| 31-03-2023 | 11:58:21

Cùng doanh nghiệp tự tin trong hành trình chuyển đổi số

Với tinh thần xem khó khăn thách thức là cơ hội để sáng tạo vượt khó, Bình Dương chủ động đẩy mạnh và khai thác tối đa chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghiệp 4.0 trên tất cả mọi lĩnh vực

Bình Dương chủ động đẩy mạnh và khai thác tối đa chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghiệp 4.0 trên tất cả mọi lĩnh vực

Không còn là tầm nhìn

Chuyển đổi số (CĐS) đối với doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn hiện nay không chỉ còn là tầm nhìn, mà là nhu cầu cần thiết để tồn tại và phát triển trước xu thế toàn cầu. Các DN trong hành trình CĐS cần nắm bắt cơ hội để vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 60.000 DN, trong đó số DNNVV chiếm hơn 97%. Đây là đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng do tác động tiêu cực từ thị trường, kinh tế - xã hội. Do vậy, nhằm hạn chế số lượng DN rút lui khỏi thị trường, giúp DNNVV thích ứng với tình hình mới, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh, lớn mạnh về quy mô và cải thiện tuổi thọ bình quân thì bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần đẩy mạnh các chương trình, chính sách hỗ trợ cho DNNVV trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là hỗ trợ, thúc đẩy DN tiếp cận, nâng cao nhận thức và đẩy nhanh việc CĐS trong DN.

Theo ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông qua chương trình hỗ trợ phát triển của các cấp, các ngành, DN sẽ tiếp cận được những lợi ích của việc CĐS, đồng thời xác định được DN mình đang ở giai đoạn nào của CĐS để có cơ sở xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp CĐS phù hợp, tạo nền tảng cho DN phát triển, nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh và giúp tiết kiệm chi phí vận hành DN.

Chia sẻ về thành quả CĐS thành công trong DN, đại diện Công ty Cổ phần Ba Huân, cho biết là nhà cung cấp trứng gia cầm, chiếm khoảng 30% thị phần trong nước, khao khát “chuyển mình” thành DN nông nghiệp số, DN đã ký kết hợp tác toàn diện cùng một tập đoàn công nghệ triển khai dự án Hệ thống quản trị nguồn lực DN SAP ERP S/4HANA. Hệ thống này giúp Công ty Cổ phần Ba Huân quản lý quá trình chăn nuôi từ trang trại giống, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi trồng và thu hoạch trứng đến nhà máy sản xuất thức ăn chế biến và quản lý việc phân phối sản phẩm; xây dựng cổng thông tin tương tác với các đại lý bán hàng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn.

Hỗ trợ toàn diện

Mới đây trong khuôn khổ chương trình “Bình Dương: Khởi động - kết nối - phát triển mới”, UBND tỉnh và Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy CĐS toàn diện, đầu tư giáo dục chất lượng cao và giáo dục nghề nghiệp để phát huy tối đa thế mạnh của hai bên, góp phần mang lại lợi ích chung cho chính quyền, người dân và DN.

Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cam kết FPT sẽ đồng hành cùng tỉnh Bình Dương CĐS. Theo đó, FPT sẽ đồng hành với tỉnh Bình Dương CĐS tổng thể và toàn diện ở 8 mảng. Cụ thể, FPT hợp tác với tỉnh Bình Dương trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng số đáp ứng nhu cầu triển khai chính quyền số, đô thị thông minh của tỉnh; hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số Bình Dương, đặc biệt ở lĩnh vực hạ tầng số, chính quyền số, giải pháp thanh toán số; hai bên cùng hợp tác trong lĩnh vực phát triển dữ liệu số phục vụ cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số Bình Dương.

Bên cạnh đó, FPT sẽ hợp tác với tỉnh Bình Dương trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CĐS. Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực y tế bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS cho các cơ sở khám chữa bệnh. FPT cũng hỗ trợ Bình Dương đẩy mạnh phát triển trên lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và kinh tế số; hỗ trợ các DN trong tỉnh tư vấn CĐS và triển khai các ứng dụng CĐS. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương, FPT sẽ thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực xã hội số và đầu tư khu phức hợp giáo dục - công nghệ cao.

Sau buổi làm việc, hai bên đã có nhiều hoạt động khảo sát, phân tích tình hình thực tế để đi đến thảo luận và ký kết thỏa thuận hợp tác. Lãnh đạo FPT khẳng định dựa trên thế mạnh công nghệ, kinh nghiệm CĐS của tập đoàn và đặc thù kinh tế - xã hội, lợi thế cạnh tranh của Bình Dương, FPT sẽ hỗ trợ tỉnh phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trên cả ba trụ cột kinh tế số, chính phủ số, xã hội số hướng đến mô hình quốc gia số, thích ứng linh hoạt với thời cuộc. Từ đó, FPT góp phần đưa tỉnh Bình Dương trở thành một trong những địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong cả nước.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, tin rằng Bình Dương có thể tạo ra động lực phát triển kinh tế mới bằng chính trí tuệ của con người Bình Dương. Tập đoàn FPT cũng sẵn sàng nguồn lực, kinh nghiệm để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao tại Bình Dương.

Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Công nghệ số có thể giúp các DN sản xuất tiết kiệm chi phí, tăng hiệu suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thu hút khách hàng mới và duy trì khách hàng hiện có. Cụ thể, công nghệ số sẽ cải thiện khả năng quản lý và kiểm tra toàn bộ quá trình sản xuất; đồng thời, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực như máy móc, thiết bị, nguyên liệu và nhân công để giảm lãng phí và tăng năng suất. Cùng với đó, nâng cao khả năng linh hoạt và thích ứng với thị trường và nhu cầu của khách hàng bằng cách áp dụng các phương pháp sản xuất linh hoạt.

TIỂU MY

Chia sẻ