| 19-11-2019 | 11:07:07

Đất nở hoa

Vợ chồng nghệ sĩ Ngô Trọng Văn - Nguyễn Thị Dũng, ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một đến bên nhau từ tình yêu với gốm. Nghề gốm đã kết duyên hai người, đưa nhiều sản phẩm đến với người yêu thích dòng gốm mỹ thuật đương đại.


Vợ chồng nghệ sĩ Ngô Trọng Văn - Nguyễn Thị Dũng bên những tác phẩm của mình. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Yêu người, yêu nghề

Chúng tôi hẹn gặp vợ chồng nghệ sĩ vào một buổi chiều mưa cuối tuần. Cơn mưa lành lạnh, nhưng có lò gốm đang “đỏ lửa” làm cho cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên ấm áp hơn. Chị Dũng vừa trò chuyện vừa dùng đôi tay khéo léo, thuần thục tạo hình cho gốm. Những bông hoa từ đất sét dần hiện rõ dưới đôi bàn tay điêu luyện của chị. Chúng tôi có cảm giác chị rất hiểu đất. Hiểu đến mức chị có thể tạo ra bất cứ kiểu dáng nào mà không cần nhìn vào cục đất sét vô hồn.

Chị Dũng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) chuyên ngành gốm sứ. Ra trường chị về Bình Dương - địa phương được xem là một trong những cái nôi của cả nước về nghề làm gốm lập nghiệp. Hành trình đến với gốm của chị không như mong muốn. Những kiến thức chị học ở trường hóa ra không còn phù hợp với dòng gốm đang chạy đua với thị trường. Chị đã làm việc tại nhiều công ty gốm để đi tìm sự tương thích với đam mê của mình.

Bình Dương đang là địa phương có kim ngạch xuất khẩu gốm sứ cao nhất của cả nước. Nhiều năm làm việc tại các công ty gốm sứ, chị không giấu sự hụt hẫng bởi cái nôi gốm mỹ thuật Bình Dương dần phai nhạt, thay vào đó là dòng gốm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, phục vụ các đơn hàng số lượng lớn. Gốm sứ Bình Dương vẫn còn nhưng so với thời kỳ đỉnh cao về mặt chất lượng mỹ thuật giờ đây còn thua kém rất xa.

Chị Dũng đơn độc với đam mê của mình cho đến khi nghệ sĩ Ngô Trọng Văn xuất hiện. Anh Văn cũng là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Biên Hòa, chuyên ngành thiết kế thời trang. Hai người gặp nhau rất tình cờ. Anh bị chinh phục hoàn toàn bởi đôi bàn tay tài hoa của chị. Yêu chị, anh yêu luôn cái nghề làm gốm của chị. Anh quyết định về lại trường Cao đẳng Mỹ thuật Biên Hòa để học tiếp cách làm gốm. Chính anh đã hết lòng ủng hộ chị theo đuổi đam mê của mình.

Năm 2014, chị Dũng quyết định dừng công việc “làm công ăn lương” về mở lò gốm ngay tại phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một. Hai vợ chồng gom hết số tiền tích góp được xây lò nung, mở xưởng gốm để đi theo con đường gốm sứ mỹ thuật. Đây là hướng đi mà ngay những nghệ nhân tên tuổi nhất của làng gốm mỹ nghệ Bình Dương cũng phải e dè, bởi rất tốn kém, rất công phu, kén người mua... và hầu như chủ yếu đem đi dự triển lãm chuyên ngành về gốm sứ.

“Tôi thích sự sáng tạo, mới mẻ, không muốn đi theo những gì trước giờ vẫn làm nên tôi đã điều chỉnh đất, điều chỉnh men, dẫn đến tỷ lệ hao hụt rất cao. Mẻ đầu hư 50%, mẻ sau tỷ lệ hư còn cao hơn. Có thời điểm tiền lương hàng tháng của anh Văn lãnh về chỉ để cho tôi “đốt lò”, cứ như là mình đang đốt tiền vậy”, chị Dũng chia sẻ về những gian nan trong thời gian đầu khởi nghiệp.

Cháy bỏng với gốm

Để thỏa niềm đam mê của mình, hai vợ chồng phải làm thêm dòng gốm handmade mỹ thuật ứng dụng để lấy ngắn nuôi dài. Anh Văn tâm tình, nhờ các sản phẩm gốm sứ ứng dụng anh chị có thêm thu nhập để tiếp tục đam mê của mình. Các sản phẩm được tạo hình rất đẹp, hoàn toàn làm theo phương pháp thủ công; mỗi sản phẩm là độc bản không có phiên bản thứ hai. Các sản phẩm dù là bình hoa, dĩa hay chén... đều mang tính thẩm mỹ rất cao. Tuy giá chỉ vài trăm ngàn đồng cho một sản phẩm nhưng đem lại doanh thu mỗi tháng hàng chục triệu đồng, đủ cho anh chị mua nguyên liệu duy trì lò gốm.

Âm thầm, lặng lẽ với đam mê của mình, tính đến nay hai vợ chồng nghệ sĩ đã tham gia hàng chục cuộc triển lãm về gốm mỹ thuật ở khắp các tỉnh, thành. Ở đó, các tác phẩm gốm sứ đương đại của anh chị đã được công chúng hào hứng đón nhận và được nhiều người sưu tầm gốm đánh giá cao. Có thể kể đến tác phẩm tiêu biểu như “Những đóa hoa nảy mầm” tại triển lãm “Hoa trái mùa xuân” tại không gian gallery của Viện trao đổi văn hóa Pháp Việt - Idercaf (Q.1, TP.Hồ Chí Minh) nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Tết Canh Tý 2020, hai vợ chồng sẽ ra mắt bộ sưu tập chuyên đề về hoa gồm với 3 loài hoa bưởi, khế và chuối, dự kiến ra mắt công chúng tại TP.Hồ Chí Minh.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của vợ chồng nghệ sĩ, mọi người cảm nhận được sự bình dị, gần gũi với thiên nhiên. Dù ứng dụng kỹ thuật chạm hay đắp nổi, người xem vẫn luôn thấy hình ảnh trong trẻo, tươi mới của những cánh rừng, nụ hoa hay những chú chim… Sáng tác của hai vợ chồng luôn hướng tới tình yêu cuộc sống, sức vươn mãnh liệt của sự sống. Ngập tràn trong các sáng tác của anh chị là hoa nên được nhiều người nhắc tới với tên gọi “người làm hoa nảy mầm từ đất”. Dưới bàn tay điêu luyện của anh chị, những đóa hoa gốm cũng trở nên thật mềm mại, nhẹ nhàng, mang trong mình tâm hồn dung dị của người nghệ sĩ cùng hơi thở của cuộc sống.

Anh Văn tâm sự, làm gốm mỹ thuật phải có lòng đam mê, sự kiên nhẫn, kiểu như “câu cá chờ thời”, bởi dòng gốm này phải đầu tư nhiều công sức; ngoài tiền bạc, thời gian còn đòi hỏi tính sáng tạo, tư duy. Nhưng bù lại, những người sưu tầm gốm chuyên nghiệp có thể mua sản phẩm với giá hàng ngàn USD nếu sản phẩm có chất lượng cao về thẩm mỹ. Hai vợ chồng đều yêu thiên nhiên, hoa lá, cây cỏ… nên có sự đồng cảm rất cao trong mỗi tác phẩm sáng tác. Tác phẩm của anh chị không chỉ mang hương vị xanh tươi, màu sắc rực rỡ của hoa lá mùa xuân mà còn thể hiện được sức sống mãnh liệt của chất liệu gốm. Đó là điều làm nên tên tuổi của vợ chồng nghệ sĩ Ngô Trọng Văn - Nguyễn Thị Dũng.

Chị Dũng tâm tình, mỗi tác phẩm gốm phải trải qua hàng chục công đoạn, trong đó những khâu quan trọng như nhồi đất, ủ đất, tạo men, nung lò... sơ suất một khâu coi như tác phẩm bị bỏ. Mỗi tác phẩm người nghệ sĩ phải thổi vào đó một cái “hồn”. Cái “hồn” của người nghệ sĩ, cái “hồn” của tác phẩm sau khi đã định hình, lên men hòa quyện, cộng hưởng vào nhau để cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật độc đáo... khẳng định cái tôi của người nghệ sĩ, không nhầm lẫn được với bất cứ người nào.

Chia tay anh chị trong cơn mưa chiều, hơi ấm từ lò nung vẫn còn phả vào sau lưng người viết. Chúng tôi biết, mẻ gốm đang oằn mình trong lò nung lên đến hàng trăm độ C, đất phải qua gian nan tinh luyện... thì mới nở hoa cho đời.

Cách đây hàng trăm năm, gốm Việt đã có mặt ở khắp các ngả đường ra thế giới theo những con tàu buôn của những thương gia nước ngoài. Gốm Việt đã trải qua nhiều thăng trầm, lúc suy, lúc thịnh. Hiện nay, những ai đam mê nghệ thuật gốm đang đi tìm lại giá trị văn hóa lịch sử của gốm Việt đã bị ẩn đi hoặc đã bị mai một. Có nhiều nghệ nhân, nhiều người tâm huyết với gốm đang phục hồi và phát triển sản phẩm tinh tế, mang giá trị nghệ thuật cao của tổ tiên ta từ ngàn đời nay. Trong dòng chảy đó, gốm sứ Bình Dương đã từng nổi bật với những cái tên Lý Ngọc Minh, Lý Ngọc Bạch, Bùi Văn Gang, Hồ Văn Lớn... Cho dù ở vị thế là một doanh nghiệp quy mô, bề thế hay chỉ là cơ sở nhỏ... họ vẫn đang cố giữ lại những nét tinh hoa nhất của gốm sứ Bình Dương. Nói thế để thấy sự trân quý tình yêu gốm của vợ chồng nghệ sĩ Văn - Dũng.

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ