Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Cù lao Rùa - tôi đã đến đây không biết bao nhiêu lần, gặp nhiều người con quê hương nơi đây nên với mảnh đất này tôi luôn có một tình cảm rất đặc biệt. Thật tình, trong những lần đến đây, tôi chỉ mới được nhìn ngắm những gì diễn ra trước mắt với một khoảng không gian hẹp nên chưa hình dung hết vẻ đẹp thanh bình, hữu tình của mảnh đất cù lao xanh mướt, hiền hoà này. Đến khi được xem tập 11 của chương trình “Tôi yêu Bình Dương” do Báo Bình Dương thực hiện, mọi cảm xúc trong tôi về mảnh đất cù lao này như “vỡ òa”.
Ngắm nhánh rẽ sông Đồng Nai từ trên cầu Thạnh Hội
Nhìn từ trên cao, sông Đồng Nai như một con rồng lớn uốn lượn quanh co. Dọc theo sông Đồng Nai có đến 5 cù lao, trong đó có cù lao Rùa của xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên. Cù lao Rùa được ôm trọn bởi dòng chính và một nhánh rẽ của con sông này. Từ những thước phim mà ê kíp chương trình Tôi yêu Bình Dương thực hiện quay từ trên cao, cù lao Rùa hiện ra như một bức tranh thủy mặc, chập chờn giữa dòng sông Đồng Nai trông giống như một con rùa đang lội trên mặt nước. Xem tập 11 của chương trình “Tôi yêu Bình Dương” nghe Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương giải thích mới rõ thêm vì sao vùng đất này được gọi là Cù lao Rùa.
[Xem thể lệ Cuộc thi thực hiện sản phẩm và viết cảm nhận “Tôi yêu Bình Dương”]
Di tích khảo cổ học cù lao Rùa vẫn lặng lẽ tồn tại với thời gian
Thạnh Hội là vùng đất có bề dày văn hoá lâu đời. Nơi đây, có Di tích khảo cổ Cù lao Rùa nổi tiếng, với niên đại tồn tại cách ngày nay khoảng 3.000-3.500 năm, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2009. Những giá trị quý giá mà Di tích khảo cổ Cù lao Rùa còn lưu giữ là những bằng chứng quan trọng về một nền văn hóa cổ tồn tại hàng ngàn năm trên đất Bình Dương.
Mỗi khi có dịp về với Thạnh Hội, tôi thường đi qua con đường quen thuộc, nơi có di tích khảo cổ Cù lao Rùa tọa lạc trên ngọn đồi cao bên đường chỉ để nhìn ngắm nó đang tồn tại với thời gian, để thấy được trong sự phát triển của Bình Dương hôm nay vẫn luôn hiện diện những giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống lâu đời.
Ông Mai Sông Bé hướng dẫn, giải thích cho những đứa trẻ về ý nghĩa của “Con đường bản đồ”
Mảnh đất cù lao này cũng là nơi sinh ra những người con ưu tú làm rạng danh quê hương. Đất ngàn năm văn hoá sản sinh nhân tài là đây. Một trong những người con ưu tú của vùng đất này chính là Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An, người được xem là “cha đẻ” của lối đánh đặc công trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.
Trên mảnh đất cùa lao này còn có di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh D·ình Nhựt Thạnh - nơi lưu giữ không gian sinh hoạt văn hoá làng quê từ xưa đến nay. Đặc biệt, có một công trình hết sức ý nghĩa và độc đáo mới hình thành cách đây không lâu, đó là “con đường bản đồ” do nhà báo Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai thực hiện như một món quà dành tặng cho quê hương mình sau khi ông nghỉ hưu và về đây sinh sống.
Đình Nhựt Thạnh được xếp hạng công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 2020
Trải qua bao thời gian, mặc cho cuộc sống ngoài kia tấp nập xô bồ, bên trong vùng đất cù lao này vẫn luôn giữ được những nét văn hoá quê hương. Hãy cùng “Tôi yêu Bình Dương” vượt qua cầu Thạnh Hội, đặt chân đến đất cù lao Rùa để tận mắt thấy và cùng cảm nhận được những giá trị ý nghĩa ấy. Nơi đây, cuộc sống thanh bình, nhẹ nhàng, êm ái vẫn đang trôi qua từng ngày, như níu giữ lòng người đi xa mãi nhớ về chốn quê hương. “Không đâu đẹp hơn bằng nơi chôn rau, cắt rốn của mình”, nhà báo Mai Sông Bé đã khẳng định với khán giả của “Tôi yêu Bình Dương” về quê hương mình như thế. Không chỉ những người từng sinh ra, lớn lên ở cù lao Rùa mới thấy hết vẻ đẹp của quê hương mình, mà ngay của những người nơi khác như tôi mỗi khi ghé qua nơi đây cũng bị mê hoặc bởi Cù lao Rùa thật đẹp, thơ mộng và bình yên quá!
Hồng Ngọc