Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Căng thẳng ngoại giao bất ngờ gia tăng đột biến giữa Ấn Độ và Canada ngay sau khi Ấn Độ tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G20 khiến dư luật thế giới bất ngờ. Nhưng, nếu nhìn vào những vấn đề mâu thuẫn phía sau các động thái căng thẳng đó thì có thể hiểu rằng không có gì là ngẫu nhiên...
Nguy cơ “vũng lầy ngoại giao”
Vào cuối ngày 18/9, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly đã ra lệnh trục xuất ông Pavan Kumar Rai, thành viên cấp cao nhất của cơ quan tình báo nước ngoài Ấn Độ hoạt động tại Canada. Chính quyền Ấn Độ đã trả đũa ngay sau đó, triệu tập Cao ủy Cameron Mackay và yêu cầu một nhà ngoại giao cấp cao của Canada rời khỏi nước này trong vòng 5 ngày. Các quan chức Canada chưa xác định được danh tính của nhà ngoại giao, nhưng truyền thông địa phương đã nêu tên là Olivier Sylvestre, trưởng cơ quan tình báo Canada ở New Delhi.
Quan hệ Ấn Độ và Canada trở nên xấu hơn sau vụ trục xuất ngoại giao.
Không chỉ trục xuất ngoại giao, Canada cũng cập nhật lời khuyên đi lại, cảnh báo du khách Canada phải hết sức thận trọng khi đến Ấn Độ trước mối đe dọa tấn công khủng bố trên khắp đất nước. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 20/9 kêu gọi công dân Ấn Độ ở Canada “hết sức thận trọng và luôn cảnh giác”, vì “môi trường an ninh đang xấu đi”.
Vụ trục xuất ngoại giao “ăn miếng trả miếng” đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai thành viên G20, làm chệch hướng các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại song phương. Tranh chấp này cũng làm tăng khả năng thu hút các đồng minh chung và biến mối hiềm khích nhỏ thành một “vũng lầy ngoại giao” rộng lớn hơn.
Trong một tuyên bố hôm 19/9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những cáo buộc và rằng việc Canada tiến hành cuộc điều tra là “rất quan trọng”. Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết Chính phủ Anh ủng hộ cuộc điều tra của Canada và nói thêm rằng ông mong đợi “sự hợp tác toàn diện” của Ấn Độ trong cuộc điều tra. Ông nói: “Rõ ràng là chúng tôi có mối quan hệ rất bền chặt với Canada, một mối quan hệ rất bền chặt với Ấn Độ”.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố việc trục xuất ngoại giao phản ánh “mối lo ngại ngày càng tăng về sự can thiệp của các nhà ngoại giao Canada vào các vấn đề nội bộ của chúng tôi và sự tham gia của họ vào các hoạt động chống Ấn Độ”.
Vấn đề nhạy cảm
Vấn đề mấu chốt đằng sau căng thẳng ngoại giao giữa Ấn Độ và Canada thực ra là một vấn đề nhạy cảm rất khó giải quyết nếu hai bên không thật sự hợp tác và tin tưởng nhau. Đây là vấn đề mà Ấn Độ xem là có liên quan đến an ninh quốc gia, trong khi Canada chỉ nhìn nhận là câu chuyện mà mình có quyền can thiệp.
Câu chuyện bắt đầu từ việc ông Trudeau tuyên bố trước quốc hội hôm 18/9 rằng chính quyền Canada đang điều tra “những cáo buộc đáng tin cậy” về mối liên hệ tiềm tàng giữa “các đặc vụ của chính phủ Ấn Độ” và vụ sát hại Hardeep Singh Niijar, một công dân Canada gốc Ấn Độ theo đạo Sikh.
Ông Niijar bị một số người mang mặt nạ bắn chết vào tháng 6/2023 tại Surrey, tỉnh British Columbia. Hiện cảnh sát vẫn chưa công khai danh tính hai người mang mặt nạ đã nổ súng bắn ông Najjir khi ông ta ngồi trong xe tải ở lối vào phía sau của trụ sở tổ chức Guru Nanak Sikh Gurdwara. Hai hung thủ đi bộ bỏ trốn xuống một con phố, qua một công viên và vào một chiếc ô tô đang chờ sẵn. Vào tháng 8, một đội điều tra tội phạm tổng hợp nói với các phóng viên rằng một chiếc Toyota Camry màu bạc là phương tiện chạy trốn của nghi phạm và nhà chức trách đang truy lùng nghi phạm thứ ba.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng New Delhi đứng đằng sau vụ sát hại Niijar. Phía Ấn Độ bác bỏ cáo buộc, cho rằng đó là điều “vô lý”. Một quan chức cấp cao của Canada nói với hãng tin Reuters rằng nước này đã hợp tác “rất chặt chẽ” với Mỹ về thông tin tình báo đằng sau cáo buộc của Thủ tướng Trudeau. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận việc các quan chức đã cung cấp thông tin tình báo cho các đối tác Canada.
Đáp trả lời cáo buộc của Thủ tướng Trudeau, Chính phủ Ấn Độ đưa ra cáo buộc rằng Canada đang cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho “những kẻ khủng bố và cực đoan Khalistan” mà nước này cảnh báo sẽ làm suy yếu “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Ấn Độ. Thực tế, Ấn Độ từ lâu đã yêu cầu Canada có hành động kiểm soát phong trào đòi độc lập của người Sikh, vốn bị cấm ở Ấn Độ nhưng lại nhận được sự ủng hộ ở các quốc gia có cộng đồng người Sikh đông đảo, như Canada, Australia và Anh. Canada có dân số theo đạo Sikh lớn nhất ngoài Ấn Độ, với khoảng 770.000 người, chiếm 2% dân số quốc gia, coi đạo Sikh là tôn giáo của họ.
Nijjar là người vận động ủng hộ việc thành lập một nhà nước riêng biệt của người Sikh có tên gọi là Khalistan, tách khỏi bang Punjab của Ấn Độ. Phong trào Khalistan bị đặt ngoài vòng pháp luật ở Ấn Độ và bị chính phủ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Một số nhóm liên quan đến phong trào này được liệt vào danh sách “các tổ chức khủng bố” theo Đạo luật Phòng, chống hoạt động bất hợp pháp của Ấn Độ (UAPA). Vì thế, Nijjar đã bị nhà chức trách Ấn Độ đưa vào danh sách đen khủng bố và phát lệnh truy nã từ tháng 7/2020.
Mối quan hệ giữa hai nước Ấn Độ và Canada đã trở nên trầm lắng trong vài năm gần đây và những cáo buộc của Canada chống lại Chính phủ Ấn Độ có thể sẽ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Chuyên gia Harsh Pant, Phó Chủ tịch chính sách đối ngoại tại Tổ chức nghiên cứu quan sát viên có trụ sở tại New Delhi, gọi tình hình căng thẳng hiện nay là “khá bất thường”. Ông nói: “Các quốc gia thân thiện không làm điều này với nhau”.
Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ cho biết các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại giữa các nước đã bị tạm dừng do các vấn đề “được quan tâm nghiêm trọng”. Khi ông Modi tiếp đón các nhà lãnh đạo G20 tại New Delhi vào ngày 9/9 vừa qua, ông không gặp riêng Thủ tướng Canada Trudeau mà gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh, nơi nhà lãnh đạo Ấn Độ “truyền đạt những quan ngại mạnh mẽ về các hoạt động chống Ấn Độ của các phần tử cực đoan ở Canada”.
Theo CAND