| 20-12-2023 | 08:59:24

Công nghệ số hỗ trợ người cao tuổi được hưởng thụ và phát huy bản thân

Theo số liệu thống kê vào năm 2019, tỷ lệ sử dụng internet ở các nước phát triển là 87%, nhưng tỷ lệ này chỉ là 47% ở các nước đang phát triển và 19% ở các nước kém phát triển nhất. Vì vậy, nhân kỷ niệm 31 năm Ngày Quốc tế người cao tuổi (NCT) (1.10.1991 - 1.10.2021), Liên hợp quốc chọn chủ đề “Công bằng kỹ thuật số cho mọi lứa tuổi” nhằm khẳng định nhu cầu của NCT cần được tiếp cận và tham gia một cách có ý nghĩa vào công nghệ số của nhân loại.

 Ông Lê Thế Hùng, nguyên Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo chuyên đề tại lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho NCT TP.Thuận An

 Hòa nhập thế giới 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những thay đổi nhanh chóng và phát triển vượt bậc của kỹ thuật số đã mang tới những biến đổi to lớn trong xã hội. Những tiến bộ trong công nghệ thông tin giúp thực hiện nhanh chóng và đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ thông tin đã tạo ra nhiều rào cản, ngăn NCT kết nối và hòa nhập với xã hội, đồng thời đòi hỏi sự đồng hành, hỗ trợ của gia đình và người thân trong việc xóa bỏ khoảng cách ấy.

Theo báo cáo tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam 2021, nước ta có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm đến 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên. Trong đó, phần lớn người dùng ở độ tuổi 18-34, chỉ khoảng 12% NCT sở hữu điện thoại thông minh và khoảng 6% trong số đó sử dụng máy tính cá nhân. Tỷ lệ tiếp cận thấp của NCT chưa phải là trở ngại duy nhất trong việc xóa bỏ khoảng cách giữa họ và công nghệ thông tin, mà trở ngại lớn hơn cả là khả năng tiếp thu và mong muốn chủ động tìm hiểu về công nghệ của NCT so với tốc độ thay đổi không ngừng của công nghệ ngày nay.

Bà Bùi Thị Thùy, ngụ phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một, cho biết lúc đầu con trai mua tặng điện thoại thông minh bà chỉ dùng để nghe, gọi theo cách thông thường. Bà Thùy thấy điện thoại thông minh vừa khó dùng, phải tốn nhiều thời gian để học, vừa sợ bị lừa đảo như tin tức vẫn thường hay đăng nhiều. Về sau, các con hướng dẫn rất nhiều lần, bà Thùy mới biết xem phim, ca nhạc trên Youtube, sử dụng mạng xã hội để kết nối với bà con, bạn bè. Sau nhiều tháng tiếp cận thì bà cũng dần quen và càng thấy vui hơn mỗi khi gọi video gặp gỡ, hỏi thăm người thân ở quê nhà.

Kết nối và sống có ích hơn

Với nhiều NCT, công nghệ đã giúp họ kết nối rộng rãi hơn để tiếp tục thực hiện những việc làm có ích cho bản thân và cộng đồng. Trường hợp của bà Lê Thị Ngọc ngụ tại phường Thuận Giao, TP.Thuận An là một ví dụ điển hình. Nhờ thường xuyên sử dụng mạng xã hội nên bà đã kết giao với nhiều người hơn. Trong đó, có nhiều người trở thành hội viên câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, cùng nhau tập luyện nâng cao thể trạng, cùng nhau chia sẻ, sinh hoạt rất vui và ngày càng khỏe mạnh, yêu đời hơn.

Theo bà Huỳnh Ngọc Sương, Chủ tịch Hội NCT TP.Thuận An, tháng 11-2023, hội đã tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho NCT trong 2 ngày 9 và 10-11 nhằm trang bị kiến thức và nâng cao chất lượng hoạt động cho cán bộ Hội NCT ở thành phố, góp phần đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06. Tham gia lớp tập huấn có 120 học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội NCT các xã, phường, Chi hội trưởng, Chi hội phó Chi hội Hội NCT các khu, ấp của thành phố. Nội dung tập huấn, gồm: Vai trò của NCT trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững thời đại công nghệ 4.0; NCT với việc tiếp cận công nghệ thông tin thời đại 4.0.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Thế Hùng, nguyên Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và các đoàn thể, NCT ở Bình Dương ngày càng tiếp cận nhiều với công nghệ số trong tiến trình chuyển đổi số, như: Có mã định danh, căn cước công dân, có tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, chữ ký số khi làm thủ tục hành chính công trên nền tảng online... “Bước đầu tuy có nhiều khó khăn, nhưng tôi tin rằng trong tương lai, các thiết bị công nghệ số cũng như các tiện ích trong tiến trình chuyển đổi số sẽ giúp NCT kết nối với xã hội nhiều hơn, phát huy vai trò của NCT trên xã hội số và giúp họ sống vui - khỏe - có ích hơn”, ông Lê Thế Hùng nói thêm.

Các mô hình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số hướng đến NCT ngày càng trở nên phổ biến trước tình trạng già hóa dân số thế giới. Do đó, bên cạnh việc toàn xã hội cùng chung tay giúp đỡ, chăm sóc NCT về vật chất và tinh thần thì việc động viên, hỗ trợ NCT tiếp cận công nghệ là vô cùng cần thiết nhằm giúp cuộc sống NCT được thuận lợi, thoải mái hơn; giúp họ cải thiện sức khỏe bản thân, đồng thời có được tinh thần lạc quan, yêu đời, quên đi những phiền muộn để tiếp tục “sống vui, sống khỏe, sống yêu đời” cho quãng đời còn lại của mình.

 Với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và các đoàn thể, NCT ở Bình Dương ngày càng tiếp cận nhiều với công nghệ số trong tiến trình chuyển đổi số, như: Có mã định danh, căn cước công dân, có tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, chữ ký số khi làm thủ tục hành chính công trên nền tảng online...

 MINH HIẾU

Chia sẻ