| 06-12-2024 | 14:52:25

“Cú hích” mới phát triển logistics đáp ứng yêu cầu hội nhập

(BDO) Trong xu thế mới, Bình Dương xác định phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin...

Tầm nhìn khu vực 

Theo Báo cáo Logistics Việt Nam thường niên của Bộ Công thương vừa được công bố, điểm nổi bật của ngành logistics năm 2024 là hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại, an toàn, nhiều công trình đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, mạng lưới giao thông đã kết nối đến mọi vùng, miền trong cả nước, giúp giảm chi phí logistics và thời gian giao hàng. 



Trung tâm Logistics TBS ở Bình Dương

Bên cạnh đó, ngành logistics Việt Nam còn nhiều khó khăn như: cơ cấu vận tải hàng hóa phụ thuộc nhiều vào vận tải đường bộ là một trong những nguyên nhân dẫn đến chi phí logistics cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; đồng thời, phát triển logistics ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn do hạn chế về cơ sở hạ tầng; thiếu hụt nhân sự có chuyên môn kỹ thuật cao; ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số chưa toàn diện....

Bước sang năm 2025, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt giảm hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng trong việc xử lý các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; huy động nguồn lực, tập trung tháo gỡ khó khăn, triển khai các dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải. 

Cùng với đó, nâng cao chất lượng đầu tư phát triển và kết nối hạ tầng logistics làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics, tận dụng cơ hội từ các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới; tận dụng làn sóng chuyển dịch đầu tư để thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics, đặc biệt là trung tâm logistics ứng dụng công nghệ cao.

Trong quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt Quy hoạch tỉnh), Bình Dương xác định logistics là ngành kinh tế trọng điểm trong chiến lược phát triển. Với những bước tiến chắc chắn và định hướng phát triển rõ ràng, Bình Dương đang thể hiện vai trò của mình không chỉ trong ngành công nghiệp mà còn trong lĩnh vực logistics. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội phát triển kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. 

Việc phát triển logistics không chỉ là điểm đến của các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mới mà còn là biểu tượng cho sự sáng tạo và phát triển trong thời đại số hóa và hội nhập quốc tế. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Logistics Việt Nam, cho biết: với lợi thế về vị trí địa lý cùng kết cấu hạ tầng đồng bộ, sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, Bình Dương được coi là nơi hấp dẫn các doanh nghiệp logistics. Ngành logistics có đầy đủ tiềm năng nội tại để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của Bình Dương, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, tỉnh đã nỗ lực tập trung đầu tư các trục đường giao thông trọng điểm, huyết mạch, phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đẩy nhanh đầu tư, kết nối các tuyến đường vành đai, cao tốc... nhằm giảm tải cho các tuyến giao thông của tỉnh, nhất là các tuyến kết nối Bình Phước, Tây Ninh, vùng Tây Nguyên, các khu công nghiệp đến cảng biển, sân bay quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cảng thủy nội địa, đảm bảo quy mô theo quy hoạch...

Hướng tới tiêu chuẩn quốc tế

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Becamex IDC nhận xét: “…là nơi tập trung của nhiều khu công nghiệp và khu sản xuất, Bình Dương trở thành địa điểm lý tưởng để trở thành một trung tâm phân phối hiện đại, quy mô, có thể tham gia vào hệ sinh thái công nghiệp. Nhiều cụm công nghiệp tập trung tại khu vực này, bao gồm ngành điện tử, dệt may và hàng tiêu dùng nhanh, là lợi thế hấp dẫn cho cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của hệ thống logistics để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.”


Hàng hóa xuất khẩu tại Cảng Bình Dương

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Chủ tịch Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương cho biết: “Bình Dương xem dịch vụ logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh, giai đoạn 2024-2030, góp phần chuyển dịch tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế năm 2025 đạt 28%. Bình Dương phát triển logistics hướng đến liên kết vùng, định hướng trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ với kết cấu hạ tầng công nghiệp - đô thị - thương mại, hạ tầng giao thông, giao thông vận tải, đưa Bình Dương trở thành đầu mối logistics quan trọng của vùng.”

Thời gian tới, Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ chuyên môn về logistics đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. 

Cùng với đó, hỗ trợ các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ ở mức độ 3 (3PL), 4 (4PL), hướng đến mức độ 5PL - Logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Bình Dương Phạm Văn Xô: hiện chuỗi cung ứng trong hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi số từng phần, nhưng chưa đạt như kỳ vọng, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Theo đó, cần đòn bẩy cho lĩnh vực chuyển đổi số ngành công nghiệp logistics để đưa hàng hóa xuất khẩu tiến nhanh hơn nữa.

Tiểu My- Cẩm Tú

 

Chia sẻ