Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, Công an huyện Bàu Bàng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả.
Công an huyện Bàu Bàng phát hiện nhiều giao dịch mua bán GPLX giả trên mạng xã hội
Mua GPLX giả trên mạng xã hội
Thượng tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng Công an (CA) huyện Bàu Bàng, cho biết gần đây, việc mua bán giấy phép lái xe (GPLX) giả trên không gian mạng diễn ra rất phức tạp, nguyên nhân là do một số người ngại đến các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe để học lấy GPLX hoặc có người không bảo đảm các quy định để dự thi, sát hạch GPLX. Việc tài xế sử dụng GPLX giả sẽ dẫn đến không nắm bắt quy định pháp luật, quy tắc giao thông và kỹ năng xử lý tình huống khi điều khiển phương tiện, từ đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Do đó, CA huyện đã yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT) khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT phải kiểm tra kỹ lưỡng GPLX của người điều khiển phương tiện. Trường hợp nghi vấn GPLX giả thì tiến hành tra cứu dữ liệu để nhận diện, nếu nghi vấn GPLX giả thì chuyển cho lực lượng chức năng điều tra, làm rõ và kiên quyết xử lý theo quy định để phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Theo thống kê của CA huyện Bàu Bàng, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 17 vụ làm giả và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; trong đó có nhiều vụ, việc liên quan hành vi sử dụng GPLX giả. Điển hình, qua công tác tuần tra kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT trong Khu công nghiệp Bàu Bàng, CA huyện phát hiện ông Nguyễn Xuân Quân (sinh 1985, quê Quảng Bình) điều khiển xe ô tô vi phạm về nồng độ cồn và nghi vấn sử dụng GPLX hạng B2 giả nên tiến hành lập biên bản tạm giữ để xác minh làm rõ. Qua làm việc, ông Quân khai vào khoảng tháng 3-2023, do muốn có GPLX hạng B2 để điều khiển phương tiện và có thể xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan chức năng nên đã lên trang mạng xã hội Facebook đặt mua với giá 3 triệu đồng. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra CA huyện Bàu Bàng đang củng cố hồ sơ xử lý ông Nguyễn Xuân Quân về hành vi “sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.
Tương tự, ông Lê Hoàng Phúc (sinh năm 1988, ngụ Bình Phước) cũng bị CA huyện Bàu Bàng điều tra, làm rõ hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”. Trước đó, qua công tác kiểm tra nồng độ cồn và chất ma túy trên Quốc lộ 13, lực lượng CSGT-TT phát hiện ông Phúc không vi phạm nhưng nghi vấn GPLX hạng D của ông Phúc có dấu hiệu nghi vấn làm giả. Tổ công tác đã tra cứu dữ liệu nhưng không có thông tin GPLX hạng D của ông Phúc nên tiến hành lập biên bản tạm giữ và niêm phong tang vật để xác minh làm rõ. Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra CA huyện Bàu Bàng, ông Phúc khai đã mua GPLX giả này trên mạng xã hội với giá 3,5 triệu đồng.
“Ẩn họa” khi sử dụng GPLX giả
Theo đại diện CA huyện Bàu Bàng, qua công tác điều tra cho thấy nhiều tài xế không nhận thức được hành vi cung cấp thông tin, hình ảnh cho đối tượng trên mạng xã hội để mua GPLX giả là vi phạm pháp luật. Nhiều người còn lầm tưởng GPLX giả nhìn rất giống và cũng có mã QR như GPLX do cơ quan chức năng cấp nên sẽ không bị phát hiện. Tuy nhiên, bằng nhãn quan, kiến thức nghiệp vụ và tra cứu trên trang thông tin chuyên ngành, lực lượng CSGT-TT có thể dễ dàng phát hiện GPLX giả nên sẽ không có trường hợp người sử dụng GPLX giả “lọt lưới”. Đối với những trường hợp này, lực lượng CSGT-TT sẽ tạm giữ phương tiện, GPLX giả và bàn giao cho cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Ngoài vi phạm pháp luật, người sử dụng GPLX giả còn gặp những bất lợi như không được cơ quan bảo hiểm bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn hoặc bị từ chối khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký xe, mua bán xe. Bên cạnh đó, người sử dụng GPLX giả còn gặp rủi ro tai nạn giao thông khi lái xe vì không qua đào tạo, sát hạch chính thức, cũng như không nắm quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Ngoài bị lực lượng CSTGT-TT phát hiện khi tham gia giao thông, người sử dụng GPLX hoặc sử dụng các loại giấy tờ giả khác vẫn có thể bị phát hiện, xử lý qua công tác điều tra khám phá các vụ án, các đường dây làm giả con dấu, tài liệu; bởi thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại của họ đã được lưu trong các phương tiện, thiết bị điện tử của đối tượng làm giả. Mặt khác thông tin đó có thể được mua bán, trao đổi, sử dụng để xâm nhập bất hợp pháp tài khoản cá nhân hoặc sử dụng vào việc lừa đảo trên không gian mạng.
Hành vi sử dụng GPLX giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 5, điểm b, khoản 7, Điều 21 Nghị định 100/2019 ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/ NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ). Cụ thể, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô mà sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên, xe mô tô 3 bánh khi thực hiện hành vi sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, người có hành vi sử dụng GPLX giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. |
NGUYỄN HẬU