Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Cùng với sự phát triển, nhiều lò gốm trên địa bàn cũng đầu tư máy móc, trang thiết bị để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Có một lò gốm cổ tồn tại rất lâu đời trên đất Bình Dương nhưng đến nay vẫn giữ nguyên hoạt động sản xuất theo kiểu truyền thống, đó là Lò lu Đại Hưng trên địa bàn phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một...
Những người thợ gốm đang tạo sản phẩm ở Lò lu Đại Hưng
Giữ nét truyền thống
Bình Dương là vùng đất có nhiều nghề thủ công truyền thống lâu đời, như gốm sứ, sơn mài, mộc... Trong các nghề truyền thống đó, gốm sứ là nghề có sự phát triển khá ổn định và ngày càng phát triển khởi sắc trên đất Bình Dương. Những sản phẩm gốm sứ của đất Bình Dương đã và đang được nhiều người biết đến, chọn lựa không chỉ bởi sự đa dạng, phong phú về chủng loại, mà còn đẹp và chất lượng.
Ông Bùi Văn Giang, chủ Lò lu Đại Hưng, cho biết ông là đời thứ 6 quản lý lò lu. Lúc đầu, lò lu này do người Hoa lập nên. Đến đời chủ thứ 5, do làm ăn không phát triển nên lò lu ngưng hoạt động. Là một người yêu nghề, gắn bó với lò lu lâu năm và muốn giữ lại nghề truyền thống này nên ông Giang đã xin phép được tiếp nhận để lò lu hoạt động trở lại. Theo ông Giang, tính đến nay, lò lu này đã tồn tại khoảng 180 năm. Mặc dù trải qua bao thăng trầm, thay đổi, nhưng sản phẩm của Lò lu Đại Hưng vẫn giữ được những nét truyền thống từ xưa để lại. Lò chuyên sản xuất những sản phẩm gốm gia dụng, gần gũi với đời sống người dân, trong đó chủ yếu là các loại lu, hũ, khạp.
Tất cả những sản phẩm được sản xuất từ lò lu này hiện nay cơ bản vẫn giữ những nét xưa truyền thống. Đất nguyên liệu sau khi nhập về được cán bằng máy (khâu này có thay đổi so với cách làm thủ công trước đây để giảm bớt phần nặng nhọc), sau đó được thợ in nhồi, tạo ra sản phẩm và mang đi phơi nắng. Sản phẩm sau khi phơi khô, được thợ chế men, tiếp tục phơi khô rồi mới đưa vô lò nung. Theo ông Giang, do các công đoạn chủ yếu làm bằng thủ công nên khá mất thời gian so với những lò gốm sử dụng máy móc. Thế nên, phải 1 tháng thì mới có đủ sản phẩm để đốt lò một lần. Và mỗi lần đốt lò phải 3 ngày liên tục thì mới cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. “Để tạo ra sản phẩm đẹp, trong các khâu, quan trọng nhất là khâu in và đốt lò. Ở 2 khâu này, đòi hỏi thợ phải có tay nghề và kinh nghiệm lâu năm thì mới tạo ra sản phẩm đẹp và giữ được độ lửa chuẩn trong thời gian đốt lò...”, ông Giang chia sẻ.
Phát huy giá trị di tích
Hiện nay, trên địa bàn phường Tương Bình Hiệp có nhiều lò lu hoạt động, nhưng Lò lu Đại Hưng được xem là lò gốm xưa nhất, cổ nhất trên đất Bình Dương. Trải qua nhiều đời chủ quản lý, lò lu hiện nay vẫn tồn tại, tạo ra những sản phẩm gần gũi phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trong và ngoài tỉnh.
Do làm thủ công nên các công đoạn sản xuất khá nặng nhọc. Hiện nay, lò lu có khoảng 25 lao động, nhưng trong đó có đến 80% là người trong gia đình. “Nặng nhọc, vất vả nên chỉ có người nhà mới chịu khó, gắn bó lâu năm. Đây là nghề truyền thống của địa phương mà tôi gắn bó hơn 30 năm nay, nên tôi vẫn luôn muốn giữ gìn lại cho con cháu về sau. Điều rất vui là trong thời gian qua, ngoài sản xuất, lò lu còn đón tiếp rất nhiều đoàn đến tham quan, tỉm hiểu, học tập...”, ông Giang cho biết.
Với thời gian tồn tại và giữ gìn nghề truyền thống, ngày 30-10-2006, Lò lu Đại Hưng đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Với những nét truyền thống trong sản xuất, lò lu cũng được quan tâm bảo tồn lại những không gian của một lò gốm cổ. Không chỉ với người dân địa phương, mà với người dân từ các tỉnh, thành khác mỗi khi đến Bình Dương và có nhu cầu tham quan, tìm hiểu về các làng nghề truyền thống thì Lò lu Đại Hưng là một trong những điểm đến được nhiều người lựa chọn.
Theo ông Giang, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách đến đây tham quan giảm. Còn bình thường, mỗi tháng ông tiếp từ 20-40 đoàn đến tham quan, tìm hiểu, thực tập... trong đó nhiều nhất vẫn là đối tượng học sinh, sinh viên. Khách các tỉnh, thành thường liên hệ với ngành chức năng, địa phương; còn với khách ngoài tỉnh, những đoàn khách từng đến đây thì họ thường liên hệ trực tiếp với chủ lò. Trong thời gian qua, ông Giang còn tiếp nhiều đoàn làm phim đến đây làm phim tư liệu về nghề truyền thống hoặc quay cảnh của một lò lu xưa. Những bạn trẻ hoài cổ cũng tìm về lò lu để tham quan, chụp hình cảnh vật nơi đây để lưu lại những bộ hình ý nghĩa cho mình.
Bảo tồn nét xưa, giữ gìn nghề truyền thống địa phương là những gì mà Lò lu Đại Hưng đã làm được trong thời gian qua. Đó cũng là quan điểm mà ông Giang, chủ lò lu hiện nay muốn con cháu sau này tiếp nối. Với cách làm này, mặc dù thu nhập không cao nhưng theo chủ lò thì thợ gốm vẫn có cuộc sống ổn định. Điều quan trọng là lò lu đã được công nhận là di tích cấp tỉnh, thế nên việc bảo vệ, giữ gìn di tích này ngoài trách nhiệm của chủ lò, còn có trách nhiệm của địa phương, của ngành chức năng. Nếu được kết hợp để hình thành, phát triển trong các tour du lịch địa phương, chắc hẳn di tích sẽ phát huy giá trị nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
HỒNG THUẬN