Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế của tỉnh đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Nhằm hướng đến mục tiêu “Không phụ thuộc nguồn lực các đơn vị khác”, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chú trọng đào tạo tại chỗ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với các giáo sư, bác sĩ đầu ngành nhằm nâng cao chuyên môn, rút kinh nghiệm trong thực tiễn điều trị bệnh và xử trí các ca bệnh phức tạp ngay tại bệnh viện mà không phải chuyển lên tuyến trên.
Thiếu nhân lực đang là bài toán khó với nhiều cơ sở y tế trong tỉnh. Trong ảnh: Bác sĩ Trung tâm Y tế TP.Thuận An khám, chữa bệnh cho bệnh nhi
Đào tạo tại chỗ
Với mục tiêu tiếp cận phương pháp điều trị tiên tiến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa tổ chức hội thảo “Kỹ thuật ít xâm lấn trong điều trị bệnh lý sỏi đường tiết niệu”. Đây là hội thảo lớn nhất trong lĩnh vực y tế của Bình Dương từ trước đến nay, quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu chuyên ngành phẫu thuật tiết niệu ở ba miền đất nước (Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương).
Chương trình được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ bệnh viện đến hội trường để các bác sĩ chứng kiến các chuyên gia phẫu thuật thị phạm trên những ca bệnh khó, phức tạp. Bác sĩ CKI Dương Thế Anh, Trưởng khoa ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Hội thảo là dịp trao đổi kinh nghiệm chuyên môn để các bác sĩ trong khoa học tập kỹ thuật mới, chuyên sâu. Đây là cơ hội cho thầy thuốc tỉnh nhà có điều kiện phát triển chuyên môn điều trị sỏi tiết niệu, một bệnh lý thường gặp”.
Nói về công tác đào tạo nhân lực y tế tại chỗ, bác sĩ Lê Ngọc Long, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, cho biết: “Nhằm hướng đến mục tiêu “Đào tạo tại chỗ không phụ thuộc nguồn lực các đơn vị khác”, năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử 37 bác sĩ, điều dưỡng tham gia đào tạo dài hạn, 222 lượt y, bác sĩ đào tạo ngắn hạn và 65 bác sĩ tham gia dự thi sau đại học tại trường Đại học Y Hà Nội. Bệnh viện ký biên bản ghi nhớ, hợp đồng đào tạo với trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Thủ Dầu Một, liên kết đào tạo sau đại học tại chỗ. Ngoài ra, bệnh viện cũng tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề, bình bệnh án, kiểm thảo tử vong, hội chẩn, Telehealth với sự tham dự của một số bệnh viện tuyến trên mà Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị chủ lực” .
“Chỉ tính trong năm 2022, bệnh viện đã phối hợp với các hiệp hội, tổ chức y khoa trong nước tổ chức nhiều hội thảo mang ý nghĩa toàn quốc, có giá trị y khoa lớn. Từ những buổi đào tạo, hội nghị khoa học được tổ chức, đội ngũ bác sĩ trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật mới trong điều trị bệnh, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với các giáo sư, bác sĩ đầu ngành để nâng cao kiến thức chuyên môn, rút kinh nghiệm trong thực tiễn điều trị bệnh và xử trí các ca bệnh phức tạp ngay tại bệnh viện mà không phải chuyển tuyến”, bác sĩ Lê Ngọc Long nói.
Khó khăn, thách thức
Hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế của tỉnh đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và tốc độ gia tăng dân số cơ học của tỉnh đã tạo áp lực rất lớn, đòi hỏi phải có hệ thống y tế và nguồn nhân lực phát triển tương xứng. Hiện toàn ngành có 8.880 nhân viên y tế, đạt 7,51 bác sĩ/10.000 dân, tỷ lệ này còn rất thấp so với mục tiêu của BộY tế đề ra. Để lấp đầy tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân thì mỗi năm tỉnh cần thêm 785 bác sĩ, nhân viên y tế. Tuy nhiên, thực tế mỗi năm ngành y tế tỉnh chỉ tuyển được 55 bác sĩ, bác sĩ sau đại học và đang đối mặt với làn sóng bác sĩ bỏ bệnh viện công, đầu quân cho y tế ngoài công lập. Một số bác sĩ đào tạo theo địa chỉ từ ngân sách sau khi được đào tạo sẵn sàng đền bù, chịu phạt vi phạm hợp đồng đào tạo để đi đến nơi được trả lương cao, môi trường làm việc thuận lợi. Chế độ thu hút đãi ngộ của tỉnh chỉ hưởng trong vòng 60 tháng, khi kết thúc chương trình, thu nhập y bác sĩ bị giảm sút nhiều, phần thu nhập tăng thêm thâm niên không bù đắp tốc độ tăng giá cả hàng hóa.
Trao đổi với P.V, bác sĩ Lại Văn Thăng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, cho rằng: “Bệnh viện đang thiếu bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt, chẩn đoán hình ảnh, tai mũi họng nên chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Do phải bảo đảm hai nhu cầu chăm sóc và điều trị nên bác sĩ phải làm việc nhiều hơn, trực đêm trung bình 10 ngày/tháng, không đủ sức khỏe tái lao động, ít thời gian chăm sóc cho gia đình, nguy cơ để xảy ra sự cố y khoa là rất cao” .
Cũng trong tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa, nhiều năm qua, Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một thiếu bác sĩ X-quang, vật lý trị liệu, ngoại khoa, nữ hộ sinh. Từ năm 2020 đến nay, trung tâm đã giải quyết cho 23 trường hợp xin nghỉ việc, trong đó có 7 bác sĩ, 3 dược sĩ, 8 y sĩ, 4 nữ hộ sinh. Nhân viên y tế phải kiêm nhiệm rất nhiều việc từ trực cấp cứu, trực phòng, chống dịch bệnh đến các chương trình y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình và khám, chữa bệnh.
HOÀNG LINH