| 16-07-2024 | 07:54:19

Đáp ứng nhu cầu, phát huy hiệu quả

Trong những năm qua, hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ tín dụng chính sách xã hội (CSXH) để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên trong cuộc sống, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Xác định nguồn vốn tín dụng CSXH là “đòn bẩy” để hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Dương đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, nhanh chóng đưa vốn đến đúng đối tượng. Công tác cho vay vốn được thực hiện theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm thời gian giải quyết hồ sơ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của các chương trình tín dụng CSXH.

Từ đó, việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi bám sát vào các chủ trương, kế hoạch, mục tiêu của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân và mang lại hiệu quả cao nhất.

Qua gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH” trên địa bàn tỉnh đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy lùi “tín dụng đen”. Có thể nói, vốn tín dụng CSXH thời gian qua đã được lan tỏa, phủ rộng trên khắp địa bàn tỉnh, trở thành một trong những giải pháp căn cơ, trọng điểm để giúp giảm nghèo nhanh và bền vững.

Cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, hàng năm tỉnh đã quan tâm bố trí ngân sách, chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn.

Để các đối tượng chính sách tiếp cận và từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng CSXH, thời gian qua tỉnh đã quan tâm và yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định việc tổ chức thực hiện vốn tín dụng CSXH cũng là một trong những nhiệm vụ triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, lâu dài để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Vì vậy, ngoài việc triển khai việc vay vốn đến đúng đối tượng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, cũng như nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

NHẬT HUY

Chia sẻ