Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Cho xe lu 12 tấn cán qua người mà vẫn thản nhiên. Kê đầu dưới gạch, đè đá lên trên rồi dùng búa đập, đá và gạch vỡ mà đầu ông không hề hấn gì. Dùng hai tay kéo hai chiếc xe ca chạy ngược chiều khiến chúng đứng yên, không nhích được. Nằm trên nồi đất, kê đá lên rồi đập bằng búa tạ mà nồi và người vẫn y nguyên... Đó là những màn biểu diễn công phu đầy ấn tượng của võ sư Hà Châu. Ông nổi tiếng cả nước ngoài, thế mà chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” của VTV3 đang thực hiện lại không hề biết?!
Lão võ sư Hà Châu hôm nayCăn nhà nhỏ của ông nằm khép mình trong con hẻm của quận 2, tp.hcm với nhiều cây cảnh gợi cho tôi cảm giác bình an như đang vào thảo am của một ẩn sĩ. Vẻ bình dị của ông khiến tôi không khỏi ngờ ngợ rằng trước mắt mình là một võ sư, đại lực sĩ danh tiếng một thời, từng được người Ý xưng tụng là Umo (người ngoài hành tinh) bởi những tuyệt kỹ võ thuật mà ông biểu diễn cho họ xem. Tôi nhìn tay ông: cánh tay, bàn tay với các ngón đều to, đó là dấu ấn của những tháng năm luyện nội công Thiết sa chưởng, Thiết trảo công. “Hơn 60 năm nay tôi không hề bị bệnh tật gì cả”, ông nói vẻ tự hào.
Tầm sư học võ
Võ sư Hà Châu hiện là chưởng môn của phái Hồng gia. Ông là đệ tử chân truyền (truyền nhân) của võ sư Trình Luân và được sư phụ truyền tuyệt kỹ công phu nội công của bổn phái cho. Cũng như sư phụ đã từng được sư bá của mình, đồng thời là chưởng môn, võ sư đại lực sĩ Trình Hoa truyền thụ võ nghệ và nội công, võ sư Hà Châu đã đạt đến cảnh giới thượng thừa của nội công pháp. Sư bá của ông, võ sư Trình Hoa là người sống cùng thời với nhân vật võ lâm truyền kỳ của Trung Hoa: Hoàng Phi Hồng. Trình Hoa cũng là một nhân vật có tiếng tăm trong giới võ lâm.
Thuở nhỏ, võ sư Hà Châu là người gầy gò, ốm yếu. Thân phụ của ông, là võ sư của phái Hồng gia và là chủ một xưởng cưa gỗ lớn ở Ba Xuyên, Sóc Trăng, đã truyền thụ võ nghệ cho ông khi ông mới 5 tuổi. Nhận thấy khả năng mình có hạn và phát hiện con mình có năng khiếu về võ học, ông đã tìm cách gửi con mình qua Hồng Kông theo học sư phụ Trình Luân, là cháu ruột của võ sư Trình Hoa. Năm 10 tuổi, ông lên đường tầm sư học võ. Lúc đó ông chỉ là một cậu bé ốm yếu, vì thế bạn đồng môn đặt cho ông biệt hiệu là “con khỉ già”.
Dưới sự chỉ giáo của võ sư Trình Luân, ông miệt mài luyện võ, nhất nhất theo lời sư phụ không hề sao nhãng luyện tập bất kể ngày đêm, giá rét. Sáng sớm, ông đã dậy theo sư phụ luyện khí công, nội công khoảng 2 tiếng đồng hồ, bởi vì buổi sáng không khí trong lành, tốt cho việc luyện khí. Buổi chiều và tối thì luyện võ, ngoại công... Để tăng cường thể lực và vóc dáng cho ông, sư phụ bắt ông ăn thêm nhiều thịt bò, thịt gà. Khi ông khoảng 15 - 16 tuổi thì được cho uống rượu thuốc gia truyền để bồi bổ khí lực. Ròng rã hàng năm trời khổ luyện kiên trì, ông đã thành thạo thập bát ban võ nghệ, nội công đã có nền tảng.
Biểu diễn tuyệt kỹ công phu
Khoảng năm 24 - 25 tuổi, ông về nước và rước sư phụ cùng về. Tại nhà ông, sư phụ đã truyền thụ thêm cho ông và khi thấy võ học của ông đã đạt, bèn từ giã ra đi. Sau đó, võ sư Hà Châu cùng những người bạn lập đoàn biểu diễn công phu. Trong những năm của thập niên 50 thế kỷ trước, đoàn của ông đã đặt chân khắp Trung bộ và Nam bộ. Những tuyệt kỹ công phu ngoạn mục của ông đã thu hút rất đông người đến xem. Năm 1957, tại hội chợ Thị Nghè (Sài Gòn), ông biểu diễn độc chiêu “khống chế song xa”: Dùng hai tay nắm hai sợi dây xích, mỗi đầu sợi dây buộc vào đuôi mỗi chiếc xe ca. Hai chiếc xe chạy về hai phía ngược chiều nhau. Hai sợi dây xích căng ra, cơ hồ muốn xé đôi người ông... Nhiều phút trôi qua, ông vẫn đứng vững điềm nhiên, còn bánh của hai chiếc xe thì quay tít trên đường nhựa, không dịch chuyển được phân nào... Năm 1958, tại bờ hồ Xuân Hương, Đà Lạt, ông nằm cho 10 chiếc xe đò, mỗi xe chở 50 khách, lần lượt cán qua người ông mà ông không hề gì.
Ấn tượng nhất phải kể đến màn biểu diễn độc nhất vô nhị (chỉ ông là người duy nhất dám làm và chỉ diễn một lần vì về sau không xin được giấy phép). Đó là màn biểu diễn cho xe lu 12 tấn cán qua người ông. Ông đã xin giấy phép để biểu diễn màn này nhiều lần nhưng không được. Cuối cùng về tỉnh Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh) may có bạn ông là Nguyễn Đình Xướng làm Tỉnh trưởng, đồng ý cho ông diễn nhưng bắt làm giấy cam kết. Ông nhận lời và cuộc biểu diễn bắt đầu: Bốn tấm ván dày 20cm, rộng 60cm, dài khoảng 4m được đặt lên người ông. Ông nằm xuống, vận công. Chiếc xe lu lừ lừ tiến tới như một quái vật. Mọi người hồi hộp và lo lắng thay cho ông. Lên đến nửa chừng, khi xe đang đè lên người ông, thì bất ngờ chiếc xe tắt máy vì tài xế mất bình tĩnh, run tay. Cả không gian như ngừng lặng vì nghẹt thở! Năm phút sau, chiếc xe mới nổ máy chạy qua. Sau này, ông thú nhận: “Nếu để chừng (kéo dài) 20 giây nữa thì coi như xong. Vì để lâu, hơi (khí) trong người hết, không chịu nổi sức nặng, thân người tôi chắc chỉ còn lại... chiếc áo!”.
Ngoài các ngón nghề trên, ông còn biểu diễn nhiều tuyệt kỹ khác như: Thiết thủ công, Thiết sa chưởng, Thiết trảo công, Thiết kiều công và khinh công. Thiết thủ công là màn biểu diễn cái đầu cứng như sắt. Ông có thể dùng gạch, đá, quả dừa khô... đập lên đầu mà không hề bị tuột da. Thiết sa chưởng là dùng long bàn tay không, đóng cây đinh 20cm xuống tấm ván dày, rồi sau đó lấy ngón tay nhổ lên. Thiết trảo công (ngón tay cứng như sắt): Dùng bàn tay uốn sắt bản quanh cổ, bẻ gãy sắt chữ U, xé đôi bộ bài 52 lá... Với Thiết kiều công: Ông nằm ngửa, kê ghế ở vai và đùi, đặt lên bụng tấm ván dài và dày, rồi cho 20 người đứng lên. Với Khinh công: Ông nằm trên hai chiếc nồi đất, trên ngực đặt ba tảng đá nặng khoảng 150kg rồi cầm búa tạ đập vỡ đá nhưng ông và hai nồi đất vẫn nguyên vẹn.
Trở thành “người ngoài hành tinh”
Sau năm 1975, cùng những tuyệt kỹ của mình, ông lại ra nước ngoài biểu diễn. Năm 1989, ông qua Liên Xô biểu diễn và tạo được nhiều tiếng vang. Năm 1992, qua Ý biểu diễn tại Roma, Turin... Khi qua nước ngoài biểu diễn, ông đi bằng máy bay nên mọi dụng cụ biểu diễn không mang theo được mà do nhà tổ chức tại nước đó thu xếp cho. Vì thế sự chính xác là tuyệt đối, nhờ đó người nước ngoài hết sức tin tưởng ông. Tại Ý, khi biểu diễn màn Thiết thủ công, ông gối đầu lên chồng gạch, phía trên đặt đá tảng và một người Ý dùng búa tạ đập lên, đá vỡ tan mà ông không hề hấn gì! Ông đứng lên chào khán giả. Họ vỗ tay rầm trời và hét lên: Umo Hà Châu!....” (nghĩa là người ngoài hành tinh Hà Châu). Từ đó, biệt hiệu Umo “dính” với ông, để ám chỉ khả năng siêu phàm mà người trái đất không làm được.
Màn biểu diễn cho xe lu cán qua người của ông (ảnh chụp lại)Trong cuốn sách: “Những người có khả năng siêu phàm” do nhà xuất bản Dorling Kinder Sley, ấn hành năm 1991 tại Lon Don, võ sư Hà Châu được xếp vào một trong ba kỳ nhân của thế giới vì những tuyệt kỹ công phu của mình.
Những... “chuyện lạ”
Tôi đã gặp học trò của ông, anh Philipe Gaudin, người Pháp, đang theo học thầy Hà Châu. Anh Philippe Gaudin hiện Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ Viễn Đông nói: “Từ nhỏ, tôi đã mê học võ và họ võ Karate, Thiếu lâm. Tôi qua Trung Quốc vào chùa Thiếu lâm học ba năm (tại Hồ Nam), sau đó sang Việt Nam. Ở Hồng Kông, tôi đã nghe tiếng thầy Hà Châu nên khi sang Việt Nam, tôi tìm đến xin học. Tôi đã đi nhiều, gặp nhiều, nhưng xét về nội công thì chưa thấy ai như thầy”. Một học trò khác của thầy, võ sư Hà Lý (tên thật là Hồ Văn Lý) hiện là huấn luyện viên võ thuật của Công ty Viễn Đông, tâm sự: “Mình theo học thầy Hà Châu từ năm 1988 và hiện có dạy võ ở một số nơi. Mình thấy rằng những đòn thế của Hồng gia rất hữu dụng trong bảo vệ. Còn công phu nội công của Hồng gia thì rất đặc biệt...”.
Võ sư Hà Châu hiện đang hướng dẫn vài ba học trò học nội công tập máy Thiên cân tạ do ông tự sáng chế để luyện. Ông hy vọng và tỏ ra lạc quan rằng học trò của ông sẽ có người được ghi vào sách Guiness. Nhân đây, tôi hỏi ông: VTV3 có mời thầy vào chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” không? Ông đáp: Không thấy họ mời! Thật lạ! Một nhân vật danh tiếng và đầy uy tín về những tuyệt kỹ công phu độc đáo như ông lại không có trong “Chuyện lạ Việt Nam” thì đúng là... chuyện lạ!
Có một điều khá lạ ở ông là ông không nhận học trò tràn lan theo kiểu võ đường. Bởi ông sợ mình chọn học trò sẽ không kỹ nếu chọn tràn lan theo kiểu đó sẽ gây họa. Ông cũng hiếm khi thi đấu võ đài. Trong đời ông chỉ thượng đài một vài lần. Một lần nhận thách đấu với một võ sĩ người Campuchia được mệnh danh là “Thiết cước” với những cú đá lợi hại cứng như thép. Trận đó, “Thiết cước” đã bị gãy cước dưới tay ông khiến ông rất hối hận! Lần khác, tại Cà Mau, ông vật làm gãy cổ một con bò của một người nông dân. Sau đó ông cảm thấy day dứt vì làm mất đi tài sản của người ấy. Thêm một chuyện lạ nữa là ông viết thư pháp bằng chữ Hán khá đẹp, làm thơ Đường, yêu cây cảnh và động vật. Có lẽ, sau những gì căng thẳng, mệt mỏi của võ nghệ, ông muốn tìm chút thư thái trong nghệ thuật.
NGUYỄN VĂN THỊNH