| 02-01-2024 | 15:02:15

Dấu ấn tự hào của những người rước đền thần ở Nhật Bản

Tại Nhật Bản, những người đàn ông khỏe mạnh rất tự hào về nghi lễ khiêng đền gỗ được gọi là mikoshi.

Các khối u gồ lên trên vai người rước đền mikoshi.

Hằng năm, họ lại thực hiện nghi lễ này vào dịp lễ hội Thần đạo quan trọng. Do phải gánh vác sức nặng lớn, đôi vai của họ sẽ mọc lên những cục u gồ ghề. Song, họ lại vô cùng hãnh diện về những vết chai cứng khổng lồ này.

Rước mikoshi được coi là một vinh dự lớn đối với những người theo Thần đạo Nhật Bản. Trong khi một số người chỉ có thể làm điều đó một lần trong đời, thì những người tận tâm nhất lại tham gia rước mikoshi mỗi năm, đều đặn suốt nhiều thập kỷ.

Tổng trọng lượng của các ngôi đền di động cùng các thanh xà gỗ lớn có thể nặng hơn một tấn. Vì vậy, áp lực lên vai của người khiêng là rất lớn và sau nhiều năm phục vụ, vai họ bắt đầu phát triển những vết chai lớn được gọi là “mikoshi dako”. Chúng thực sự không đẹp mắt, nhưng những người rước mikoshi lại xem chúng như là chiếc huy hiệu danh dự.

Trong Thần đạo, tôn giáo bản địa của người Nhật Bản, một trong những niềm tin cốt lõi là có đến 8 triệu vị thần. Điều đó giải thích rằng mỗi nơi trên quốc gia châu Á này đều có những vị thần riêng.

Một đức tin khác cho rằng những vị thần này sống trong những ngôi đền thờ riêng của họ và cách duy nhất để di chuyển họ là dùng mikoshi - phiên bản di động của những ngôi đền thật. Các ngôi đền gỗ được điêu khắc, sơn vẽ và trang trí cầu kỳ. Chúng được đóng kèm ít nhất hai thanh xà gỗ chắc chắn mà người khiêng sẽ vác trên vai. Trở thành người rước mikoshi là một vinh dự lớn ở Nhật Bản. Mặc dù biết rõ tác động của việc mang vác vật nặng lên cơ thể, nam giới ở mọi lứa tuổi vẫn sẽ vui vẻ tham gia vào truyền thống lâu đời này.

Nhiệm vụ khiêng đền mikoshi còn đòi hỏi một số quy tắc quan trọng, từ trang phục phù hợp đến lối đi lắc lư, và thậm chí cả yêu cầu phải uống rượu sake. Không có gì lạ khi những người rước mikoshi bắt đầu uống rượu gạo từ 6 giờ sáng. Men say cũng sẽ giúp họ quên đi cơn đau do sức nặng đè lên cơ thể.

Theo thời gian, những cục chai cứng phát triển trên vai của người rước mikoshi trở nên lớn đến mức đủ để làm giảm sức nặng của các đền thờ gỗ và giảm bớt cảm giác đau đớn khi khiêng chúng. Thay vì che giấu những biến đổi đó, người rước mikoshi lại tự hào phô chúng ra vì chúng được coi là biểu tượng của sự cống hiến cho vị thần mà họ mang trên vai.

Cục u trên vai của những người rước mikoshi rất giống với vết chai của các “cullatori” ở Nola, Italy. Hằng năm, một nhóm đàn ông khỏe mạnh ở Nola cũng vác trên vai các ngọn tháp bằng gỗ nặng đi khắp đường phố trong ngày lễ hội truyền thống của địa phương. 

Theo TTXVN

Chia sẻ