| 27-10-2010 | 00:00:00

Có một góc Ngô Bảo Châu ở đất Thủ

Có một góc trang trọng và lặng lẽ dành cho vị giáo sư (GS) toán học làm rạng danh trí tuệ Việt Nam ngay trên đất Thủ Dầu Một. Nói khác hơn, đó là một nơi chất chứa sự tôn kính dành cho ông của một người dân Bình Dương.

 Dựng tượng GS Ngô Bảo Châu

 Những ngày này, nhiều người có thói quen nhâm nhi cà phê ở quán Tình Bằng Hữu, số 15 đường Yersin, TX.TDM đều quá đỗi ngạc nhiên khi đập vào mắt họ ngay ở lối vào chính của quán là một bức tượng GS Ngô Bảo Châu đứng trầm ngâm, lặng lẽ. Tượng làm bằng chất liệu nhựa tổng hợp, có chiều cao 3m, giả đồng. Ở bức tượng GS Châu, người đúc đã cố gắng thể hiện nét tinh anh của trí tuệ Việt với đôi mắt GS nhìn thẳng về phía trước, một tay cầm lấy gọng kính và một tay cặp cuốn sách. Không phải là một bức tượng ngồi trầm ngâm, suy nghĩ mà là một tư thế đi thẳng về phía trước thể hiện tinh thần cầu tiến và ý chí vươn lên của người Việt.

  Tượng GS Ngô Bảo Châu ở quán cà phê Tình Bằng HữuAnh Phạm An Hòa, một công chức đang làm việc tại TP.HCM xuýt xoa: “Đây là một ý tưởng quá đỗi lạ lẫm. Trong khi Nhà nước có những chính sách đãi ngộ hết sức đặc biệt đối với GS Ngô Bảo Châu để thể hiện chế độ biệt đãi nhân tài, thì ở ngay đây, có người dân đã âm thầm thể hiện sự yêu quý đối với ông rồi”. Cũng theo anh Hòa, dù ở xa nhưng do yêu cầu công việc nên anh hay chạy xe máy từ TP.HCM lên Bến Cát, Dầu Tiếng để làm việc. Mỗi tuần 3 buổi đều đặn, anh đều ghé lại quán cà phê này, ban đầu là tò mò nhưng sau là còn tìm hiểu xem ai đã nảy ra ý tưởng độc đáo trên.

Sau nhiều lần thăm dò và qua nhiều người trung gian, chúng tôi mới được biết anh Phùng Minh Tâm, chủ quán là người đã có ý tưởng đặt tượng GS Ngô Bảo Châu ngay trong khuôn viên của quán. “Ban đầu tôi định đặt tượng Khổng Minh Gia Cát Lượng trong khuôn viên quán nhưng suy đi nghĩ lại không ổn, vì ông ta là người Trung Quốc. Sau đó nhờ bạn bè góp ý, tôi nghĩ nên đặt tượng GS Ngô Bảo Châu thì đúng hơn. Vì tôi ngưỡng mộ ông ta”. Nghĩ là làm. Anh Tâm vận dụng tất cả các mối quan hệ quen biết của mình để có bằng được pho tượng GS Ngô Bảo Châu ưng ý. Ban đầu, anh định đúc tượng bằng vật liệu đồng nhưng giá thành quá cao, lên đến 1 tỷ đồng nên anh chuyển sang vật liệu khác. Rất may, có người bạn biết anh Tâm muốn dựng tượng Ngô Bảo Châu nên tặng luôn bức tượng bằng nhựa tổng hợp và... không tiết lộ giá. Nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người trong nghề, bức tượng trên có giá không dưới 200 triệu đồng.

Có lẽ, ngay cả chính vị GS toán học nổi tiếng của Việt Nam cũng khó ngờ rằng mình chiếm được ấn tượng đậm nét của một người dân đất Thủ như thế. Bởi xưa nay, việc dựng tượng gần như chỉ dành cho các bậc tiền hiền có công lớn với nước, huống chi là một vị GS toán học tuổi đời còn quá trẻ như Ngô Bảo Châu. Nhưng âu, đó cũng là tâm cảm của người đã vinh danh trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế.

“Tôi không đam mê toán học”

 Đó là lời khẳng định của ông chủ Phùng Minh Tâm trước sự tò mò của nhiều người khi hỏi về duyên cớ và động cơ đặt tượng. Anh Tâm giải thích thêm: “Tuổi thơ tôi lớn lên từ vùng đất khó khăn An Điền, Bến Cát. Nhà tôi đông anh em, lại là thuần nông nên việc học cũng có hạn chế hơn người khác. Tôi học môn toán không đặc biệt cho lắm, có thể nói là dở nên tôi không hề yêu thích hay đam mê môn toán”. Dù không thích toán học nhưng anh Tâm cho biết anh rất tự hào khi biết qua báo, đài Trung ương và địa phương về tấm gương GS Ngô Bảo Châu trong việc rèn luyện nhân cách và trí tuệ. Đó là một hình mẫu lý tưởng thực sự đáng để anh kính trọng.

“Nhiều người vào quán, ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào tượng là họ sẽ nghĩ ngay đến một Ngô Bảo Châu của toán học. Nhưng tôi lại nhìn ông ta với một góc độ khác, góc độ về người đàn ông thành đạt cả về khoa học, xã hội lẫn gia đình” - anh Tâm bộc bạch - “Có người sẽ đặt dấu hỏi liệu tôi có đặt tượng để câu khách không? Nhưng thực sự, tôi đặt tượng GS Ngô Bảo Châu vì lòng ngưỡng mộ và muốn tạo nên một góc riêng trang trọng cho nhiều người, nhất là tôi và bạn bè nhìn vào đó để tự hào, phấn đấu thêm”.

Hiện anh Phùng Minh Tâm là nhân viên của Sở Công Thương Bình Dương. Quán cà phê Tình Bằng Hữu do anh đứng tên làm chủ sở hữu đã tồn tại hơn 20 năm. Ban đầu quán lấy tên Lucky, theo tên của con trai đầu anh Tâm, hiện đang du học ở Mỹ. Sau đó, quán lấy tên Tình Bằng Hữu nhằm tạo ra điểm hẹn, giao lưu cho gia chủ với bạn bè là chính. Vào quán, ngoài bức tượng GS Ngô Bảo Châu đặt ngay trung tâm của sân vườn, nhiều người sẽ còn ấn tượng với nhiều bức tượng bằng đá rất tinh xảo. Theo tiết lộ của anh Tâm, quán có 2 bức tượng được đem về từ Italia, được chế tác theo phong cách La Mã cổ đại. Ngoài ra, ngay cổng ra vào có hẳn một bức tượng mang tên: “Lá lành đùm lá rách” rất đẹp và nhiều ý nghĩa. Nhưng thâm thúy nhất vẫn là bức hoành phi bằng đá khắc “10 điều giúp giàu, 10 điều làm nghèo” bằng cả chữ Hán lẫn chữ quốc ngữ. Tấm hoành phi ấy được anh Tâm ghi nội dung từ Trung Quốc, thấy hay quá nên tìm người khắc đá rồi đặt trong quán để mọi người cùng chiêm ngẫm. Trong quán còn có những gian nhà cổ, cây cảnh, hoành phi... đầy ý nghĩa nhân văn khác.

Chẳng một lần gặp gỡ và cũng chẳng có mối liên hệ nào với GS Ngô Bảo Châu, có chăng là sợi dây tình cảm quý mến và kính trọng một trí thức Việt, ấy vậy mà ở đất Thủ vẫn có một người tặng cho Ngô Bảo Châu một góc đứng trang nghiêm. Đó hẳn nhiên cũng là một tấm lòng “Biệt nhỡn liên tài” giữa con người với con người rồi!

Hoạt động dựng tượng người sống được xem là việc rất đỗi bình thường ở các quốc gia trên thế giới. Tuy có nhiều hình thức khác nhau và bằng nhiều loại chất liệu khác nhau nhưng nhìn chung hoạt động dựng tượng đều gắn liền với mục đích, ý nghĩa nhằm tỏ lòng sùng kính, ái mộ đối với người được dựng tượng. Đây là một hoạt động hết sức bình thường và không hề trái pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục như một số người quan niệm.

 

 

LÝ KHÁNH VINH

Chia sẻ