bé vừa mới vào ấp chiến lược Chánh Lưu. 2- Đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Công an xã Tân Bình, chức vụ vừa mới nhận thay cho bà Hường lúc này đã về huyện công tác. 3- Đồng chí Hai Bi, quê miền Tây, cán bộ hậu cần quân khu đang vào ấp chiến lược tìm mua lương thực cho bộ đội. Ba người đang kiên cường đối mặt với quân thù trong tình thế hiểm nghèo. Sau một hồi gọi hàng không được, địch điên cuồng ném tạc đạn xuống hầm. Ba đồng chí đã anh dũng hy sinh. Chúng đào hầm, lôi xác các đồng chí lên nhưng không thu được thứ gì. Toàn bộ tiền, tài liệu đều nát vụn. Chứng tỏ trước lúc hy sinh các đồng chí đã xé nát tất cả. Đó là hành động anh hùng! Rất may, hai căn hầm còn lại chúng không phát hiện được. Ông Nữa bị chúng bắt về bót.
Kể đến đây, đôi mắt bà Hai Hường ngấn lệ. Tôi thấy trong ánh mắt kiên cường của bà sao lúc này đượm buồn quá. Bà đứng dậy thắp một nén nhang trên bàn thờ liệt sĩ Phạm Thị Nhàn và nghẹn ngào nói với chúng tôi: “Đồng chí Phạm Thị Nhàn là người đã dìu dắt tôi từ những ngày đầu tham gia cách mạng. Sau giải phóng, tôi đã đi tìm hài cốt của các đồng chí hy sinh dưới hầm vào an táng ở các nghĩa trang và từ đó tôi lập bàn thờ tại nhà, nhang khói cho đồng chí Nhàn…”.
Trong khi thế hào hùng của những ngày tháng tư cách đây 40 năm. Để chuẩn bị cho chủ trương xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, bà Hai Hường lúc này là Trưởng Công an huyện Phú Giáo đã cùng với lực lượng địa phương nhanh chóng đánh vào chi khu Phước Vĩnh, giải phóng huyện nhà. Là cán bộ công tác trên mặt trận an ninh, bà đã chỉ đạo lực lượng của ta đẩy mạnh công tác binh vận, địch vận trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến. Hàng trăm lính ngụy đã được bà tuyên truyền vận động khiến họ rã ngũ trở về địa phương chờ cách mạng tiến vào… Việc làm của bà đã góp phần cho lực lượng hai bên giảm bớt đổ máu. Riêng những kẻ ngoan cố đều bị trừng trị.
Bà Hai Hường nay đã về hưu sống một cuộc đời giản dị bên con cháu tại phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một. Hôm tôi trở lại thăm, bà cho biết bên Công an tỉnh vừa thông báo, Trung ương đã có quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho bà. Bà nói: “Qua báo chí, cho tôi được chia sẻ vinh dự này đến tất cả đồng đội của tôi, đến bà con nhân dân đã cưu mang giúp đỡ tôi trong những năm kháng chiến đầy cam go ác liệt…”.
KIẾN GIANG