Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Bình Dương có lợi thế trong phát triển du lịch làng nghề, sinh thái, kết hợp với văn hóa tâm linh. Làm gì để khai thác thế mạnh ấy đã được nhiều đại biểu quan tâm trong chương trình “Khảo sát các khu, điểm du lịch kết hợp tọa đàm đóng góp ý kiến hoàn thiện sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có trên địa bàn tỉnh Bình Dương” do Trung tâm xúc tiến du lịch Bình Dương vừa tổ chức.
Các đại biểu tham quan tại Bảo tàng Quân đoàn 4
Đoàn đã khảo sát tại các điểm du lịch như Khu du lịch Phương Nam (TX.Thuận An), Bảo tàng Quân đoàn 4, Nhà máy xe lửa, chùa núi Châu Thới, Khu du lịch Thủy Châu - Nhà hàng sân vườn Pacifi (TX. Dĩ An), Trung tâm hành chính tập trung tỉnh, chùa Hội An, chùa Bà Thiên Hậu (Thành phố Mới), Nhà tù Phú Lợi, Khách sạn Thắng Lợi, Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, Làng sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một), Nhà hàng Cà Phê Đan, Trung tâm thương mại Minh Sáng Plaza (TX.Thuận An).
Trong chiến lược phát triển du lịch, Bình Dương đặt mục tiêu sẽ hình thành hệ thống sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tạo nguồn thu du lịch, đưa ngành du lịch phát triển, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, nghỉ ngơi, giải trí, hưởng thụ của người dân trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả những di tích lịch sử, các giá trị di sản văn hóa, giá trị môi trường sinh thái…
Để làm được điều này, theo ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương: “Ngành du lịch cần nghiêm túc phân tích, đánh giá thực trạng du lịch của Bình Dương trong những năm qua, định hướng phát triển tiềm năng du lịch cần được phát huy; đồng thời khai thác du lịch phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Ngành cần nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc, trong đó chú ý xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng mới và có tính khác biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh, tính hấp dẫn”.
Tọa đàm sau khảo sát, các đại biểu đã đánh giá cao lợi thế, tiềm năng du lịch Bình Dương, tuy nhiên đa số các đại biểu đều cho rằng tiềm năng du lịch đó vẫn chưa xây dựng được thương hiệu có sức lan tỏa, các làng nghề truyền thống cần được khai thác có hiệu quả như làng nghề tranh sơn mài, tiềm năng du lịch đường thủy, du lịch ven sông chưa thực sự được phát huy, cơ sở vật chất hạ tầng ở một số điểm du lịch chưa hoàn thiện, đồng bộ. Các đại biểu cũng đưa ra một số giải pháp thiết thực như các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh cần có trách nhiệm trong liên kết phát triển du lịch nội tỉnh, trong xây dựng tour từ Bình Dương đi đến các tỉnh lân cận và khu vực. Cần tăng cường quảng bá, tuyên truyền du lịch Bình Dương theo từng thời điểm, có kế hoạch cụ thể, có chiến lược rõ ràng.
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Công ty TNHH TM Tư vấn Dịch vụ Du lịch Văn Hóa Việt (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Bình Dương là một điểm đến thú vị, có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, cần chú trọng hơn cơ sở vật chất cho các điểm đến, đặc biệt là nhà hàng khách sạn, cần có sự kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp địa phương và các công ty lữ hành, thông qua sự điều phối của Trung tâm xúc tiến du lịch. Ngoài ra, du lịch Bình Dương cần chú trọng cho các sản phẩm thực phẩm đặc trưng của địa phương, đây cũng là nét văn hóa riêng biệt cần được phát huy và chia sẻ rộng rãi”.
Theo bà Trương Thị Hoàng Mai, Giám đốc Công ty lữ hành Thanh Kim Mai (Bình Dương), trên cơ sở xây dựng thương hiệu “Du lịch Bình Dương”, trong đó, cần ưu tiên tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch như: Du lịch tham quan làng nghề, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, các khu vui chơi giải trí, du lịch tâm linh, du lịch kết hợp với thể thao. Đồng thời, cần sự phối hợp nhịp nhàng cũng như tạo điều kiện hơn của các ban ngành, đoàn thể liên quan để các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh có cơ hội phát triển bền vững.
Sau thời gian ngắn khảo sát các điểm, hầu hết các đơn vị lữ hành đều đưa ra những phương án phối hợp trong thời gian tới như: Tăng cường khảo sát các điểm du lịch và xây dựng các tour du lịch phù hợp giữa địa phương và đơn vị lữ hành, trao đổi kinh nghiệm thực hiện các chương trình hợp tác giữa hai bên nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Từ đó thúc đẩy sự hợp tác, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của du lịch Bình Dương.
H.THỦY - T.NAM