Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Những tuần gần đây, dịch bệnh tay chân miệng (TCM) có xu hướng giảm đáng kể cả về số ca mắc và ca nặng. Tuy nhiên, trong điều kiện học sinh đi học trở lại, công tác phòng, chống dịch tại các trường học, nhà trẻ được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Y, bác sĩ khám, chữa bệnh cho trẻ tại một bệnh viện tư nhân
Không lơ là với dịch bệnh
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của tỉnh, trong tuần 33, toàn tỉnh ghi nhận 156 ca mắc TCM, giảm 24% so với tuần trước và không ghi nhận ca tử vong. Từ đầu năm đến tuần 33, toàn tỉnh ghi nhận 3.481 ca bệnh, tăng 79% và tăng 1 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2022. Các địa phương có ca mắc cao, gồm: TP.Thuận An 813 ca, TP.Tân Uyên 687 ca, TP.Thủ Dầu Một 669 ca, TP.Dĩ An 627 ca, TX.Bến Cát 328 ca.
Các huyện, thành phố có số ca mắc/100.000 dân cao như: TP.Thủ Dầu Một 190 ca/100.000 dân, huyện Bắc Tân Uyên 161 ca/100.000 dân, TP.Thuận An 129 ca/100.000 dân, TP.Tân Uyên 128 ca/100.000 dân, TP.Dĩ An 124 ca/100.000 dân và thấp nhất là huyện Bàu Bàng 43 ca/100.000 dân. Nhóm tuổi có tỷ lệ ca mắc cao nhất là nhóm từ 1 đến dưới 3 tuổi chiếm 57,5% tổng số ca mắc và từ 3 đến dưới 5 tuổi chiếm 26,1%. Hai nhóm tuổi này thuộc nhóm nhà trẻ và mẫu giáo. Tỷ lệ ca nặng độ 2b trở lên chiếm 4%.
Trao đổi với P.V, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết hiện nay số ca mắc bệnh TCM đang có xu hướng giảm so với các tuần trước. Tuy nhiên, thời điểm này chu kỳ bệnh TCM phát triển mạnh, học sinh đi học trở lại có thể làm gia tăng ca mắc, ca nặng trong thời gian tới. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế tỉnh chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch; phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết khống chế dịch, không để lan rộng, kéo dài.
“Đặc biệt, ngành y tế cũng duy trì hàng tuần chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường, truyền thông phòng, chống dịch, chú trọng tại các khu vực có nguy cơ cao, bùng phát dịch, như: Các khu nhà trọ, chung cư có mật độ dân cư cao. Ngành cũng tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và thực hiện tốt phòng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nói.
Để tăng cường phòng, chống bệnh TCM bùng phát, thời gian tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tổ chức giám sát hoạt động phòng, chống dịch bệnh TCM tại các Trung tâm Y tế: TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng và một số trường học trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng phòng dịch tại nhà trẻ, trường mẫu giáo
TCM dễ xâm nhập vào trường học tạo thành dịch, đặc biệt là ở khối trường mầm non. Xác định thời gian tới nguy cơ có thể gia tăng ca mắc trong trường học, ngành y tế tỉnh chủ động phối hợp ngành giáo dục truyền thông tại các trường học, nhà trẻ và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Tại trường Mầm non Hoa Hướng Dương (phường Khánh Bình, TP.Tân Uyên), nhà trường giao nhiệm vụ cho các giáo viên đã được tập huấn, có kinh nghiệm nhận diện các dấu hiệu ban đầu của bệnh ở trẻ. Cô Nguyễn Thị Thanh Trang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trẻ được kiểm tra ở lòng bàn tay, cánh tay, mặt và vòm miệng… Các trẻ có biểu hiện nghi ngờ, như: Nổi ban đỏ, mụn nước ở các vị trí trên sẽ được hướng dẫn đến phòng y tế của trường, nhân viên y tế trường sẽ kiểm tra lại. Trường hợp xác định trẻ có các biểu hiện nghi ngờ, nhà trường sẽ thông báo với y tế phường và gia đình để kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị nhằm hạn chế tối đa lây lan bệnh ra cộng đồng và trong trường học”.
Còn tại trường Mầm non Hoa Hồng 4 (phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An), trẻ sau khi được đo thân nhiệt, cô giáo sẽ thực hiện kiểm tra kỹ ở 2 lòng bàn tay, cánh tay, các vị trí trên mặt, cổ của trẻ. Trẻ cũng được hướng dẫn há miệng để kiểm tra bên trong vòm miệng. Hoàn tất quá trình kiểm tra ban đầu, trẻ được hướng dẫn sang bồn rửa tay, được giáo viên hướng dẫn và giám sát rửa tay bằng xà phòng. Sau rửa tay, lau khô, trẻ được vào lớp học, được cô cho ăn sáng, sinh hoạt như thường lệ.
Trong khi đó, tại TP.Thủ Dầu Một, để phòng bệnh TCM cho trẻ, UBND các phường đã có văn bản yêu cầu các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non trên địa bàn đẩy mạnh giám sát trẻ. Đặc biệt, các địa phương yêu cầu nhà trường tăng cường chế độ dinh dưỡng cho trẻ với thực đơn bổ sung đa dạng chất dinh dưỡng, nhắc nhở trẻ uống nước, bổ sung nước trái cây tăng sức đề kháng cho trẻ trong năm học mới.
HOÀNG LINH