Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đi nhiều, gặp gỡ nhiều nhưng với tôi, ông là một người họa sĩ kỳ lạ nhất mà tôi từng gặp. Lạ ở chỗ là mãi đến lục tuần ông mới tập tành làm họa sĩ. Lạ ở chỗ là người con đất Thủ chưa từng được đến Huế lần nào nhưng tranh của ông chủ yếu vẽ về Huế, đẹp, sinh động và chân thật như chính ông sinh ra và lớn lên ở đó vậy. Ông chính là người “họa sĩ già” Nguyễn Đức Huỳnh với công việc chính hàng ngày là bảo vệ tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương.
“Họa sĩ” Nguyễn Đức Huỳnh, bảo vệ trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương vẫn tiếp tục vẽ tranh sau cơn tai biến nhẹ. Ảnh: S.ANH
Trong chiến tranh, ông Nguyễn Đức Huỳnh (sinh năm 1947) từng là nhân viên tiếp vận, chuyển tin của căn cứ 60, Gò Vấp, TP.HCM. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về với công việc của một nhà nông, bằng lòng với cuộc sống thanh bình đạm bạc bên vợ con. Nhưng rồi khi tuổi đã cao, không còn đủ sức để kham việc ruộng vườn nữa, ông xin làm bảo vệ tại trường Mỹ thuật Bình Dương (nay là Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương) từ năm 2002 đến nay.
“Được tiếp xúc với đủ loại hình mỹ thuật tại trường, tôi cũng có ý định học vẽ để giải trí tuổi già. Thầy Nguyễn Hùng Việt, Trưởng khoa Điêu khắc là người thầy tôi kính trọng lắm. Thầy rất tâm lý, bao lớp học sinh ở trường đều mến và nể thầy. Với tôi, những nét vẽ cơ bản nhất cũng do thầy chỉ dẫn, ngay cả màu, cọ… thầy Việt cũng là người sắm cho tôi. Đặc biệt hơn, chính thầy Việt là người động viên tôi học để thành “họa sĩ”…”, ông Huỳnh bộc bạch.
Đã gần 70 tuổi và đôi mắt không còn được sáng sau một cơn tai biến nhẹ, nhưng khi trò chuyện về hội họa, dường như ông Huỳnh vui hơn, rạng ngời hơn. Ông say mê chia sẻ về luật xa gần, về cách pha chế màu sắc để bức tranh của mình được sống động, gần gũi với thực tế nhất… Ông Huỳnh nói rằng, chính sự động viên của mọi người đã khích lệ ông mạnh dạn vẽ, sáng tác. Có những hôm dồi dào cảm hứng, ông ngồi vẽ đến 1, 2 giờ sáng, rồi quay sang công việc chính của mình là quét dọn trường lớp cho kịp giờ lên lớp của trường. Xong công việc, ông lại vào nhìn ngắm tác phẩm của mình. Lúc thì nhìn gần, rồi lại nhìn xa… tự cảm thấy hạnh phúc khi thể hiện được những gì mình nghĩ.
Được tiếp xúc với mỹ thuật chưa nhiều, nhưng ông cố gắng tiếp thu những gì các thầy dạy và những góp ý trực tiếp trên từng tác phẩm để hoàn thiện kỹ năng. Điều đó làm ông càng hưng phấn hơn với việc sáng tác tranh của mình. Suốt gần 8 năm cầm cọ, đề tài chủ yếu của ông là phong cảnh. Đặc biệt, ông dành một tình yêu lớn cho xứ Huế dù chưa một lần đến thăm. Để có những bức vẽ chân thực về Huế, tác giả đã xem, đã nghiên cứu nhiều về Huế, về con người, cảnh vật đến màu sắc đặc trưng ở đây… Đến nay, người họa sĩ già đã có hơn 30 tác phẩm về Huế. Phần lớn trong số đó được các thầy, các con “rước” đi gần hết, ông chỉ giữ lại 3 bức làm kỷ niệm của tuổi già. “Tôi biết tranh vẽ của tôi chưa đẹp đâu. Các thầy muốn giữ chúng như là một lời động viên, khích lệ đối với một ông bảo vệ già mê vẽ tranh thôi…”, ông Huỳnh vui vẻ nói.
Với những điều đặc biệt này, chính ông Huỳnh cũng từng là đề tài sáng tác trong một bức vẽ của họa sĩ Hoàng Văn Cử, mà hiện ông đang lưu giữ tại nhà như một kỷ niệm. Chia tay phóng viên, ông Huỳnh nói rằng hiện giờ ông chỉ còn một mong mỏi duy nhất là còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc và tiếp tục sống với đam mê hội họa của mình.
SONG ANH