| 20-12-2024 | 15:06:31

Đặt nền móng cho công nghiệp phát triển

(BDO) Trong năm 2024, với sự linh hoạt triển khai giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo từng tháng, từng quý của chính quyền, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN), hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh từng bước phục hồi tích cực. Ngành công thương tỉnh tiếp tục tham mưu cho tỉnh nhiều giải pháp để ngành công nghiệp phát triển bền vững. 


Ngành công thương tạo điều kiện để DN đổi mới công nghệ thông qua các triển lãm tại Bình Dương

Công nghiệp phục hồi tích cực

Theo đánh giá của Sở Công Thương, cuối năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN có nhiều dấu hiệu tích cực. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã dần phục hồi và ổn định trở lại, đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% so với năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng 8,29%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước tăng 15,27%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,39%; công nghiệp khai khoáng tăng 2,15%.

Trong năm 2024, ngành công thương tỉnh đã sát cánh cùng các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Từng quý, Sở Công Thương tổ chức làm việc với các hiệp hội ngành hàng để nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN; tổ chức các hoạt động phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ. Đặc biệt, ngành công thương luôn nắm bắt những khó khăn của các DN, hiệp hội ngành hàng để phối hợp giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh.  

Để tạo điều kiện cho các DN, sở đã trình UBND tỉnh xem xét ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi công năng, di dời các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp (CCN) ở địa bàn phía Nam vào khu, CCN trên địa bàn tỉnh; Quyết định ban hành tiêu chí đánh giá xác định các DN nằm ngoài khu, CCN ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, CCN. 


Lãnh đạo Sở Công Thương nghe ý kiến của DN khu vực phía Nam phát biểu về hoạt động di dời, chuyển đổi công năng

Sở cũng đã báo cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh tình hình xây dựng Kế hoạch thực hiện khuyến khích chuyển đổi công năng, di dời các DN nằm ngoài khu, CCN ở địa bàn phía Nam vào khu, CCN và kết quả khảo sát, đề xuất phương án thực hiện thí điểm việc di dời khu công nghiệp Bình Đường; phối hợp với sở, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp danh sách các DN không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật để phục vụ đề án di dời.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ 

Về định hướng của tỉnh trong thời gian tới, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tỉnh ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển của ngành công nghiệp. “Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung mặc dù đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên, phụ liệu cho sản xuất trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chưa phát triển mạnh đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng các ngành công nghiệp trên địa bàn”, bà Nguyễn Thanh Hà thẳng thắn nhìn nhận.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà nhấn mạnh, mặc dù phát triển nhanh trong thời gian gần đây nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chỉ đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Các DN trong nước chỉ cung cấp chi tiết, linh kiện, nguyên phụ liệu đơn giản, còn các DN đầu tư nước ngoài phần lớn sản xuất sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu theo hình thức gia công theo đơn đặt hàng hoặc sản xuất cho công ty mẹ; sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước làm nguyên liệu không lớn. Các DN sản xuất sản phẩm chủ yếu là gia công theo đơn đặt hàng từ nước ngoài với phần lớn nguyên liệu do đối tác nước ngoài cung cấp hoặc chỉ định, việc nội địa hóa chỉ dừng ở những sản phẩm phụ. 

Còn về năng lực công nghệ kỹ thuật, ngoại trừ một số ít DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được trang bị công nghệ, máy móc hiện đại và hoàn chỉnh, đa số DN vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, do đó chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhà lắp ráp. Mặt khác, các DN trong nước chủ yếu sản xuất các linh kiện, phụ tùng, máy móc đơn giản, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. 


DN phát biểu ý kiến về di dời, chuyển đổi công năng

Theo đó, thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ đầu tư phát triển 4 CCN hỗ trợ với diện tích mỗi cụm 75 ha, trong đó xây dựng 1 CCN hỗ trợ chuyên ngành cơ khí. Ngoài ra, Bình Dương cũng đã quy hoạch thêm 1 khu công nghiệp ngành cơ khí để góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4108/QĐ-UBND ngày 31-12-2019 của về phê duyệt “Đề án định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. 

Cũng theo bà Nguyễn Thanh Hà, đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, mặc dù Chính phủ đã có những quy định về khuyến khích, ưu đãi nhưng quá trình triển khai trong thực tế còn nhiều vướng mắc, khó khăn, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; các quy định chưa mở để các địa phương tùy thuộc vào tình hình thực tế đề xuất các chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 CCC với tổng diện tích 592,7 ha, trong đó có 7 CCN đi vào hoạt động với diện tích 476,70 ha, 1 CCN đang thực hiện thủ tục giao đất để xây dựng hạ tầng (An Lập), 1 CCN đang khởi công xây dựng (Tam Lập 2). Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đi vào hoạt động là khoảng 66,6%. 

Tiểu My - Cẩm Tú

 

Chia sẻ