Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, Trường Tiểu học Song Tử Tây giảng bài cho học sinh khối lớp 3 của lớp ghép. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), nơi rộn ràng nhất là các trường học bởi lúc nào cũng có tiếng trẻ nô đùa, thầy giảng, trò đọc theo, rồi cả tiếng cười trẻ thơ giòn tan trong nắng trời gió biển.
Với những người thầy nơi đây, Trường Sa trở thành quê hương; trường, lớp là nhà và học trò là con.
Trường Sa hiện có ba trường học là Sinh Tồn, Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa. Mỗi trường có hai thầy giáo đảm nhận giảng dạy, chăm sóc cho trẻ mầm non và tiểu học. Dù xa đất liền, đời sống trên các đảo còn nhiều khó khăn nhưng điều kiện học tập của học sinh nơi đây vẫn đủ đầy.
Mỗi năm, các giáo viên ở huyện đảo Trường Sa đều có ngày nghỉ phép vào đất liền để thăm nhà và tập huấn các kiến thức chuyên ngành.
Đến Trường Tiểu học Sinh Tồn, chúng tôi vui mừng gặp lại thầy giáo trẻ Phạm Xuân Diệu (sinh năm 1993) và thầy Nguyễn Công Qua (sinh năm 1994).
Năm 2018, chúng tôi đã có dịp gặp hai thầy trước ngày ra Trường Sa nhận công tác và được biết, để đến với Trường Sa, hai thầy đã cố gắng không ngừng nghỉ trong chuyên môn khi dạy ở đất liền. Vì vậy, trong hàng trăm lá đơn tình nguyện ra đảo, đơn của hai thầy được chấp thuận ngay từ lần gửi đầu tiên.
Tôi vẫn nhớ như in câu chuyện thầy Diệu tâm sự năm đó: “Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (Khánh Hòa), tôi đã mong muốn sau này được đem con chữ đến với những em nhỏ ở vùng khó khăn, giúp các em tiếp cận kiến thức. Với Trường Sa, những đứa trẻ ở vùng biển, đảo xa xôi này, ai cũng dành những tình cảm đặc biệt và với tôi, tôi thể hiện bằng cách xin tình nguyện ra dạy nơi đây."
Trong nhịp điệu hồi tưởng, thầy Qua đã níu tôi về thực tại với câu chuyện ngày đầu tiên đặt chân đến với xã đảo Sinh Tồn. Thầy kể, hôm đó, dù vẫn còn cảm giác say sóng do không quen với hải trình đi trên biển của tàu thủy, nhưng vừa thấy màu đỏ của mái trường, mùi thơm của sơn tường và cả mùi của bàn ghế gỗ… cả hai thầy đều khỏe trở lại, xắn tay áo vào dọn dẹp khu nhà ở và vệ sinh trường lớp.
“Với cá nhân tôi, được đi dạy tại Trường Sa là một niềm tự hào. Nơi biển đảo thiêng liêng, chúng tôi quyết tâm không chỉ mang con chữ đến cho trẻ mà còn là những “người cha” giáo dưỡng các em thành tài, để mai này chính các em sẽ là những bảo vệ vững vàng chủ quyền biển đảo nước ta," thầy Qua chia sẻ.
Giờ đây, khi đã ra đến tận đảo xa, chúng tôi càng cảm phục hơn ý chí của những thầy giáo trẻ năm nào khi tình nguyện ra đảo. Giữa nắng gió biển trời, mênh mông biển khơi, trường đảo là nơi còn nhiều khó khăn, các thầy đã khắc phục và giúp học sinh ở đây đủ đầy chẳng kém gì ở đất liền.
Trẻ ở đây ít có điều kiện giao tiếp xã hội như trẻ trong đất liền. Các thầy đã cố gắng cập nhật kiến thức xã hội và chuyên môn nghiệp vụ, từ đó tổ chức giảng dạy dưới nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế ở đảo. Ví như hoạt động học tập ngoại khóa, giao lưu, vui chơi cùng các em để lớp học không còn bị bó buộc trong 4 bức tường, trong những quyển sách mà là lớp học ngoài trời. Phải nói rằng ngôi trường ở đây tràn ngập lòng yêu thương, mỗi con chữ các thầy dạy vượt lên cả những khó khăn nơi này.
Khi đến với Trường Tiểu học Song Tử Tây, quan sát một lớp học ghép, chúng tôi mới cảm nhận hết lòng nhiệt huyết của thầy trò nơi đây, cả thầy và trò đều hăng say dạy và học. Người thầy bước vội từ bàn này sang bàn khác để hướng dẫn các em học theo nội dung từng khối lớp khác nhau.
Biết có khách đến thăm ngoài cửa, nhiều bạn nhỏ ngóng ra sân trường, nôn nao chờ đến giờ ra chơi để đón khách. Khi thầy Nguyễn Hữu Phú cho lớp giải lao, chúng tôi được dịp trò chuyện với hai cô cậu học sinh.
Các em hồn nhiên đọc bài thơ: “Quê em ở Trường Sa”: “Yêu lắm Trường Sa ơi/Cho em những nụ cười/Yêu lắm chú bộ đội/Dạy em hát em chơi/Các bạn đất liền ơi/Một lần ra đảo nhé/Tự hào em sẽ kể/Quê em ở Trường Sa...”
Sầm Thị Trúc Ly, học sinh lớp 3 - cô gái bạo dạn, chững chạc và nghiêm túc của lớp chào chúng tôi và giới thiệu về mình rất tự tin. Hỏi Ly thích học môn nào nhất, cô bé đáp nhanh: “Con thích học môn Toán, học giỏi Toán, chúng con sẽ làm được rất nhiều việc có ích sau này," "Thầy Phú dạy môn toán rất dễ hiểu, nhớ lâu nữa ạ!"
Khi được hỏi, cô bé đều trả lời rất lễ phép, bởi với những đứa trẻ nơi đây từ lúc sinh ra đến lúc học con chữ, cuộc sống gói gọn trong các mối quan hệ là ba mẹ, anh chị em, là bạn bè, thầy giáo và cả các cán bộ, chiến sĩ. Tất cả đều như là người thân của nhau trong một gia đình lớn.
Cậu bé Ngô Nguyễn Thiên Long, học cùng lớp với Ly cũng không kém cạnh khi khoe với chúng tôi về chiếc cặp sách, hộp bút mới của mình.
Long hào hứng: “Đây là quà của con nhận được từ trong đất liền, do chúng con có kết quả học tập tốt trong năm học vừa qua đấy ạ. Còn kia là khu trượt ngoài trời cho mấy em nhỏ chơi. Chúng con rất yêu quý những món quà và bạn nào cũng cố gắng giữ gìn cẩn thận."
Chúng tôi nghe xong ai cũng thấy thương các bạn nhỏ nơi đảo xa, chỉ mong làm sao ở đất liền mỗi người góp ít, để rồi gửi thật nhiều, thật nhiều đồ dùng học tập và cả đồ chơi cho các em nhỏ nơi đây.
Giữa cái nắng vàng mật của những ngày Hè, trẻ vẫn nô đùa trên sân. Thầy Nguyễn Hữu Phú vừa đón chúng tôi vào tham quan trường, vừa nói: “Tôi là người ở vùng nông thôn Vạn Ninh, Khánh Hòa. Vất vả từ nhỏ quen rồi nên được phân về công tác ở huyện miền núi tôi liền nhận ngay. Năm 2013, tôi bắt đầu nộp đơn xin ra đảo giảng dạy, mãi đến năm 2018 với lá đơn thứ sáu, tôi mới đạt được nguyện vọng."
Đến với phòng thiết bị đồ dùng dạy học, nhìn khắp mọi nơi, ai cũng ồ lên ngạc nhiên bởi các thiết bị dạy học rất sáng tạo.
Thầy Phú hiểu, vội chia sẻ: Ngoài đảo, khí hậu khắc nghiệt lắm, các đồ dùng dạy học từ đất liền gửi ra rất nhanh hỏng do hơi nước mặn. Hai thầy giáo của trường tự mày mò rồi sáng tạo đồ dùng dạy học nên mới có những thùng mỳ gói thành bảng tính, mỗi con sò là một viên đếm…
Đón con sau giờ tan trường, chị Nguyễn Thị Lan, phụ huynh của hai học sinh chia sẻ, các con của chị học rất chăm; chất lượng học tập rất tốt; thầy giáo không chỉ nhiệt tình dạy trên lớp, bài nào chưa hiểu thì dù là ngày nghỉ các cháu cũng sang tìm thầy để thầy giảng.
Chia tay thầy Phú, chúng tôi mang theo mong mỏi của thầy “học xong cấp tiểu học, cháu nào cũng có đủ kiến thức vững vàng để theo học kịp cùng các bạn trong đất liền. Có như vậy, đối với mỗi người làm thầy như chúng tôi, đó mới là kết quả xứng đáng nhất khi “trả lời” với đất liền."
Hai trường tiểu học chúng tôi đi qua, mỗi câu chuyện của những con người “gieo chữ” giữa muôn khơi xa đều để lại nhiều ấn tượng sâu đậm.
Thầy Bành Hữu Tình trong giờ lên lớp tại Trường Tiểu học Trường Sa. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Tại Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, thầy giáo Bành Hữu Tình (sinh năm 1982) có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ thầy đã sống tự lập cùng với mơ ước được giảng dạy ở vùng khó khăn. Trước khi đến với Trường Sa, thầy cũng đã dạy tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Hòa suốt nhiều năm liền.
Rời huyện đảo Trường Sa, rời những ngôi trường tiểu học với những lớp học thật đặc biệt để trở về giữa nắng gió và vị mặn mòi của biển, bất giác chúng tôi lại nhớ đến bài thơ được thầy và trò nơi đây đọc lúc chia tay đoàn: "Ngày qua ngày, đêm qua đêm/Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa/Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ/Ta vẫn vượt qua..."
Để rồi khi về đất liền, chúng tôi lại bâng khuâng nhớ về những bục giảng nơi đầu sóng Trường Sa ấy. Chúng vừa là nơi gửi gắm khát khao của thầy giáo trẻ, vừa là nơi chắp cánh ước mơ cháy bỏng của những đứa trẻ lớn lên ở Trường Sa.
Không riêng tôi, ai cũng nghĩ rằng: mai này, những công dân đặc biệt được cùng gia đình sinh sống, học tập ở nơi vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, với sự giáo dưỡng tuyệt vời này sẽ lại trở thành những người có thể đương đầu với những cơn sóng dữ, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc./.
Theo TTXVN