| 24-11-2012 | 00:00:00

Có một “sân chơi” cây cảnh của những người trẻ

Nhắc đến nghề chơi cây cảnh ai cũng sẽ nghĩ chỉ là những bậc lão làng, nhưng khi đến với Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Phú Giáo, bạn sẽ ngỡ ngàng bởi 67 thành viên của hội phần lớn là những người trẻ.

Từ nhà vườn lên hội chợ

Anh Đặng Văn Tuấn - Chủ tịch Hội SVC huyện Phú Giáo (ấp 30/4, xã An Linh), người được xem là đi đầu trong phong trào trồng cây cảnh, dù sở hữu vườn cảnh không nhiều, nhưng cây cảnh của anh đều mang tính nghệ thuật cao và đạt được những tiêu chuẩn của bonsai. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cảnh, anh vừa chia sẻ cái duyên của mình với nghề.

 Vườn cây cảnh của anh Đặng Văn Tuấn được xem là mang tính nghệ thuật cao, đạt tiêu chuẩn của bonsai Trước khi bước vào nghề trồng cây cảnh, anh Tuấn từng đậu vào khoa luật trường Đại học Đà Lạt, học được 3 năm do đam mê cây cảnh nên anh quyết định bỏ. Về quê vừa làm vừa chơi cây cảnh, với niềm đam mê thấm trong máu đã lâu, anh trở thành một tay chơi cây cảnh chuyên nghiệp lúc nào không hay. Anh cho biết: “Ban đầu chỉ chơi cho vui, mua mấy cây về tạo dáng, thấy đẹp nhiều khách hàng muốn mua. Sau khi tạo dáng hoàn chỉnh, cây của tôi có giá thấp nhất là 2 triệu đồng. Thấy có hiệu quả, tôi hướng dẫn lại cho anh em và nhiều người rất tâm huyết. Có thể nói chính sức trẻ và sự nhạy bén đã đưa cây cảnh từ vườn nhà đến với hội chợ nhiều nơi”.

Thông qua các hội chợ cây cảnh, nhiều loại cây thế mạnh của huyện đã được khách hàng gần xa biết đến nhiều hơn. Anh Tuấn cho biết thêm: “Sau khi thành lập hội, nghề trồng cây cảnh của huyện phát triển rất mạnh, thu nhập một tháng của mỗi thành viên cũng được từ 10 triệu đồng trở lên”.

Nơi hội tụ niềm đam mê

Hội SVC Phú Giáo được thành lập trên cơ sở tự nguyện vào ngày 18-4-2012. Hiện tại, hội có 67 hội viên. Mặc dù không có kinh phí hoạt động, song hàng tháng các thành viên trong hội vẫn tổ chức sinh hoạt định kỳ đều đặn. Tại mỗi buổi sinh hoạt, hội viên có dịp trao đổi kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây, giúp đỡ nhau về giống cây trồng… Tiêu biểu về mô hình SVC của huyện phải kể đến gia đình anh Vương Quốc An với diện tích 150m2, anh đầu tư trồng 100 cây cảnh với 20 chủng loại, trong đó có một số cây quý hiếm như: Linh sam, Mai chiếu thủy, Kim thanh, Kim quýt, Xam núi…

Để phát triển, hội còn tổ chức hội viên đi tham quan, học hỏi mô hình SVC ở các địa phương bạn để học hỏi kinh nghiệm, tìm thị trường tiêu thụ. Hiện nay, trong hội có rất nhiều hộ trồng cây cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao như anh Trần Văn Quỳnh, Nguyễn Quang Tuấn, Mai Viết Đường, Nguyễn Văn Chiếm…

Anh Đặng Anh Tuấn cho biết: “Hội tuy mới thành lập, còn nhiều mặt hạn chế, song được sự động viên của chính quyền cùng sự tâm huyết của các thành viên, phong trào SVC của huyện dần dần lớn mạnh, thu hút được nhiều người tham gia. Cũng từ hoạt động này đã góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế gia đình các hội viên”. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thanh niên trong vùng ổn định được cuộc sống, làm giàu cho quê hương.

KIM TRƯƠNG

Chia sẻ