| 22-02-2020 | 10:41:04

Công an Tp.Dĩ An: Phát hiện nhiều cơ sở sản xuất hàng không bảo đảm chất lượng

Với quyết tâm không để xảy ra tình trạng gian lận thương mại, sản xuất hàng kém chất lượng rồi tuồn ra thị trường, thời gian qua, Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy Công an (CA) TP.Dĩ An đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan nhanh chóng triệt xóa nhiều cơ sở sản xuất hàng kém chất lượng.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất khẩu trang không đúng quy định của ông Cao Hoàng Mai

Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy CA TP.Dĩ An, cho biết: “TP.Dĩ An là địa bàn tương đối phức tạp, có nhiều điểm tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. Đây được xem là cửa ngõ của tỉnh Bình Dương và nơi tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa. Thời gian qua, để trục lợi bất chính, nhiều đối tượng đã lén sản xuất hàng hóa khi không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Trước tình hình trên, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm”.

Đơn cử, lúc 11 giờ ngày 20- 2, qua công tác nắm tình hình, trinh sát địa bàn, Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy CA TP.Dĩ An phối hợp với CA phường An Bình, Đội Quản lý thị trường số 5 và cán bộ Phòng tài Nguyên - Môi trường TP.Dĩ An đã “đánh úp” 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa trái quy định trên địa bàn KP.Bình Đường 3, phường An Bình.

Khi lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang y tế chất lượng cao của ông Cao Hoàng Mai (37 tuổi, quê Nam Định), tọa lạc tại KP.Bình Đường 3, phường An Bình, ông Mai dường như rất bất ngờ. Làm việc với cán bộ chức năng, bước đầu, ông Mai khai nhận trung bình mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất được 25.000 cái khẩu trang. Sau khi cho vào hộp có nhãn mác FAMIMA và nhãn hiệu Ngô Trung sau đó đóng vào thùng lớn, chủ cơ sở đem đi giao tại các hàng tạp hóa trên địa bàn Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh.

Làm việc với lực lượng chức năng, ông Mai không xuất trình được hồ sơ pháp lý như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn; giấy kiểm định chất lượng sản phẩm; bản tự công bố chất lượng sản phẩm... Điều đáng nói là tại thời điểm kiểm tra, ông Mai không xuất trình được giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ số lượng lớn vải nguyên liệu dùng để làm khẩu trang y tế chống khuẩn.

Theo ghi nhận của P.V, nơi sản xuất khẩu trang y tế chống khuẩn của ông Mai là một khu trọ. Hàng trăm cuộn vải nguyên liệu dùng vào việc sản xuất khẩu trang được chất cạnh nhà vệ sinh và bếp nấu ăn không bảo đảm vệ sinh.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ 15.000 khẩu trang thành phẩm; 200 cuộn vải nguyên liệu (mỗi cuộn 25kg) không rõ nguồn gốc; hàng ngàn hộp giấy có dòng chữ “Khẩu trang 4 lớp cao cấp FAMIMA” nhãn hiệu Ngô Trung; nhiều dụng cụ và máy móc được dùng vào việc sản xuất khẩu trang giả.

Lúc này cơ sở sát vách với điểm sản xuất khẩu trang của ông Mai do bà Lê Anh Thư (32 tuổi, ngụ TP.Hồ Chí Minh) cũng không kịp trở tay. Khi lực lượng chức năng kiểm tra đã phát hiện tại đây có khoảng 10.000 sản phẩm mỹ phẩm, nước rửa tay các loại. Làm việc với lực lượng chức năng, bà Anh không xuất trình được hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất mỹ phẩm và hồ sơ công bố chất lượng mỹ phẩm và chưa có hồ sơ bảo vệ môi trường. Vụ việc hiện đang được điều tra, làm rõ.

THANH QUANG

 

Chia sẻ
Tags
Tp.Dĩ An