Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nước rỉ rác là loại chất thải “cứng đầu” mà cả nước chưa có giải pháp xử lý tối ưu, do thành phần rất phức tạp lại biến động liên tục, đòi hỏi kỹ thuật xử lý cao và rất tốn kém. Vì lẽ đó mà các nhà máy xử lý rác, dù đã được chuyển giao công nghệ tiên tiến, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để loại chất bẩn này. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, lòng yêu nghề và sự dấn thân vì khoa học, Phòng Thí nghiệm của Xí nghiệp Xử lý chất thải thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) do kỹ sư trẻ Cổ Kim Tuyến đứng đầu đã nghiên cứu, hoàn thiện quy trình xử lý nước rỉ rác bằng công nghệ sinh hóa đạt hiệu quả cao, tiết kiệm và an toàn…
Làm chủ công nghệ
Tốt nghiệp ngành kỹ thuật môi trường trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh năm 2009, kỹ sư trẻ Cổ Kim Tuyến được Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) nhận vào làm việc và phân công phụ trách mảng kỹ thuật xử lý nước tại phân xưởng xử lý nước thải của Xí nghiệp Xử lý rác thải Bình Dương. Dù là nhà máy mới, công nghệ hiện đại, nhưng việc chuyển giao chỉ dựa trên lý thuyết và mức độ xử lý bình thường, trong khi thực tế rác thải tại địa phương là rất đa dạng, phức tạp, chưa kể trong quá trình ủ rác, chất thải tiếp tục tồn dư, lắng đọng và sinh khối… thì việc xử lý càng khó khăn, tốn kém.
Kỹ sư Cổ Kim Tuyến là người sau cùng kiểm tra, ghi chép các thông số kỹ thuật trước khi kết thúc ngày làm việc. Ảnh: D.CHÍ
Được giao trọng trách nghiên cứu, vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác đạt quy chuẩn cột A, nhưng phải tiết kiệm, bảo đảm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp, kỹ sư Tuyến xác định: Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là phải xây dựng cho được ê kíp làm việc, bởi vì có những người yêu nghề, tâm huyết với công việc, dám dấn thân mới làm chủ được công nghệ, từ đó sẽ vận hành hệ thống đạt yêu cầu và hiệu quả như mong muốn.
Có được ê kíp hoạt động, cả tổ bắt tay vào hệ thống lại quy trình vận hành để kiểm soát chất lượng nước ngay từ đầu vào, từ đó “cân lượng” được thời gian, chi phí xử lý bảo đảm theo yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả mà lãnh đạo công ty đặt ra. Từ việc quản trị được quy trình công nghệ xử lý, nắm vững quy luật phát sinh và biến động nguồn rác theo mùa, cả tổ bắt tay vào nghiên cứu giải pháp xử lý bằng việc kết hợp giữa xử lý vi sinh với xử lý hóa chất để bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm. Kỹ sư Tuyến cho biết: Nếu xử lý bằng hóa chất thì đã có công thức nhưng rất tốn kém và mất thời gian, trong khi yêu cầu của xí nghiệp là phải có lãi, nên giải pháp đặt ra là phải nghiên cứu kết hợp giữa công nghệ xử lý vi sinh với xử lý hóa chất để hạ giá thành mà vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng nước đã qua xử lý. Nhờ kiểm soát được lượng nước đầu vào, cân đo được độ bẩn để có phương án gây men vi sinh hợp lý. Quá trình lên men đã giúp phân ly được một phần chất bẩn “cứng đầu” để từ đó tiếp tục làm sạch bằng hóa chất.
Chưa hài lòng với kết quả đạt được, kỹ sư Tuyến còn chủ động đề xuất Ban Giám đốc công ty trang bị thêm một số trang thiết bị dự phòng, cải tạo và sửa chữa nhiều hạng mục, lắp đặt thêm cánh khuấy và điều chỉnh lại đường đi của nước trong bể trộn nhằm ổn định độ pH trước khi đuổi khí Amoniac để tiết kiệm điện, hóa chất trong quá trình xử lý; nghiên cứu bổ sung dưỡng chất trên bể xử lý sinh học để nâng cao hiệu quả xử lý Nito trong nước rỉ rác nhằm bảo đảm chất lượng nước sau xử lý luôn ổn định… Kết quả: Xí nghiệp không chỉ làm chủ được quy trình công nghệ xử lý mà còn chủ động nâng cao hiệu quả bằng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp tăng công suất xử lý nước lên 37% so với thời gian đầu, từ 300m3/ ngày đêm năm 2011 đã tăng lên đạt đỉnh công suất 480m3 đến 500m3/ngày đêm. Lượng điện xử lý giảm 18%; chi phí xử lý 1m3 nước rỉ rác giảm 10%. Công tác an toàn lao động luôn được bảo đảm.
Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Xử lý chất thải Bình Dương cho biết: Với lòng đam mê khoa học và nhiệt huyết của tuổi trẻ, kỹ sư Cổ Kim Tuyến đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, ứng dụng nhiều giải pháp hay như dùng vi sinh để phân hủy chất hữu cơ (N) khó xử lý trong nước rỉ rác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Là cán bộ quản lý, kỹ sư Tuyến luôn có phương pháp điều hành sáng tạo, phát huy sức mạnh và trí tuệ tập thể liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Mỗi ngày xí nghiệp tiếp nhận từ 1.500 đến 1.700 tấn rác thải các loại. Do rác thải chưa được phân loại từ đầu nguồn, nên nước rỉ rác cũng liên tục biến thiên theo chiều hướng ngày càng phức tạp. Để “bẻ gãy” được các liên kết hóa tính trong chất thải “cứng đầu” này, phòng thí nghiệm phải liên tục tìm kiếm, cân đo các yếu tố gây nên tính “cứng đầu” của nước thải để có giải pháp xử lý thích hợp.
Kỹ sư Cổ Kim Tuyến tâm sự: Cùng với kiến thức được học từ nhà trường kết hợp kinh nghiệm học tập từ các hội nghị, hội thảo, bản thân phải lao vào nghiên cứu. Bởi vì rác thải vốn rất đa dạng, mỗi nơi mỗi khác, trong khi công nghệ được chuyển giao chỉ mang tính lý luận, khi phát sinh cái mới thì nhóm quản lý phải tự mày mò, tìm kiếm cách xử lý. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo công ty, lãnh đạo xí nghiệp mà Phòng Thí nghiệm của xí nghiệp đã chế tạo ra chế phẩm sinh học nâng cao hiệu quả xử lý chất hữu cơ trong nước rỉ rác. Thành quả này có phần khá quan trọng nhờ được tham dự các khóa đào tạo, học tập kinh nghiệm từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc…
Một năm sau ngày được tuyển chọn vào làm việc tại Xí nghiệp Xử lý chất thải, kỹ sư Cổ Kim Tuyến liên tục là cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là chiến sĩ thi đua cấp công ty nhiều năm liền và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Sau thành công của chế phẩm sinh học nâng cao hiệu quả xử lý chất hữu cơ trong nước rỉ rác, kỹ sư Cổ Kim Tuyến tiếp tục có những đề xuất quan trọng như: Cải tạo lại hồ xử lý sơ bộ thành bể điều hòa để nâng cao hiệu quả xử lý Amonia, giảm tần suất vệ sinh tháp Stripping để tiết kiệm chi phí nhân công. Kỹ sư Cổ Kim Tuyến là người thực sự yêu nghề dấn thân vì khoa học.
DUY CHÍ