Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong những năm qua, đồng hành với người lao động (NLĐ), các cấp công đoàn tại Bình Dương đã có nhiều đóng góp vào sự lớn mạnh của Công đoàn Việt Nam; đồng thời chăm lo, bảo vệ tốt quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, đoàn viên công đoàn.
Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh
Xuất phát từ đặc điểm Bình Dương có đa số là lao động xa quê, thu nhập của NLĐ còn khiêm tốn nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy Công đoàn Bình Dương luôn xác định, làm tốt công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ, góp phần tạo động lực làm việc cho NLĐ là nhiệm vụ quan trọng, then chốt, vừa góp phần ổn định cuộc sống của NLĐ, vừa vì sự phát triển bền vững doanh nghiệp, của địa phương và đất nước.
Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn KCN Việt Nam - Singapore tặng quà cho đoàn viên bị bệnh hiểm nghèo trong chương trình Tết sum vầy.
Ảnh: THU THẢO
Để đại diện và chăm lo tốt cho NLĐ, ưu tiên hàng đầu là thành lập và xây dựng công đoàn cơ sở (CĐCS) vững mạnh. Đây vừa là giải pháp tập hợp NLĐ vào tổ chức để tuyên truyền, giáo dục và chăm lo; cũng vừa bảo đảm xây dựng CĐCS, tổ chức đại diện bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ tại cơ sở. Bà Ong Thụy Hoàng Mai, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, cho biết thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, trọng tâm là phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở các doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên. Cụ thể là tổ chức tiếp cận trực tiếp NLĐ tại nơi làm việc, lưu trú, khu nhà trọ để chia sẻ, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ ở doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền vận động NLĐ gia nhập tổ chức công đoàn. Đối với những doanh nghiệp có đông NLĐ, những doanh nghiệp tương đối khó khăn trong việc tạo điều kiện thành lập công đoàn thì phối hợp với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chọn cử cán bộ có kinh nghiệm về công tác tuyên truyền để thu hút đoàn viên… Ngoài ra, các cấp công đoàn còn kết hợp với chính quyền địa phương và chủ nhà trọ để cùng nhau phối hợp tạo môi trường thuận lợi cho công tác vận động và tiếp cận NLĐ thông qua phương thức tập hợp NLĐ tại nhà của chủ nhà trọ vào buổi tối. Kết quả trong nhiệm kỳ 2013-2018, toàn tỉnh đã kết nạp gần 200.000 đoàn viên, vượt 69% chỉ tiêu nhiệm kỳ đặt ra; 95% doanh nghiệp có từ 30 lao động trở lên có CĐCS.
Tăng cường đối thoại
Để công tác đại diện đạt hiệu quả, công tác đối thoại thương lượng trong bảo vệ quyền lợi cho NLĐ được các CĐCS tăng cường. Bởi các cấp công đoàn xác định, đối thoại, nâng cao tỷ lệ và chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) chính là giải pháp hữu hiệu để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp, hạn chế tình trạng đình, lãn công… Theo đó, LĐLĐ tỉnh thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS thương lượng, ký kết TƯLĐTT, thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp lao động. Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, NLĐ đã trực tiếp tham gia bàn bạc, quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ, nhiều vấn đề bức xúc của NLĐ được giải quyết kịp thời, những khó khăn của doanh nghiệp được NLĐ chia sẻ…
Ông Nguyễn Bình Yên, Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Sao Việt (KCN Đồng An), chia sẻ: “Những điều khoản có lợi cho NLĐ khi được đưa vào bản TƯLĐTT thì sẽ được người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ. Thông qua những cuộc đối thoại, nhiều thắc mắc của NLĐ được người sử dụng lao động giải quyết. Và, bằng những bản TƯLĐTT có chất lượng sẽ bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ tốt hơn. Từ đó sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp”.
Theo bà Ong Thụy Hoàng Mai, điểm nổi bật của tổ chức công đoàn tại Bình Dương trong việc chăm lo cho NLĐ còn thể hiện ở việc hỗ trợ nhà ở cho NLĐ. Với đặc điểm là người ngoài tỉnh chiếm trên 80%, vì vậy nhu cầu nhà ở là vấn đề cấp thiết. Công đoàn đã đề xuất triển khai các chính sách của Nhà nước về xây dựng nhà ở xã hội và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho NLĐ; đầu tư, cải tạo nhà trọ cho NLĐ thuê. Các loại hình này đã giải quyết một phần lớn về nhu cầu chỗ ở cho NLĐ làm việc trong tỉnh. Nhiều NLĐ xa quê mua được nhà ở ổn định và có hộ khẩu thường trú tại Bình Dương. Với sự nỗ lực không ngừng, Công đoàn Bình Dương đã trở thành địa chỉ tin cậy của NLĐ và người sử dụng lao động; góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
THU THẢO